Trường có 4 học sinh
Chúng tôi trở lại huyện Sơn Tây đúng lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11. Tại UBND xã Sơn Mùa, vừa nghe chúng tôi có ý định đến điểm trường Đăk Doa (Trường Tiểu học Sơn Liên), ông Lê Hoài Thạnh - Trưởng phòng GDĐT huyện Sơn Tây đã lắc đầu, xua tay: “Con đường độc đạo dẫn vào điểm trường bị sạt rất nặng, phải đi bộ nhiều giờ mới đến”. Phải thuyết phục khá lâu, ông Thạnh mới miễn cưỡng cử cán bộ đi cùng, kèm theo lời dặn: “Nếu như đường khó đi quá thì quay trở lại nhé”. Đúng như lời cảnh báo, dù quãng đường chỉ 10km nhưng chúng tôi phải mất 2 giờ lội bộ mới đến nơi.
Không chỉ dạy chữ, cô Thiết còn nuôi dưỡng các học trò nghèo.
Gọi là điểm trường cho sang chứ số học sinh chỉ vỏn vẹn 4 em, gồm 2 em lớp 1 và 2 em lớp 2. Trường nằm ngay lưng chừng núi Ông Du, có 1 phòng, ngoài phần dành làm lớp học, phần còn lại làm nơi ở của cô giáo Đinh Thị Thiết.
Không như nhiều bạn bè cùng trang lứa ở các bản làng nơi đây chỉ học biết chữ là lấy chồng, Thiết dặn lòng phải cố gắng học hành đến nơi đến chốn. Sau khi tốt nghiệp THPT, Thiết được cử tuyển đi học và tốt nghiệp khoa Hóa, Đại học Sư phạm Huế. Trở về lại quê vào năm 2011, Thiết được điều về công tác tại Trường Tiểu học Sơn Liên. “Lúc đầu tôi cũng hơi buồn vì học ĐH lại đi dạy tiểu học, nhưng nghĩ lại dù dạy cấp nào thì đó cũng là một công việc nên thôi” - cô Thiết tâm sự.
Sau 1 năm ở điểm trường chính, đến đầu năm học 2012, cô Thiết được tăng cường về cắm bản tại điểm Đăk Doa, dạy chữ cho học sinh lớp 1 và 2. Cũng như bao giáo viên khác ở miền núi, công việc đầu tiên phải làm của cô giáo Thiết trước khi khai giảng là đi vận động học sinh ra lớp. Trong số học sinh đến tuổi ra lớp 1 năm đó, có em nhà nằm ngay trên đỉnh núi, cách trường chục cây số, với con dốc cao vời vợi.
Vừa làm thầy, vừa làm mẹ
Điều làm cô Thiết thấy xót xa nhất là học sinh của mình có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Em Đinh Văn Chuôi, học lớp 1, có bố mẹ đều bị bệnh tâm thần, còn ông bà thì già yếu. 2 em đang học lớp 2 là Đinh Văn Hình và Đinh Văn Phá, thì cả bố và mẹ đều nghiện rượu nên đã bán luôn cả nhà, rồi đưa nhau lên rẫy ở tận đỉnh núi cao để làm chòi ở. Mấy anh em của 2 em này phải sống nhờ vào lòng hảo tâm của người dân trong làng. Bé gái duy nhất của lớp là Đinh Thị Duyên, mẹ bỏ nhà đi từ nhiều năm nay, bố thì chẳng quan tâm gì đến em. Kể từ khi được đưa về trường nuôi và học cái chữ, chưa bao giờ cha mẹ các em đến hỏi thăm con cái của họ thế nào.
Dù bỏ mặc con cái, nhưng người thân của số em này lại không quên nhận tiền hỗ trợ chính sách khoảng 600.000-800.000 đồng/năm của lũ trẻ.
Để nuôi 4 học sinh này, cô Thiết đã phải san sẻ số tiền lương ít ỏi của mình. “Riêng gạo thì cứ 1-2 tuần về thăm nhà, tui lại xin của mấy đứa em đang bán tạp hóa ở quê, khi thì 10kg, lúc 25kg mang lên” - cô Thiết kể.
Ngoài 4 em hiện nay, trước đó khi nhận dạy tại điểm trường này, cô Thiết cũng đã nuôi 3 em khác. Tuy nhiên khi các em này lên lớp 3 thì chuyển sang điểm học khác. Khi nghe hỏi đến khi nào mới thôi "làm cô, kiêm làm mẹ" của mình, cô Thiết cười: “Cũng không biết nữa”.
Chưa bao giờ ngày 20.11 cô Thiết có hoa, quà hay một lời chúc. Với cô đó là điều quá xa xỉ bởi học sinh cô dạy nơi đây thậm chí còn không có ý niệm về ngày này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.