“Tôi đã bán vợ tôi!”
Cả thân hình khô cong như cạn kiệt sức sống của anh nông dân Hariprasad (44 tuổi) như đổ sập xuống khi bóng dáng của người vợ từng chung sống gần 10 năm, bị một người đàn ông khác dẫn đi khuất sau con đường mù mịt trước nhà. Chị Kunti (23 tuổi), vợ của Hariprasad là một trong rất nhiều nạn nhân của kiếp nạn mất mùa trắng tay và ngập ngụa trong nợ nần của nông dân Ấn Độ.
|
Nhiều nông dân ở miền Bắc Ấn Độ đang phải rao bán người thân để trang trải nợ nần (ảnh minh hoạ). |
Khi những cơn gió mùa không đem mưa từ Ấn Độ Dương ghé thăm những cánh đồng trồng ngũ cốc của nông dân Ấn Độ, mùa thu hoạch đến với họ chỉ là những cánh đồng khô cằn trơ đất cứng. Mùa màng thất bát, sản lượng giảm đẩy nông dân vào cảnh nợ nần chồng chất. Sangeeta, vợ của một nông dân từ vùng Bundelkhand, nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán đã bị chồng bán cho một nhà thổ trong một tháng với giá 2.500 rupees (50 USD) để trả nợ.
Cùng cảnh ngộ với gia đình Sangeeta, Kunti là Kaicharan (40 tuổi), ở quận Jhansi thuộc Uttar Pradesh. Anh này đã vay 70USD của một chủ nợ ở làng bên cạnh để mua một chiếc máy bơm nước hồi năm 2001 khi những đợt hạn hán tồi tệ nhất bắt đầu xảy ra.
Sau 5 năm liên tiếp mất mùa, Kaicharan không có gì để trả nợ, cùng với những khoản tiền lãi cứ thế đội lên. Rồi một ngày khi những món đồ trong nhà không còn gì để bán nữa, Kaicharan nhắm mắt chờ đợi điều tồi tệ đến. Người chủ nợ của Kaicharan ập thẳng vào nhà, kéo lê người vợ và ba đứa con của anh đi để… siết nợ. Kaicharan như xé ruột, nhưng vẫn phải chấp nhận sự thật tàn nhẫn rằng, anh chẳng còn gì để bán, ngoài vợ, con.
Tương tự như vậy là câu chuyện của Hariprasad. Là một nông dân nghèo, nhưng bù lại anh lại sở hữu vẻ đẹp chắc chắn, rắn rỏi của một người lao động cơ bắp. Cái nghèo đã khiến Hariprasad dù đẹp trai nhưng vẫn ế vợ cho đến tuổi gần 40. Rồi một cô gái có tên là Kunti, nổi tiếng về nhan sắc trong vùng, lại còn đang rất trẻ đã đồng ý lấy anh nông dân “già” làm chồng và tình nguyện cùng anh chung lưng đấu cật trên những cánh đồng trồng bắp.
Cuộc sống hạnh phúc kéo dài chưa được bao lâu, khi những đợt hạn hán kéo dài, rồi trở nên tồi tệ nhất bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ vào năm 2001, tổ ấm của Hariprasad bắt đầu lung lay mỗi khi mùa thu hoạch.
Gia đình anh có tổng cộng 3 mảnh ruộng trồng bắp. Ngoài chi phí mua phân bón, hạt giống và máy móc để trồng, mỗi vụ mùa bình thường, anh Hariprasad thu về gần 20.000 rupee. Tuy nhiên, khi hạn hán đến, những cánh đồng không đủ nước đã khiến sản lượng giảm sút nghiêm trọng. Không có tiền để trang trải các chi phí sản xuất, cộng với mất mùa, rớt giá… đã đẩy Hariprasad đến tình thế “Chúa Chổm”.
Nợ chồng lên nợ và cuối cùng, tài sản quý giá nhất mà Hariprasad còn lại là người vợ sở hữu nhan sắc trời cho. Hariprasad quyết định bán vợ với giá 10.000 rupee để trả nợ và khi “tiền đã trao, vợ đã bán”, anh ta mới thốt lên những lời cay đắng: “Tôi, chính tôi đã bán vợ mình!”.
Những cuộc tái hôn đau lòng
Những câu chuyện buồn như thế đang xuất hiện nhan nhản, ngày càng nhiều ở nông thôn Ấn Độ. Các nông dân ở Bundelkhand bang Uttar Pradesh đang rao bán vợ mình cho những ông chủ nợ để sống sót qua vụ mùa trắng tay, với giá từ 4 nghìn đến 12 nghìn rupee (khoảng 50 đến 150 bảng Anh).
Những vụ bán vợ này được thực hiện qua một hợp đồng thảo bằng tay, do người chồng và người mua cùng bàn luận và viết sẵn. Thông thường, người mua là những chủ nợ, những người đàn ông giàu có, song tuổi đã cao. Phụ nữ càng đẹp, thì giá người chồng đưa ra càng cao và dễ được người mua chấp thuận.
Việc mua bán được hợp thức hóa bằng một hợp đồng hôn nhân, theo đó, khi người "chồng" mới chán người phụ nữ, họ có quyền bán cô ấy cho người khác nữa.
Ủy ban về phụ nữ Ấn Độ đã gửi đoàn điều tra về vấn đề này. Dư luận nước này cho rằng, thật kinh khủng và không thể tin nổi rằng điều đó xảy ra ở quốc gia này, và lại càng quá quắt khi bang Uttar Pradesh có thủ hiến là một phụ nữ.
Trong hầu hết các trường hợp này, phụ nữ thường mù chữ và không thể đọc được điều gì viết trên hợp đồng. Có những người chồng “chân thành”, thì nói rõ sự thật cho vợ, và để giúp chồng thoát nợ, người vợ đã tình nguyện bán thân. Tuy nhiên, cũng có những người chồng, im ỉm thỏa thuận với người mua, và người vợ không hề biết bản hợp đồng bán vợ đã ghi những gì.
Theo các báo cáo ghi nhận, một nạn nhân của các vụ buôn bán này cho biết, "chồng tôi bán tôi cho một người đàn ông với giá 8.000 rupee. Người mua đưa tôi đến tòa án để hợp thức hóa đám cưới. Trong lúc đó tôi đã bỏ trốn".
Và Kunti là một trong những nạn nhân như vậy khi người chồng đã bán chị cho một điền chủ khác để làm vợ. Khi chị hiểu ra rằng, một cuộc tái hôn sẽ đến với chị thì những gọng kìm của người chồng mới đã cột chặt cuộc đời người phụ nữ này.
(Còn nữa)
Đăng Thúy (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.