Bên cạnh việc tập trung đầu tư vào các công nghệ tương lai, Mazda vẫn không từ bỏ tham vọng đem động cơ Wankel - hay còn được biết đến với cái tên động cơ quay (rotary engine), một biểu tượng của hãng trong quá khứ, trở lại thị trường. Một đội ngũ chuyên gia vẫn tiếp tục được duy trì để nghiên cứu và cải thiện về mặt hiệu năng của động cơ, khắc phục các nhược điểm về khí thải để có thể đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Ông Kiyoshi Fujiwara, giám đốc Mazda, đồng thời cũng là quản lí cấp cao của mảng nghiên cứu và phát triển, thừa nhận rằng công ty vẫn sẽ tiếp tục phát triển động cơ quay. Tuy nhiên, chi phí R&D của Mazda cũng bị hạn chế do họ đang tập trung phần lớn vào việc nâng cấp hệ thống vận hành và các công nghệ mới.
“Để tiếp tục tồn tại, ngoài việc tối ưu và nâng cấp các công nghệ hiện tại, Mazda cần thêm rất nhiều kinh phí để có thể nghiên cứu thêm về các dòng động cơ điện, động cơ lai (hybrid), hay thậm chí là công nghệ tự lái, một xu hướng phát triển chung của tương lai.” “Nếu có thêm nguồn kinh phí, chúng tôi có thể nâng cấp cũng như gia tăng hình ảnh thương hiệu, và tất nhiên động cơ quay là một yếu tố cần thiết. Chúng tôi vẫn duy trì một đội ngũ kĩ sư để nghiên cứu về vấn đề này. Nếu thành công, vị thế của chúng tôi sẽ thay đổi, và chúng tôi sẽ không bỏ cuộc.”
Ông Fujiwara cho biết, các sản phẩm hiệu năng cao trang bị động cơ quay sẽ giúp Mazda gia tăng giá trị thương hiệu. Việc này không khác biệt nhiều so với các dòng sản phẩm Mercedes AMG, BMW M hay Audi RS, những dòng sản phẩm dùng để khẳng định vị thế thương hiệu, chứ không nhất thiết phải tập trung vào doanh số cũng như lợi nhuận.
“Dòng động cơ quay hiệu năng cao không phải là sản phẩm để gia tăng lợi nhuận. Khi nghĩ đến việc quay trở lại phát triển dòng động cơ này, chúng tôi biết mình cần phải đầu tư thêm rất nhiều kinh phí. Nhưng để gia tăng giá trị thương hiệu, gia tăng tính đặc thù cho thương hiệu, chúng tôi nghĩ mình phải tiếp tục với nó.”
“Ở châu Âu, các hãng xe đều có các phiên bản hiệu năng cao đặc thù, như Mercedes, Audi hay BMW. Đó là những phiên bản thể thao mạnh mẽ, là biểu tượng phô diễn sức mạnh của thương hiệu. Và giờ đây, chúng tôi cũng không nằm ngoài quy luật ấy.”
Theo ông Fujiwara, kinh phí đầu tư vào động cơ quay vẫn chưa được chắc chắn, cho đến khi Mazda định hình và hoàn thành chiến lược cho chuỗi sản phẩm tiếp theo (động cơ xăng và diesel, kết cấu khung gầm thế hệ mới) cũng như các sản phẩm động cơ điện. Ông Fukiwara còn hài hước chia sẻ, ông hi vọng có thể hoàn thành giấc mơ thương mại hóa dòng sản phẩm này, trước khi ông đến tuổi nghỉ hưu.
“Tôi hiện đã 58 tuổi, và hi vọng có thể sống thêm 30 năm nữa. Động cơ quay này, đó không chỉ là ước mơ của riêng tôi, mà còn là của toàn thể các lãnh đạo của thương hiệu Mazda. Chúng tôi có cùng một ước nguyện là hiện thực hóa nó. Với bản thân tôi, tôi hi vọng mình có thể hoàn thành nó trước khi mình nghỉ hưu.”
Khi được hỏi về mẫu Concept Mazda RX-Vision từng được giới thiệu tại triển lãm Tokyo năm 2015, Fujiwara chia sẻ rằng, hãng đã từng có ý định đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh không thực sự thuận lợi khiến một vài nhà đầu tư tỏ ra nôn nóng, họ cần những sản phẩm có thể đem lại lợi nhuận ngay lập tức.
“Tại thời điểm đó, khoảng hai năm trước, chúng tôi đặt kì vọng rất nhiều về tình hình kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả không tăng trưởng như mong đợi. Do đó, chúng tôi phải tạm dời lại kế hoạch.”
“Chúng tôi đã từng có 2 lần không thành công với các sản phẩm động cơ quay. Do vậy, chúng tôi phải xem xét chi tiết và cẩn trọng khi quyết định triển khai dự án này. Một số cổ đông tỏ ra không đồng thuận với nó vào lúc này. Nếu chúng tôi có được một tình hình tài chính ổn định hơn, tôi hi vọng có thể giải thích và thuyết phục được họ.”
Mazda đã chính thức đừng sản xuất dòng xe RX-8 (mẫu xe cuối cùng sử dụng động cơ quay trên thị trường) vào năm 2012. Kể từ đó, ứng dụng duy nhất của mẫu động cơ này chỉ là một mẫu xe hybrid thử nghiệm, kết hợp giữa động cơ quay và động cơ điện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.