Mặt thật bá quyền Trung Quốc: Mở rộng bờ cõi bằng… bản đồ

Thứ bảy, ngày 07/06/2014 06:42 AM (GMT+7)
Dân Việt trân trọng giới thiệu bài viết của ông Đăng Quang - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc - về chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Trung Quốc.
Bình luận 0
LTS: Gốc rễ của việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là hiện thực chủ nghĩa bành trướng, bá quyền đã được Trung Quốc vạch ra từ lâu. Ông Đăng Quang - một chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc đã có bài viết thể hiện quan điểm riêng, gửi Báo NTNN - Dân Việt. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc.

Chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Trung Quốc có nguồn gốc sâu xa từ trong lịch sử và đã trở thành một thứ “truyền thống” cho đến ngày nay.


Phát triển bằng thủ đoạn


Một trong những thủ đoạn chủ nghĩa bành trướng, bá quyền Trung Quốc thường dùng là tự ý vẽ lại đường biên giới lấn sang nước khác rồi đưa ra các luận điểm: Đường biên giới đã được thỏa thuận trước đây là không công bằng, nó được ký kết trong điều kiện triều đình Trung Quốc suy yếu, nó là sản phẩm của chủ nghĩa đế quốc…

Bản đồ đường lưỡi bò hết sức phi lý của Trung Quốc.
Bản đồ đường lưỡi bò hết sức phi lý của Trung Quốc.

Năm 1954, Trung Quốc xuất bản cuốn “Lịch sử tóm tắt nước Trung Hoa hiện đại” với một bản đồ lãnh thổ Trung Quốc mới. Theo bản đồ này thì yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với các nước xung quanh lên tới 3,2 triệu km2, nếu tính cả các vùng biển, đảo thì lên tới 10,5 triệu km2. Trong đó, phần đất của Liên Xô (trước đây) là 1,6 triệu km2, Ấn Độ 130.000km2, Myanmar 70.000km2, Pakistan 7.500km2… Một số nước bị Trung Quốc xem là lãnh thổ của Trung Quốc bị đế quốc xâm chiếm như Mông Cổ, Thái Lan, Myanmar, Malaysia, Lào, Campuchia, Triều Tiên, Việt Nam.

Ngày 6.5.2009, Trung Quốc trình tấm bản đồ Đường chín đoạn trên Biển Đông lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc. Đường chín đoạn này (còn gọi là Đường lưỡi bò, Đường chữ U) khoanh vùng chiếm khoảng 75% diện tích mặt nước của Biển Đông (bao trọn quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, quần đảo Đông Sa và bãi ngầm Macclesfield), chỉ còn lại khoảng 25% cho tất cả các nước Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia và Việt Nam, tức mỗi nước được trung bình 5%...

Nước bị vẽ lấn đất sẽ phản đối. Trung Quốc bèn nêu ra đó là “vùng lãnh thổ tranh chấp”, “vùng biển tranh chấp” và đề nghị hiệp thương giải quyết sao cho “hai bên cùng có lợi”. Khi vào hiệp thương, Trung Quốc dùng mọi cách gây sức ép, uy hiếp, mua chuộc… và bao giờ Trung Quốc cũng giành phần lớn hơn. Đây chính là thủ đoạn “không đánh mà thắng”. Thực tế, thương lượng với Miến Điện năm 1960, Trung Quốc chiếm 131 km2, Miến Điện giành lại được 85km2; với Pakistan năm 1961, Trung Quốc “xơi” 2.050km2, Pakistan chỉ được 1.350km2; với Nepal, Trung Quốc đoạt một nửa ngọn Everest, Nepal chỉ còn được một nửa…

Nếu nước bị vẽ lấn đất không chịu thương lượng, Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp gây sức ép và khi có thời cơ sẽ dùng xung đột vũ trang đánh chiếm. Sau khi chuyện đã rồi, Trung Quốc mới bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán buộc đối phương phải công nhận phần đất đó thuộc về Trung Quốc.

Trung Quốc thật lòng với ai?

Đối với Việt Nam, Trung Quốc vẽ biên giới đường biển khoanh vùng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc và đòi Việt Nam phải thừa nhận. Tiếp đó, như đã biết, Trung Quốc dùng lực lượng vũ trang lấn chiếm từng bước một. Ở biên giới phía Bắc, Trung Quốc lợi dụng việc Việt Nam nhờ in bản đồ để vẽ biên giới Trung Quốc lấn vào đất Việt Nam.

Ngoài ra, Trung Quốc còn dùng nhiều thủ đoạn xâm lấn từng khu vực nhỏ và luôn đòi Việt Nam phải chấp nhận “hiện trạng biên giới”, tức là chấp nhận cho Trung Quốc xâm lấn dần, lấn được đến đâu là lãnh thổ Trung Quốc mở rộng đến đấy. Trung Quốc cũng áp dụng thủ đoạn này với các nước láng giềng khác kể cả Liên Xô (trước đây), mặc dù giữa hai nước có những dòng sông lớn làm biên giới thiên nhiên.

Nếu nước bị vẽ lấn không chịu thương lượng, Trung Quốc sẽ dùng mọi biện pháp gây sức ép và khi có thời cơ sẽ dùng xung đột vũ trang đánh chiếm. Sau khi chuyện đã rồi, Trung Quốc mới bắt đầu ngồi vào bàn đàm phán buộc đối phương phải công nhận phần đất đó thuộc về Trung Quốc.

Trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cự tuyệt quốc tế hóa các tranh cãi, vì sợ bị cô lập. Thay vào đó, Trung Quốc chủ trương đàm phán song phương với từng nước liên quan để dễ bề áp đặt, khống chế. Trung Quốc cũng dùng chiêu bài kinh tế để mua chuộc, răn đe, buộc một số nước ASEAN phải nghe theo Trung Quốc.

Trung Quốc cũng là “bậc thầy” trong việc dùng các biểu hiện hữu nghị, các diễn đạt “có cánh” để che giấu ý đồ vụ lợi của mình, dùng các lập luận ngụy biện để che giấu ý đồ thật. Khó tìm được cơ sở để có thể kết luận là Trung Quốc có được tình hữu nghị thực sự với ai, Trung Quốc có thật lòng giúp đỡ ai? Ý đồ thực của Trung Quốc không đi theo lới nói. Những lời hứa và thỏa thuận ký với Trung Quốc đều không có tính vững chắc. Khi thấy sự việc không còn có lợi cho Trung Quốc thì Trung Quốc sẵn sàng đảo ngược mọi vấn đề.
Đăng Quang - Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc (Đăng Quang - Chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem