Mất hai chân vẫn làm nông ở núi

Thứ ba, ngày 06/09/2011 13:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Người lành lặn, khỏe mạnh kiếm sống ở đây đã khổ huống chi ông chỉ còn hai bàn tay lành lặn vừa lao động, vừa làm đôi chân đi lại.
Bình luận 0

Ngày ông Nguyễn Bá Phước ở vùng núi Suối Cối 2, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên sinh ra đã mồ côi cha, mẹ đi bước nữa. Năm 11 tuổi, ông lại bị bạo bệnh khiến toàn thân co rút, 2 chân bị liệt. Hoàn cảnh vậy, nhưng ông không ngửa tay đi xin mà tự nuôi mình bằng cái nghề đầy vất vả: Làm nông ở núi.

Nơi ông sống thật khắc nghiệt, đất khô cằn, đầy đá tảng sắc cạnh, đường đi lội suối, trèo non hiểm trở. Người lành lặn, khỏe mạnh kiếm sống ở đây đã khổ huống chi ông chỉ còn hai bàn tay lành lặn vừa lao động, vừa làm đôi chân đi lại.

Ngày ngày, ông lết lên sườn núi, bóc từng viên đá, khai hoang từng ô đất nhỏ, bất kể mưa nắng ốm đau… Sau mấy mươi năm khai hoang, ông đã tạo lập được một trang trại sắn, mía rộng hơn 3ha. "Vụ sắn vừa rồi, tôi thu hoạch gần 50 tấn mía, sắn, bỏ túi cũng được chục triệu đồng" - ông Phước khoe.

img
Ngày ngày, ông Phước cần mẫn cuốc cỏ mía dưới cái nắng gay gắt.

"Chúng tôi nể cái "tài" chịu nắng của ông. Làm nông thì ai cũng phải dang nắng, dầm mưa, nhưng ông Phước quá đặc biệt, đúng là mình đồng da sắt" - ông Nguyễn Ngọc Thọ, có rẫy sắn kế bên, nhận xét về ông Phước.

Theo ông Thọ, nắng ở vùng này như đổ lửa. 11 giờ trưa người khỏe mạnh nhất cũng phải chui vào lán trại trốn nắng nếu như không muốn chết vì nắng, nhưng ông Phước vẫn làm việc.

Ông Phước cười: "Tôi nghĩ mình không lành lặn nên phải cố gắng gấp đôi, gấp ba người bình thường. Người bình thường đi từ nhà lên rẫy mất nửa giờ, còn tôi lết mất hơn 1 giờ đồng hồ. Lên đến rẫy đã trễ nên phải tập dần làm việc qua trưa. Chịu nắng mỗi ngày một ít, riết vậy rồi quen dần".

Mỗi ngày, ông nấu cơm một lần ăn luôn cả ngày, thức ăn chủ yếu là nước muối hòa ra. Không phải ông không có tiền nhưng nơi ông sống quá xa chợ. Muốn nhờ ai đi chợ giúp cũng khó vì nơi này dân cư heo hút. "Mình bệnh tật tàn phế, có nhà cửa, đất đai là vui rồi, ăn uống kham khổ tí cũng không sao" - ông Phước tâm sự.

Sống kham khổ vậy nhưng ông rất hào hiệp. Cách đây mấy năm, bên cạnh nhà ông, xã xây Trường Tiểu học Xuân Quang 1 cho con em đồng bào dân tộc Chăm H'roi. Thấy thầy trò không có nước uống, ông lấy tiền dành dụm đào một cái giếng. Thấy giáo viên không có nhà nội trú, ông dựng một mái nhà bên cạnh nhà ông để làm chỗ nghỉ cho các thầy cô. Các giáo viên lấy ông làm tấm gương về ý chí tự lực và lòng hào hiệp dạy cho học trò của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem