Chỉ chênh 1 ngày, chi thêm 1 triệu đồng
Đó là trường hợp bà Trần Thu Minh (56 tuổi, ở Thanh Liêm, Hà Nam). Gặp PV NTNN chiều 6.1, bà Minh cho biết, bà bị huyết áp cao cộng với tiểu đường nên thường xuyên lên Bệnh viện Bạch Mai để tái khám. “Vừa tháng trước tôi được thanh toán 30% tiền khám, xét nghiệm, thuốc nên chỉ phải trả 500.000 đồng. Tới tháng này thì không được thanh toán nên mất hơn 1.500.000 đồng. Số tiền chênh 1 triệu đồng cộng với tiền đi lại cũng là một khoản không nhỏ đối với công chức về hưu như tôi”.
Người bệnh cần cân nhắc khi vượt tuyến chữa bệnh. Diệu Linh
Tuy nhiên theo bà Minh, kể cả mất thêm tiền bà vẫn đi khám tuyến T.Ư vì thấy an tâm hơn. Bởi ở tuyến huyện, dù khám đúng bệnh nhưng không đủ thuốc, bà phải mua thuốc bên ngoài khá nhiều nên “nâng lên đặt xuống mãi tôi vẫn quyết định sẽ lên T.Ư khám” – bà Minh cho biết.
Ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban Chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, từ 1.1.2015, bệnh nhân khi khám chữa bệnh vượt tuyến thẳng lên bệnh viện T.Ư chỉ được BHYT chi trả 40% tiền viện phí, người vượt tuyến lên tuyến tỉnh chỉ được thanh toán 60%. Nhưng mức thanh toán này cũng chỉ áp dụng với người điều trị nội trú, còn điều trị ngoại trú không được thanh toán. Trong khi trước năm 2015, người khám chữa bệnh kể cả nội trú lẫn ngoại trú đều được chi trả ở mức 30% và 50%.
Chị Nguyễn Thị Hằng (31 tuổi, Bắc Ninh) ngồi chờ khám bệnh cho con tại Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, con chị 6 tuổi bị ho, sốt đã 2 ngày nên chị cho con lên bệnh viện T.Ư khám. Các bác sĩ chẩn đoán con chị bị viêm phế quản, cho thuốc rồi về. Được biết sau này khám chữa bệnh ngoại trú sẽ không còn được BHYT chi trả, chị Hằng khẳng định vẫn cho con đi khám trên T.Ư vì “đằng nào cũng mất tiền”.
Tuyến dưới phải “vận động”
Quan điểm
Có đến 70% bệnh nhân vượt thẳng lên tuyến T.Ư nhưng chỉ để khám chữa bệnh thông thường mà tuyến dưới cũng có thể chữa trị tốt. Khi bệnh nhân nhẹ đổ xô lên tuyến trên sẽ khiến tuyến trên không tập trung điều trị, nghiên cứu các ca bệnh khó mà tuyến dưới cũng bị ế ẩm; trang thiết bị, nhân lực được đầu tư nhưng lại phải “xếp xó”.
Ông Nguyễn Ngọc Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, mỗi ngày bệnh viện khám chữa bệnh cho khoảng 1.000-1.200 người, trong đó khoảng 40-60% là bệnh nhân ngoại trú có BHYT. Ngoài số lượng bệnh nhân vượt tuyến lớn thì mỗi ngày, Bệnh viện Bạch Mai còn tiếp nhận gần 1.000 bệnh nhân điều trị theo yêu cầu.
Theo ông Hiền, trong một tháng qua, Bệnh viện Bạch Mai đã tổ chức thông báo cho người dân về các điểm mới trong Luật BHYT sửa đổi, trong đó có quyền lợi của người khám chữa bệnh vượt tuyến như phát tờ rơi, chạy bảng điện tử ở ngay khoa khám bệnh, tập huấn cho y bác sĩ… Hiện bệnh viện chưa nhận được khiếu nại nào về việc chi trả BHYT.
Bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) cho biết, việc giảm chi trả với bệnh nhân vượt tuyến không chỉ giúp giảm tải bệnh viện tuyến trên mà còn thúc đẩy các bệnh viện tuyến dưới phải có các giải pháp cải thiện phương thức khám chữa bệnh, nâng cao trình độ để tạo niềm tin “lôi kéo” bệnh nhân. “Bệnh viện muốn có tiền do BHYT chi trả phải cạnh tranh lẫn nhau để giữ được bệnh nhân. Điều này sẽ giúp bệnh nhân có nhiều cơ hội để lựa chọn nơi khám chữa bệnh tốt hơn” – bà Hương cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.