Mẹ đảm Sài Gòn mách nhỏ cách trồng bí bơ sai quả, trĩu giàn
Mẹ đảm Sài Gòn mách nhỏ cách trồng bí bơ sai quả, trĩu giàn
Huyền
Thứ hai, ngày 18/04/2022 08:21 AM (GMT+7)
Sau gần 3 tháng gieo hạt, với cách trồng bí bơ khéo léo, mát tay, gia đình chị Thủy Tiên (sinh sống tại TP.HCM) đã tạo được một vườn bí bơ xanh mướt, sai trĩu quả.
Chị Thủy Tiên (sinh sống tại TP.HCM) chia sẻ, chị trồng bí bơ một cách rất tình cờ. Trong một lần đi siêu thị dịp cuối năm, đến quầy rau củ quả sạch chị thấy có giống bí lạ nên mua về ăn.
Khi về nhà, chị tra tìm thông tin thì biết đây là giống bí bơ hay còn gọi bí hạt đậu, một giống bí có nguồn gốc từ nước ngoài. Bí bơ giá khá cao, mẫu mã lại đẹp, ăn khá ngon nên chị Tiên quyết định lấy hột để ươm và trồng bí bơ xem sao.
Chị Thủy Tiên gieo thử 10 hạt và kết quả lên đủ 10 cây. Chị Tiên đã ươm lên mấy chậu ở trên sân thượng. Chị vừa trồng bi bơ, vừa phải lọ mọ tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, tưới nước, bón phân.
Sau gần 3 tháng trồng bí bơ thử nghiệm, kết quả thật bất ngờ, giàn bí bơ nhà chị Tiên đầy quả lúc lỉu như đàn lợn con. Bí bơ nhiều quá gia đình chị phải hái mang biếu cho hàng xóm và người thân nữa mới hết, ai ai cũng khen ngon.
Chị Tiên cho biết, cây bí bơ là loại bí ngắn ngày, nhanh cho quả, sau khi trồng khoảng 1,5 tháng cây bắt đầu cho quả. Sau 2,5 – 3 tháng là có thể thu hoạch. Mỗi cây sẽ cho ra nhiều quả ở nách lá trên nhánh chính. Thân bí nhỏ, thân chính dài trung bình 3 – 4m, không cần ngắt ngọn vì quả mọc trên thân chính.
Đặc biệt, với không gian hẹp trên sân thượng như nhà chị, việc trồng bí đỏ trong chậu hay thùng xốp rất thuận tiện vừa có thể thu được rau sạch vừa tận dụng được không gian xanh mát cho ngôi nhà.
Cách trồng bí bơ và chăm sóc để bí bơ sai quả
Dưới đây là chia sẻ về kinh nghiệm trồng bí bơ và cách chăm sóc để bí bơ không sâu bệnh, sau quả của chị Tiên.
- Ủ hạt và ươm hạt: Hạt giống chị Tiên ngâm nước ấm 6 giờ rồi vớt ra cho vào túi zip ủ, để khoảng 1 ngày khi thấy hạt nứt mầm cho vào bầu ươm. Cây ươm được 10 ngày chị trồng ra chậu hoặc thùng xốp.
- Đất trồng: Chọn loại đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng (nếu dùng đất cũ thì phải xử lý mầm bệnh trước). Chị Thủy Tiên trộn tro trấu để tăng độ tơi xốp, kết hợp trộn thêm vào trong đất phân bò, phân trùn quế, hoặc nếu có rác thải nhà bếp có thể trộn thêm nấm đối kháng tricoderma rồi chôn vào trong đất.
Tỉ lệ đất 60% – chất tơi xốp 20% – phân hữu cơ 20%.
- Bón phân: Sau khi trồng ra chậu được 7 – 10 ngày, chị Tiên bón thúc cho cây nhanh lớn và ra quả. Chị trộn chung các loại phân hữu cơ trên và bón xung quanh gốc.
Nếu có phân tự ủ như đạm cá, đạm đậu nành, dịch chuối,…thì định kỳ 5 ngày tưới 1 lần. Giai đoạn cây ra hoa đậu trái cần lượng phân bón nhiều hơn nên có thể điều chỉnh tăng thêm lượng tưới để cây lớn khỏe.
- Thụ phấn: Chị Thủy Tiên cho hay, hoa cái sẽ mọc ở lá thư 8 trở đi, mỗi cây bí có thể ra nhiều hơn 3 hoa cái trên thân chính, khi hoa cái nở, nên tiến hành thụ phấn bằng cách lấy nhụy của hoa đực cọ sát vào bầu nhụy của hoa cái. Thụ phấn hiệu quả nhất từ 6-8 giờ sáng.
- Phòng bệnh: Cây bí bơ rất dễ bị nhiễm bệnh nếu như bị bọ trĩ, bọ phấn trắng hút chít. Vì vậy, người trồng cần phòng các loại côn trùng bằng cách sử dụng dầu neem nhủ hóa, một loại thuốc hữu cơ vi sinh không gây độc hại vừa phòng bệnh vừa tăng sức đề kháng cho cây.
Định kỳ chị Thủy Tiên phun mỗi tuần 1 lần, hoặc phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát. Giai đoạn cây nuôi trái khỏe mạnh thì không cần phun nữa.
- Cắt tỉa: Chị Thủy Tiên nhấn mạnh, việc cắt tỉa cũng khá quan trọng để cây tập trung dinh dưỡng. Sau khi thụ phấn cây bắt đầu nuôi quả, chị cắt tỉa bỏ lá già từ gốc lên, loại bỏ nhánh phụ hoặc lá có dấu hiệu bệnh (ngã vàng, lốm đốm trắng, vàng,…)
- Thu hoạch: Quả sau khi thụ phấn có màu xanh lá nhạt, sẽ ngã màu dần và chuyển sang màu vàng cam. Khi thấy quả ngã màu đậm thì bí đã già và có thể thu hoạch được. Hoặc tính theo thời gian thì có thể thu hoạch sau 6 tuần thụ phấn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.