16h chiều nay (5.6), Bộ Ngoại giao tổ chức Họp báo quốc tế về tình hình
Biển Đông. Ông Lê Hải Bình - Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người
phát ngôn Bộ Ngoại giao - chủ trì buổi họp báo. Cùng tham gia buổi họp
báo còn có ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia,
ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh
Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam.
Buổi họp báo
được chú ý hơn sau những động thái lên tiếng mạnh mẽ của nhiều quốc gia
trước việc làm ngang ngược của Trung Quốc. Đồng thời, clip chứng minh
tàu sắt của Trung Quốc cố tình đâm chìm tàu cá của Việt Nam tại vùng
biển Hoàng Sa mới được công bố cũng là chủ đề được quan tâm.
Trước
đó, phía Trung Quốc từng phát ngôn rằng tàu cá Việt Nam đâm vào tàu
Trung Quốc rồi bị chìm. Những hình ảnh mới được công bố cho thấy hành
động vô nhân đạo của phía Trung Quốc trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt
Nam.
Ông Lê Hải Bình - Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao - chủ trì buổi họp báo. Ảnh: ĐSPL
16h: Mở đầu, ông Trần Duy Hải đã
thông báo tình hình và các đấu tranh của Việt Nam từ khi Trung Quốc hạ
đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển thuộc vùng đặc
quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
16h02: Ông Lê Hải Bình nói: Đã
hơn 1 tháng Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong thềm lục địa và
vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cùng nhiều tàu hộ tống, đồng thời
có hành vi đe dọa tính mạng của ngư dân của Việt Nam. Hành vi này bất
chấp các quy định của luật pháp quốc tế, bỏ qua sự quan tâm, quan ngại
của quốc tế, ảnh hưởng đến an ninh an toàn hàng hải ở biển Đông. Việt
Nam đã hết sức kiên trì tiếp xúc, trao đổi, kiên trì thể hiện biện pháp
hòa bình và luôn kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải đưa giàn khoan Hải
Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam ngay lập tức. Nhưng đáp lại
thiện chí đó, phía Trung Quốc còn có những hành vi hung hăng hơn và liên
tục đưa ra luận điệu vu cáo, đổ lỗi cho Việt Nam. Buổi họp báo hôm nay
tiếp tục cung cấp thông tin trên thực địa và những nỗ lực của Việt Nam
để giải quyết vụ việc hòa bình.
16h12: Ông Trần Duy Hải
trình bày: Hơn 1 tháng qua, Việt Nam đã nỗ lực đối thoại trao đổi với
phía Trung Quốc bằng nhiều hình thức khác nhau để yêu cầu Trung Quốc rút
giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời tôn
trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trong vùng đặc quyền
kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đến nay đã có trên 30 cuộc trao
đổi, đàm phán các cấp giữa hai bên. Nhưng bất chấp, họ không dừng các
hành vi bất hợp pháp của mình mà còn ngang ngược hơn. Trên thực địa, họ
mở rộng phạm vi hoạt động của giàn khoan, di chuyển giàn khoan đến vị
trí mới nằm sâu 60 hải lý trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa
của Việt Nam. Trung Quốc cũng tăng cường các tàu hộ tống, trong đó có
nhiều tàu quân sự và cả máy bay chiến đấu. Các tàu Trung Quốc có các
hành vi hung hăng, chủ động tấn công, cố tình đâm và phun vòi rồng công
suất cao vào tàu chấp pháp của Việt Nam làm nhiều cán bộ kiểm ngư của
Việt Nam bị thương.
Đặc biệt, ngày 26.5 tàu Trung Quốc đã đâm
chìm tàu cá của Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, các tàu Trung Quốc đã ngăn cản tàu Việt Nam cứu hộ 10
ngư dân bị chìm. Sau đó, tàu Trung Quốc đã đâm thủng một tàu cảnh sát
biển của Việt Nam. Hành động đó đã gây quan ngại quốc tế, bất bình ở
Việt Nam.
Vừa qua, Bộ Ngoại giao lần thứ hai có công hàm gửi phía
Trung Quốc yêu cầu rút giàn khoan ngay lập tức và đàm phán hoặc các
biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng phía Trung Quốc
không trả lời.
Quang cảnh buổi họp báo. Nguồn: Dân trí
16h18: Ông Ngô Ngọc Thu tổng hợp
tình hình diễn biến tình hình trong 1 tháng qua: Sau buổi họp báo quốc
tế ngày 7.5, quý vị thường xuyên nhận được thông tin chuyển về từ thực
địa. Thời điểm đầu tiên đặt giàn khoan Trung Quốc đặt cách đảo Tri Tôn
của Việt Nam 17 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý nằm sâu trong vùng
đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau đó, Trung Quốc đã di chuyển đến địa
điểm mới, nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chính xác
là 57 hải lý.
Trung Quốc thường xuyên có 40 tàu thường trực, lúc
cao điểm có đến 140 chiếc, trong đó có tàu hải cảnh, hải tuần, tàu cá vỏ
sắt rẽ nước 200 - 400 tấn. Đặc biệt nghiêm trọng là Trung Quốc đưa tàu
chiến đến khu vực giàn khoan, đó là tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục tên
lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu quét mìn, tàu đổ bộ. Ngoài ra còn
có máy bay các loại hoạt động trên vùng trời khu vực giàn khoan Hải
Dương 981 đặt trái phép. Cao điểm ngày 27.5 Trung Quốc sử dụng 9 lần
chiếc tàu chiến đấu để di chuyển giàn khoan đến vị trí mới.
Trung
Quốc tổ chức thành các vòng bảo vệ giàn khoan, vòng 1 từ 1 - 3 hải lý
là các tàu vận tải, tàu dịch vụ. Vòng 2 từ 5 - 7 hải lý bao gồm tàu hải
cảnh, tàu hải tuần. Vòng 3 gồm các tàu chiến, tàu cá vỏ sắt công suất
lớn. Trung Quốc chia tàu bảo vệ thành các nhóm, thường xuyên bám sát các
tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam.
Khi tàu Việt Nam
tiếp cận yêu cầu các tàu Trung Quốc rút khỏi khu vực biển Việt Nam thì
phía Trung Quốc tổ chức bao vây, đâm thẳng vào tàu Việt Nam. Ngoài ra họ
sử dụng các vòi rồng hay súng bắn nước công suất lớn tấn công tàu Việt
Nam làm kính vỡ, phá hoạt thiết bị trên tàu Việt Nam. Họ còn sử dụng các
máy phát âm tần, đèn pha công suất lớn chĩa về phía các tàu Việt Nam
gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của cán bộ trên tàu.
Đặc biệt
ngày 26.5 tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam tại điểm cách khu
vực giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 17 hải lý, khi các tàu Việt Nam cứu
vớt người bị nạn, các tàu cá Trung Quốc đã ngăn cản. Từ khi Trung Quốc
hạ đặt trái phép giàn khoan đến nay, các tàu Trung Quốc đã gây hư hỏng
24 tàu thực thi pháp luật của Việt Nam (19 tàu kiểm ngư và 5 tàu cảnh
sát biển). Gần đây nhất tàu Trung Quốc đâm thẳng vào tàu 2016 của Cảnh
sát biển Việt Nam, làm thủng 4 lỗ cực kỳ nguy hiểm.
Từ ngày hôm qua đến hôm nay, lực lượng tàu Trung Quốc tiếp tục các hành động đâm va phun nước vào tàu Việt Nam.
16h27:
Cảnh sát biển cung cấp một video clip về tình hình thực địa chuyển về.
Hình ảnh được ghi vào sáng ngày 1.6 cho thấy tàu Trung Quốc tiến hành
đâm va vào tàu Cảnh sát biển 2016 của Việt Nam. Tàu 46105 của Trung Quốc
đã hung hãn tấn công tàu Cảnh sát biển Việt Nam, làm tàu Cảnh sát biển
Việt Nam bị thủng 4 lỗ, sát với vạch ngấn nước, rất nguy hiểm. Các cán
bộ, chiến sĩ trên tàu đã phải dùng thiết bị trên tàu bịt kịp thời.16h30: Ông Hà Lê - Phó Cục
trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) trình bày: Các tàu của Trung Quốc
đã luôn chủ động tấn công tàu kiểm ngư của Việt Nam làm 12 kiểm ngư viên
bị thương. Đặc biệt nghiêm trọng là tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá
của ngư dân Việt Nam. Tính từ 7.5 đến nay đã có 12 tàu cá của Việt Nam
bị cản trở trên ngư trường truyền thống, bị uy hiếp, đối xử thô bạo. Như
việc tàu chiến của Trung Quốc tấn công, bắn đạn pháo sáng vào tàu cá
96416 của Quảng Ngãi ngày 7.5. Tiếp đó, một tàu của Quảng Ngãi khác đã
bị tàu ngư chính của Trung Quốc tấn công, đập phá tài sản, cướp hải sản
và đánh hai ngư dân Việt Nam bị thương. Tàu 96001 đang khai thác tại
vùng biển Hoàng Sa cũng bị tàu ngư chính Trung Quốc tấn công, lấy đi các
thiết bị thông tin liên lạc, 400kg hải sản.
Đặc biệt nghiêm
trọng là vụ việc ngày 26.5 khi tàu cá ĐNa 90152 bị tàu 11209 của Trung
Quốc đâm chìm. Đây là hành động rất manh động, thể hiện rõ ý đồ muốn đâm
chìm tàu cá của Việt Nam. Họ còn ngăn cản các tàu cá Việt Nam cứu người
bị nạn.
16h41: Cuộc họp báo chuyển sang nội dung hỏi đáp.
PV
hỏi: "Trung Quốc nhiều lần di chuyển giàn khoan, xin xác định lại vị
trí hiện nay và tại sao họ lại di chuyển nhiều lần như vậy?".
Ông
Ngô Ngọc Thu: Sau hạ đặt giàn khoan, đến ngày 27.5 họ lại di chuyển đến
khu vực mới. Đây là giàn khoan nước sâu, vị trí đặt giàn khoan sâu hơn
1.000m nên giàn khoan có thể di chuyển 100 - 200m là bình thường. Nhưng
với lần di chuyển gần đây, họ đã cố định vị trí mới (15-33.38
Bắc/111-34.62 Đông).
Ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: ĐSPL
Ông
Lê Hải Bình: Dù ở vị trí nào họ cũng đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế
và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán
của Việt Nam.
16h48: PV: "Tàu Trung Quốc liên tục tấn công, gây thiệt hại cho tàu cá Việt Nam. Cục Kiểm ngư đánh giá tình hình như thế nào?".
Ông Hà Lê: Trước hết phải khẳng định các tàu cá Việt Nam bị tấn công
khi đang khai thác hoạt động hải sản bình thường ở ngư trường truyền
thống thuộc vùng biển Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm
nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam cùng luật pháp quốc tế. Hành động
của Trung Quốc đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của ngư dân.
Chúng tôi cực lực phản đối hành động vô nhân đạo này.
Ông Hà Lê - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư - chỉ rõ, tàu cá Việt Nam rất nhỏ bé so với tàu Trung Quốc. Ảnh: Dân trí
PV: "Đoàn cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Hoa Kỳ đã đến Việt Nam.
Phía Việt Nam có kỳ vọng vai trò của Hoa Kỳ trong vấn đề bảo vệ chủ
quyền?".
Ông Lê Hải Bình: Việc duy trì an ninh an toàn hàng
hải trong khu vực là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia liên quan. Hoa Kỳ
là cường quốc trên thế giới. Vừa qua, Hoa Kỳ cũng có tiếng nói cùng cộng
đồng quốc tế để góp vào hòa bình ổn định an ninh khu vực. Chúng tôi hy
vọng Hoa Kỳ tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn cùng hành động thiết thực
để đóng góp vào việc ổn định tình hình an ninh, hòa bình trong khu vực
và trên thế giới.
17h03: PV: "Trung Quốc vừa họp
báo cho rằng Việt Nam dùng nhiều tàu vũ trang và hơn 120 lần đâm vào tàu
Trung Quốc tại thực địa, Việt Nam có phản ứng gì? Phía Trung Quốc cũng
cho lưu hành tài liệu và công hàm tại Liên Hợp Quốc, ý kiến của Việt Nam
trong vấn đề này?".
Ông
Trần Duy Hải: Nội dung công hàm Trung Quốc lưu hành ở Liên Hợp Quốc và
phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đều có điểm chung là xuyên tạc,
bóp méo sự thật. Trung Quốc không đưa ra được hình ảnh nào về tàu Việt
Nam đâm tàu Trung Quốc. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ phát ngôn của phía
Trung Quốc. Hành động tàu Trung Quốc đâm va vào tàu Việt Nam cũng đã
được đưa tin ở Trung Quốc, như vậy là họ đã thừa nhận việc đó.
Ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia. Ảnh: ĐSPL
PV:
"Tình hình cho thấy Trung Quốc không chịu xuống thang, Việt Nam sẽ có
những biện pháp gì tiếp theo? Vừa qua Trung Quốc không đồng tình với
phát biểu của cộng đồng quốc tế tại Hội nghị Shangri-la và cho thấy họ
không tuân thủ quy định pháp luật quốc tế, vậy vai trò của quốc tế trong
vấn đề này như thế nào? Việt Nam có ủng hộ Hội Nghề cá Đà Nẵng và chủ
tàu đưa vụ việc tàu ĐNa 90152 ra kiện Trung Quốc hay không?".
Ông
Trần Duy Hải: Chúng ta đã nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình hình
căng thẳng trên Biển Đông, nhưng bất chấp, Trung Quốc có những hành động
leo thang mới. Việt Nam sẽ kiên trì biện pháp đấu tranh hòa bình để
giải quyết bất đồng trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp
Quốc. Việt Nam sẽ nỗ lực ngoại giao hơn nữa và cân nhắc các biện pháp
tiếp theo để bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam.
Cộng đồng quốc
tế đã có phát biểu mạnh mẽ, phản đối hành động của Trung Quốc lần đầu
tiên trong nhiều năm trở lại đây. Tiếng nói của cộng đồng quốc tế đóng
vai trò hết sức quan trọng đối với an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông
và ngăn chặn hành động của Trung Quốc.
Các vụ kiện quốc tế đều
rất phức tạp, nếu tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc chỉ là kiện dân sự.
Nhưng vụ việc này còn liên quan đến chủ quyền, quyền tài phán của Việt
Nam không chỉ là kiện dân sự. Tất cả các phương án đều phải nghiên cứu,
nhưng phải chọn phương án tối ưu nhất để bảo vệ quyền và lợi ích của
chúng ta.
17h17: PV: "Dù có đường dây nóng giữa hai bên nhưng phía Trung Quốc vẫn không lùi bước, vậy hiệu quả đường dây nóng như thế nào?".
Ông
Lê Hải Bình: Đường dây nóng chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu cả hai
bên đều có thiện chí và mong muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Việt Nam đã sử dụng nhiều biện pháp hòa bình, trao đổi nhưng nếu đường
dây nóng chỉ có nỗ lực từ một phía sẽ không giải quyết được. Giải quyết
tranh chấp cũng vậy, phải từ mong muốn và thiện chí của cả hai bên.
Ông Lê Hải Bình nhấn mạnh: Yêu nước nhưng phải tôn trọng pháp luật. Ảnh: Dân trí PV:
"Nếu Trung Quốc không chịu rút giàn khoan, lực lượng kiểm ngư và cảnh
sát biển sẽ tiếp tục có những biện pháp gì? Có phải tàu của Việt Nam
chưa đủ để đối phó với tàu của Trung Quốc?".
Ông Ngô Ngọc Thu:
Trước hết, ngay sau khi giàn khoan Hải Dương 981 xâm phạm vùng biển Việt
Nam, lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển Việt Nam đã ngay lập tức có
mặt để ngăn chặn. Trong thời gian vừa qua dù các tàu bảo vệ của Trung
Quốc sử dụng phương tiện để tấn công, nhưng lực lượng Việt Nam vẫn kiên
trì. Chủ trương của Nhà nước Việt Nam là giải quyết vấn đề trên biển
bằng biện pháp hòa bình nên lực lượng trên biển phải kiềm chế để giải
quyết bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế.
PV: "Các ông bình luận thế nào về ý kiến Trung Quốc muốn “trỗi dậy hòa bình”?".
Ông
Trần Duy Hải: Phải khẳng định những việc làm của Trung Quốc gây hấn với
các nước láng giềng làm xấu hình ảnh của Trung Quốc trong cộng đồng
quốc tế. Phản ứng của quốc tế vừa qua cũng thể hiện rõ điều này. Chính
sách ngoại giao hòa bình của Trung Quốc sẽ không phải là thực tế mà chỉ
là lời nói. Như việc giàn khoan Hải Dương 981 đe dọa nghiêm trọng đến an
ninh an toàn khu vực. Đấy không thể nói là hành động hòa bình được mà
là hành động bạo lực, đe dọa trong khu vực. Cộng đồng quốc tế không thể
coi đó là hành động hòa bình được.
17h30: Kết thúc cuộc họp báo.
Đăng Thúy - Vinh Hải (Đăng Thúy - Vinh Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.