Mất "nhà", khỉ mặt đỏ quý hiếm xuống núi ở cùng dê, lần đầu xuất hiện ở Yên Bái

Hoàng Hữu Thứ bảy, ngày 07/01/2023 14:58 PM (GMT+7)
Đã gần 1 năm nay tại thôn Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái xuất hiện 1 cá thể khỉ mặt đỏ. Ban ngày ở cùng chuồng và đi theo đàn dê kiếm ăn, ban đêm khỉ mặt đỏ lại lên núi ngủ.
Bình luận 0

Theo gia đình ông Lương Xuân Hè (thôn Hin Lò, xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái), con khỉ mặt đỏ này xuất hiện từ tháng 3/2022. Ban đầu, con khỉ mặt đỏ ở phía dưới chân núi Làng Nghè, sau đó vì không có thức ăn nên vào ăn ngô của đàn dê. Khi phát hiện có người, con khỉ này thường bỏ chạy lên rừng.

Nhìn cảnh con vật hoang dã không có thức ăn nên ông Hè cùng người nhà thường mang các loại quả để ở chuồng dê để con khỉ ăn. Lâu ngày con vật này quen và mạnh dạn nên xuất hiện thường xuyên. Mỗi khi ông Hè thả dê đi ăn, con khỉ này cũng đi theo để kiếm ăn.

Mất "Nhà", khỉ mặt đỏ xuống núi ở cùng dê - Ảnh 1.

Gia đình ông Hè vẫn thường đem các loại quả đến chuồng dê của nhà cho cá thể khỉ mặt đỏ. Ảnh: Hoàng Hữu.

Ông Lương Xuân Hè cho biết: "Trước đây, vào khoảng 12 giờ trưa nó (cá thể khỉ mặt đỏ-PV) thường xuống kiếm ăn, khi tôi ra thì nó lại vào rừng. Sau đó khi nhìn thấy nó trước, tôi lại bỏ về để cho nó quen, dần dần nó quen và tôi có thể tiếp cận với nó được. Bây giờ tôi có thể cầm quả đưa cho nó ăn."

Với ông Hè, điều kỳ lạ là con khỉ coi đàn dê như các thành viên trong gia đình. Nó biết bảo vệ dàn dê, nó can khi dê to đánh nhau, còn dê bé đánh nhau nó coi như trẻ con trêu đùa nên thoải mái. 

"Thậm chí khi có con dê bị ngã, rơi xuống gầm sàn, nó biết bế con dê ấy lên. Hoặc tôi bắt một con dê bé để kiểm tra, thấy dê bé kêu, nó cũng biết đến giữ để bảo vệ" - ông Hè nói.

Mất "Nhà", khỉ mặt đỏ xuống núi ở cùng dê - Ảnh 2.

Tối lên núi ngủ, ban ngày cá thể khỉ mặt đỏ này lại xuống sống cùng đàn dê của gia đình ông Hè. Ảnh: Hoàng Hữu.

Là người sống lâu năm dưới chân núi Làng Nghè, ông Hè cho biết, dãy núi Nghè kéo dài từ thôn Hin Lò đến Bản Nghè xã Yên Thắng. Đây là dãy núi đá vôi có chiều dài khoảng 2km, núi có những vách đá cao hàng trăm mét. Vào những năm 90, ở dãy núi này có một đàn khỉ vàng khoảng 10 cá thể và một đàn khỉ mặt đỏ khoảng 30 cá thể, người dân bản địa ở đây hay gọi là con căng.

Nhưng những năm gần đây, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do việc khai thác đá trắng ở núi Nghè. Do đó, người dân không còn thấy đàn khỉ vàng xuất hiện. Đàn khỉ mặt đỏ cũng ít xuất hiện và chỉ còn 1 cá thể xuống ở với đàn dê nhà ông Hè. 

Từ khi con khỉ mặt đỏ này xuất hiện, đã thu hút sự hiếu kỳ của nhiều người đến xem. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn cho con khỉ, các thành viên trong gia đình ông Hè cùng hàng xóm xung quanh cũng luôn ý thức bảo vệ.

Mất "Nhà", khỉ mặt đỏ xuống núi ở cùng dê - Ảnh 3.

Việc khai thác đá tại dãy núi Nghè làm mất nơi sinh sống và nguồn thức ăn của các đàn khỉ nơi đây. Ảnh: Hoàng Hữu

"Con vật này trước đây nó sống theo bầy đàn cả mấy chục con, bản thân tôi và gia đình cũng như hàng xóm đều thấy. Theo tôi nghĩ, trong thời gian qua, do khai thác khoáng sản nên đá lăn gây đổ cây cối khiến con khỉ khiếp sợ. Thứ hai nữa là thức ăn của nó cũng hiếm và không có nữa nên đàn khỉ không còn ở đây" - ông Hè chia sẻ.

Ông Hè cho biết thêm: "Gia đình tôi vẫn chăm sóc nó một cách tốt nhất, nếu nhà nước di dời nó đi thì tôi cũng đồng ý thôi bởi vì như thế nó được bảo vệ tốt nhất".

Mất "Nhà", khỉ mặt đỏ xuống núi ở cùng dê - Ảnh 4.

Mỗi khi đàn dê được thả đi ăn,cá thể khỉ mặt đỏ lại lững thững theo sau. Ảnh: Hoàng Hữu.

Trước thông tin 1 cá thể khỉ mặt đỏ xuất hiện tại gia đình ông Hè, Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên đã cử cán bộ xuống nắm tình hình. 

Qua năm bắt ban đầu, cá thể khỉ mặt đỏ này có tên khoa học là Macaca arctoides, là loài thuộc nhóm 2B – Nhóm loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác và sử dụng.

Mất "Nhà", khỉ mặt đỏ xuống núi ở cùng dê - Ảnh 5.

Cá thể khi mặt đỏ có tên khoa học là Macaca arctoides, là loài thuộc nhóm 2B – Nhóm loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nghiêm cấm khai thác và sử dụng hiện đang sống tại khu vực nhà dân thuộc xã Yên Thắng, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái. Ảnh: Hoàng Hữu.

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Tiến Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết: "Khi nắm được thông tin cá thể khỉ mặt đỏ về sống tại nhà dân, cơ quan Kiểm lâm đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có phương án di dời cá thể. Tuy nhiên, việc di dời cá thể khỉ này còn có nhiều khó khăn đó là việc bắt cá thể khỉ cần có dụng cụ chuyên môn và cần cán bộ có chuyên môn. Chúng tôi cũng mong được phối hợp với các trung tâm cứu hộ động vật hoặc các vườn động vật hoang dã để có hướng di dời cá thể này, đảm bảo cho cá thể sinh trưởng và phát triển tốt hơn".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem