Ngày 20/11: Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam nhớ về một người thầy đã khuất

Gia Khiêm Thứ ba, ngày 19/11/2024 09:30 AM (GMT+7)
Nhiều năm kể từ khi người thầy đáng kính qua đời là PGS.TS Lê Hải Chi, trong tâm thức ông Cao Tiến Đức, Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam vẫn không thể quên ơn. Ông kể: "Thầy tôi đối xử với người tâm thần như người thường. Thầy khiến tôi yêu thương bệnh nhân hơn".
Bình luận 0

Ký ức về người thầy đã khuất của GS Cao Tiến Đức

GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức nguyên là Chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Hiện ông là Phó chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam; Phó chủ tịch Hội chống động kinh Việt Nam; Ủy viên Hội đồng chuyên môn Ban bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương.

Cách đây 2 năm, sau khi nghỉ hưu, ông chuyển về Tây Nguyên công tác với chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ít ai biết, ông được phong là Giáo sư ngành tâm thần học Việt Nam.

Thư gửi người thầy đặc biệt đã khuất của Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam - Ảnh 1.

GS.TS.BS cao cấp Cao Tiến Đức hiện là Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Chủ tịch Hội đồng quản trị Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk). Ông là người duy nhất đến thời điểm hiện tại được phong là Giáo sư ngành tâm thần học Việt Nam. Ảnh: Gia Khiêm

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, GS Cao Tiến Đức kể, cách đây hơn 2 năm, sau khi nghỉ hưu, ônh đã nhận lời vào Tây Nguyên tiếp tục cống hiến tâm, sức mình vì người bệnh cũng như các thế hệ học trò. Ông bảo, không nhiều người mặn mà với ngành chuyên khoa tâm thần.

Ông nhận thấy lĩnh vực tâm thần học ở các tỉnh Tây Nguyên chưa phát triển nên muốn vào làm việc đúng chuyên môn. Chính vì vậy, bỏ qua lời khuyên có tuổi đảm nhiệm công việc mới căng thẳng, vất vả, nguy hiểm… ông quyết định gắn bó với mảnh đất đầy nắng và gió này.

Khi đó, một học trò của GS Cao Tiến Đức chia sẻ: "Một vài lần em ngờ ngợ thấy bóng dáng thầy trên facebook ở một bệnh viện của TP Buôn Ma Thuột. Nhưng em không tin đó là sự thật. Cho đến khi thầy nói "Thầy quý mến Tây Nguyên nên thầy là công dân của Buôn Ma Thuột rồi". Thật bất ngờ, em rất vui vì điều đó, vì Tây Nguyên, đặc biệt là Buôn Ma Thuột nói riêng đã có chuyên gia đầu ngành với bề dày kinh nghiệm về lĩnh vực tâm thần".

Thư gửi người thầy đặc biệt đã khuất của Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam - Ảnh 2.

Phó giáo sư Lê Hải Chi (trái) và học trò Cao Tiến Đức được chụp năm 2004. Ảnh: NVCC

Dù vậy, một tháng GS Cao Tiến Đức thường có vài ngày bay về Hà Nội. Theo ông, đang còn duyên nợ với thủ đô, một số đơn vị vẫn mời ông về dự các hội nghị, đi giảng bài, hội thảo, chấm thi, tham gia hội chẩn.

Đặc biệt, mỗi năm đến Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), GS Cao Tiến Đức lại nhớ đến người thầy đã qua đời của mình - Phó giáo sư Lê Hải Chi. Thầy Hải Chi cũng là chủ nhiệm bộ môn Tâm thần và Tâm lý Y học, những năm 1980, là người có ảnh hưởng quan trọng đối với bác sĩ Đức.

"Bác sĩ muốn giỏi phải lao vào những ca bệnh khó", đó là câu nói đáng kính từ người thầy đã khuất luôn được GS. Đức luôn khắc ghi trong tâm thức.

GS Đức kể, năm 1981, ông thực tập lâm sàng 2 tuần ở Khoa tâm thần, Bệnh viện Quân y 103, Hà Nội. Thời gian tuy không nhiều nhưng đủ để ông lưu giữ lại những kỷ niệm sâu sắc.

Thư gửi người thầy đặc biệt đã khuất của Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam - Ảnh 3.

Các bác sĩ khoa tâm thần, Bệnh viện Quân y 103 năm 1983. Ảnh: NVCC

"Người bệnh ở Khoa tâm thần cũng là những con người bình thường như bất kỳ ai trong chúng ta. Khi đó, dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng tôi vẫn gặp nhiều thương binh, bệnh binh đi ra từ chiến trường. Cuộc chiến khốc liệt ở các mặt trận, sự gian khổ, thiếu thốn, sốt rét, chất độc hóa học... đã khiến họ bị tiêu hao nhiều sức lực, để giành lại hòa bình cho Tổ quốc.

Họ đã để lại cả một phần xương máu nơi chiến trường, và đổi lại, đi theo họ về với cuộc sống đời thường không chỉ là bệnh tật mà còn là những vết thương không thể nhìn thấy. Ở khoa tâm thần lúc đó, bệnh nhân là những người đặc biệt: đó là những em bé, những cụ già, những học sinh, sinh viên, những người công nhân, nông dân, có cả trí thức cùng cán bộ chiến sĩ quân đội. Gọi là những người bệnh đặc biệt vì cảm xúc, tình cảm, tư duy, hành vi của họ không bình thường. Đôi khi họ mất kiểm soát và gây nguy hiểm cho bản thân, gia đình và xã hội", GS. Đức nhớ lại.

Thư gửi người thầy đặc biệt đã khuất của Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam - Ảnh 4.

GS.TS Cao Tiến Đức thời điểm đang điều trị cho bệnh nhân tại khoa Tâm thần, Bệnh viện 103, Học viện Quân y. Ảnh: NVCC

Theo GS Đức, thời bấy giờ khoa tâm thần còn lụp xụp, cơ sở vật chất, thuốc men vô cùng thiếu thốn. Hiểu biết của xã hội về căn bệnh tâm thần thời điểm đó vẫn còn hạn chế, dẫn đến nhiều người coi thường, miệt thị, đối xử không công bằng với người bệnh.

"Người ta cho rằng bệnh là do thần linh, ma quỷ gây ra. Vì vậy, đa số người bệnh không được đưa đến viện mà gia đình sẽ đưa họ đi chùa, đi cúng, đi giải hạn. Hầu hết cơ sở tâm thần trong cả nước khi đó phải giam giữ người bệnh, cách ly với xã hội bên ngoài. Cả những bác sĩ học tập và làm việc tại khoa tâm thần như chúng tôi đôi khi cũng bị cười chê", GS Đức hồi ức.

Bài giảng đầu đời xuyên suốt hành trình hơn 40 năm đồng hành cùng người bệnh tâm thần của GS Cao Tiến Đức

Ông Đức được Phó giáo sư Lê Hải Chi, là người thầy chủ nhiệm trực tiếp dìu dắt. Ông nhớ mãi những bài giảng đầu đời, thầy dạy mình phải tôn trọng người bệnh, phải thương yêu quý mến người bệnh, coi họ như người thân.

"Hàng tuần, thầy đưa chúng tôi đi điểm bệnh, giảng cho chúng tôi từng triệu chứng trên người bệnh. Thầy dạy sinh viên phương pháp nghiên cứu khoa học. Chúng tôi có được những bài tập nghiên cứu, những buổi sinh hoạt khoa học rất bổ ích. 

Thầy Chi góp sức to lớn cho những bước phát triển ở viện, bằng việc áp dụng mô hình tiên tiến của thế giới - mô hình 'cửa mở có quản lý' vào khoa Tâm thần. Các buồng giam giữ người bệnh khi xưa bị phá đi, thay vào đó là buồng bệnh thoáng mát, mở cửa", GS. Đức nhớ lại.

Thư gửi người thầy đặc biệt đã khuất của Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam - Ảnh 5.

Ông luôn yêu thương bệnh nhân như chính người nhà mình. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, không gian xung quanh khoa được cách biệt và có sự yên bình lạ thường. Người bệnh không chỉ được thăm khám, được điều trị bằng thuốc, các liệu pháp khác như sốc điện, sốc insulin, bơm khí não… mà liệu pháp tâm lý cũng được sử dụng. Họ tập thể dục, chơi thể thao như bóng chuyền, bóng bàn.

"Hơn thế, thầy Chi cùng bác sĩ Nguyễn Thọ đã phát triển liệu pháp âm nhạc, bệnh nhân được múa, được hát được diễn kịch trên sân khấu. Hàng tuần, họ được thưởng thức những chương trình văn nghệ do các nghệ sĩ lớn biểu diễn. Người bệnh tham gia vẽ tranh, nặn đồ gốm, dệt chiếu, may vá quần áo, trồng hoa... Cứ thế, không biết tự lúc nào, tôi thấy thương và yêu những bệnh nhân của mình nhiều hơn. Khoa tâm thần đối với tôi không còn là bệnh viện, mà như là ngôi nhà thứ hai. Nơi đây gần gũi và bình yên vô cùng", GS. Đức xúc động.

Trở về sau 2 tuần thực tập ở khoa tâm thần, Bệnh viện quân y 103, ông Đức không ngừng nghĩ về người bệnh tâm thần, về hình ảnh thầy Chi, về các bác sĩ, về nhân viên và tất tần tật những con người tôi đã gặp đây.

Cũng chính từ đây, ông mơ ước được làm bác sĩ chuyên ngành tâm thần. May mắn mỉm cười với ông khi khoa có chỉ tiêu nhận thêm bác sĩ, thầy Chi đã nhớ đến Cao Tiến Đức như một học trò chăm chỉ, ngoan ngoãn đã từng đi học ở khoa trước khi thi tốt nghiệp.

Thư gửi người thầy đặc biệt đã khuất của Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam - Ảnh 6.

GS Đức chia sẻ: "Tôi nhớ có lần trong một hội nghị y khoa, một vị bác sĩ tới bắt tay và hỏi tôi làm ở chuyên khoa nào. Tôi nói làm ở chuyên khoa tâm thần, người đó cười gượng rồi bỏ đi. Lúc đó tôi cảm thấy hơi bị tổn thương, nhưng nhiều lần gặp chuyện tương tự tôi dần dần cũng thích nghi". Ảnh: NVCC

Để về khoa tâm thần công tác, ông Đức phải cố gắng nhiều hơn, phải thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt. Năm 1982, ước mơ của ông trở thành hiện thực là bác sĩ chính của khoa. Ông được sự giúp đỡ và tận tình chỉ bảo của thầy Hải Chi, thầy Ngân, thầy Tản, thầy Thọ, các thầy cô ở Bệnh viện 103, Học viện Quân y cùng các thầy trong ngành tâm thần học Việt Nam.

Hơn 40 năm qua, vị giáo sư duy nhất ngành Tâm thần học Việt Nam đã điều trị hàng trăm nghìn bệnh nhân có vấn đề sức khỏe tâm thần, giúp họ hồi phục một cách tự nhiên và trở lại làm việc cống hiến cho xã hội.

Năm 1988, khi đến tuổi nghỉ hưu, PGS Lê Hải Chi sang Angola làm chuyên gia. Với kiến thức y học sâu rộng, sử dụng thành thạo 5 ngoại ngữ, ông từng làm viện trưởng viện quân y, giúp đỡ nhiều cho công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân Angola. PGS Chi đồng thời còn làm chủ nhiệm bộ môn nội cho Đại học Y Luanda, Angola. Những năm cuối đời, dù sức khỏe yếu, bị đột quỵ não 2 lần, thầy Chi vẫn tiếp tục cống hiến cho nền y tế Angola. Năm 2012, ông qua đời ở thủ đô Luanda, thi thể được đưa về Hà Nội với tang lễ trọng thể.

"Tôi luôn nhớ về thầy, một người thầy mẫu mực, rất tài năng và rất tâm huyết. Thầy luôn hết lòng thương yêu người bệnh, hết lòng vì học sinh thân yêu. Nếu bây giờ được chọn lại nghề, nhất định tôi vẫn chọn nghề đặc biệt này. Với tôi, hình ảnh về thầy Lê Hải Chi, một vị lãnh đạo, một người thầy, một bác sĩ hết lòng vì người bệnh, vì học sinh thân yêu, sẽ còn mãi trong lòng đến mai sau", GS Cao Tiến Đức nói thêm.

"Tôi vẫn coi những bệnh nhân tâm thần nếu nhỏ tuổi như là con em, nếu già cả như bố mẹ, anh chị mình"

Chia sẻ về công việc của mình, GS Đức nhớ lại, cùng là bác sĩ điều trị cho bệnh nhân tâm thần nhưng ở Việt Nam trước đây, ít nhiều vẫn bị kỳ thị và không được tôn trọng.

"Tôi nhớ có lần trong một hội nghị y khoa, một vị bác sĩ tới bắt tay và hỏi tôi làm ở chuyên khoa nào. Tôi nói làm ở chuyên khoa tâm thần, người đó cười gượng rồi bỏ đi. Lúc đó tôi cảm thấy hơi bị tổn thương, nhưng nhiều lần gặp chuyện tương tự tôi dần dần cũng thích nghi. Thôi thì cứ nghĩ đơn giản, mình làm bác sĩ là nghề cứu người, nghề chân chính, còn người ta nghĩ sao cũng được.

Thư gửi người thầy đặc biệt đã khuất của Giáo sư duy nhất ngành tâm thần học Việt Nam - Ảnh 8.

GS Cao Tiến Đức cùng tập thể, cá nhân Trường đại học Y dược Buôn Ma Thuột nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Lắk. Ảnh: NVCC

Tuy vậy, có bác sĩ ngành tâm thần đi ra ngoài không dám giới thiệu chuyên ngành mình đang làm vì e ngại sự kỳ thị. Cũng vì lẽ đó mà trước đây, nhiều bác sĩ không muốn đi theo chuyên ngành tâm thần. Tôi thấy làm bác sĩ tâm thần chẳng có gì xấu. Đặc biệt người thầy PGS Lê Hải Chi của tôi rất kính trọng bởi thầy rất đàng hoàng, giỏi giang ai cũng nể phục. Sau này đi ra nước ngoài tôi thấy bác sĩ tâm thần rất được kính trọng, họ rất tự hào với ngành của mình và luôn được nhà nước ưu đãi", GS. Đức cười.

Ông chia sẻ, sức khoẻ tâm thần là chuyện của mọi nhà, nhà nào cũng có người có vấn đề. Đừng chỉ hiểu tâm thần là "điên". Những việc đơn giản như ăn không ngon, ngủ không yên, căng thẳng trong cuộc sống, vợ chồng không hòa thuận, con cái không ngoan, lạm dụng rượu bia, ma túy, chơi game, internet quá mức… đều là vấn đề của tâm thần.

"Triệu chứng bệnh lý tâm thần rất đặc biệt, nếu bệnh nhân không chia sẻ thì không một loại máy móc nào có thể nhìn ra. Người bác sĩ phải coi bệnh nhân như người thân mới có thể khai thác bệnh tật và đưa ra những chẩn đoán đúng. Muốn điều trị khỏi cho bệnh nhân bác sĩ phải chiếm được lòng tin của họ, phải làm cho họ cảm nhận được sự chân thành của thầy thuốc. Tôi vẫn coi những bệnh nhân tâm thần nếu nhỏ tuổi như là con em, nếu già cả như bố mẹ, anh chị mình. Có lúc muốn nghỉ ngơi nhưng bệnh nhân cứ gọi, mà họ gọi thì mình không nỡ từ chối…", GS. Đức nói.

GS Cao Tiến Đức cũng chia sẻ, hiện tại đảm nhận nhiều trọng trách mới tại Trường Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột và Bệnh viện Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột, ông cũng kỳ vọng làm sao đào tạo được nhiều bác sĩ, dược sĩ có năng lực thực sự không chỉ về mặt lý thuyết mà kỹ năng thực hành, đạo đức của người làm nghề y để phục vụ người bệnh tốt nhất.

Ông mong ước xây dựng mục tiêu chiến lược đến năm 2030, nơi đây là trung tâm, sinh thái hoàn chỉnh giữa đào tạo nghiên cứu khoa học và điều trị, bệnh viện hiện đại.

"Hiện tại bệnh viện có 200 giường so với kế hoạch nhưng thực tế có 300 giường điều trị. Mục tiêu của chúng tôi xây dựng cố gắng vài năm tăng lên 700 giường bệnh để điều trị và làm kỹ thuật cao. Bệnh viện mới hạng 3 tuyến huyện nhưng nhiều kỹ thuật cấp trung ương. 

Hơn 2 năm qua có trên 300 trẻ em ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm, mỗi năm cấp cứu 500-600 bệnh nhân nhồi máu cơ tim, làm thông tim thành công rực rỡ, nhiều kỹ thuật hiện đại khác như lấy sỏi thận, sỏi mật qua da… không phải tuyến tỉnh nào cũng làm được. Tôi kỳ vọng các thế hệ sinh viên kế cận sẽ phát huy những lợi thế khi công nghệ hiện đại phát huy vai trò người thầy thuốc trong cứu chữa người bệnh.", ông nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem