Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ con từng vô tâm và 10 ngày chấn chỉnh thành cậu bé biết ơn

Tào Nga Thứ tư, ngày 21/04/2021 06:00 AM (GMT+7)
"Trẻ con không phải là thiên tài để có thể hiểu được mọi điều mà người lớn mong muốn. Chúng cần quy trình, cần sự chỉ dẫn, cần những thách thức...", mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ.
Bình luận 0

Mẹ Đỗ Nhật Nam dạy con về lòng biết ơn

Đỗ Nhật Nam, sinh năm 2001 lâu nay vẫn được mọi người yêu thương gọi là thần đồng. 7 tuổi, cậu đạt điểm tuyệt đối trong các kỳ thi Đại học của Cambridge như Starter, Movers, Flyers, đoạt kỷ lục là "Dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam". 8 tuổi đạt 940/ 990 điểm Toeic, lớp 3 thi ITP đạt 617 điểm, lớp 4 thi Toeic iBT đạt 107 điểm. Hiện tại Nhật Nam đang học ở trường Pomona College, ngôi trường nằm trong top các trường "national liberal arts" (Đại học khai phóng) tốt nhất ở Mỹ.

Tuy nhiên, sự thành công của Nhật Nam phải kể đến công sức của mẹ là chị Phan Hồ Điệp. Chị Phan Hồ Điệp (giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt, trường Đại học Sư phạm Hà Nội) từng cho biết: "Đỗ Nhật Nam hoàn toàn không phải thần đồng". Quả thật, để có được Đỗ Nhật Nam như ngày hôm nay, chị Điệp đã áp dụng phương pháp phát triển năng lực tư duy toàn diện cũng như kỹ năng và kiến thức sư phạm để dạy con. 

Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ con vô tâm và 10 ngày chấn chỉnh thành cậu bé biết ơn - Ảnh 1.

Thần đồng Đỗ Nhật Nam ngày nào...

Mới đây, chị Điệp chia sẻ câu chuyện về việc ngày bé Nhật Nam hay vô tâm với mẹ. Chị không cáu gắt hay giáo điều với con khi đó mà nhẹ nhàng dạy con về lòng biết ơn chỉ trong 10 ngày. Cụ thể như sau:

"Mẹ: Nam, con xách cho mẹ một túi nhé! Con chọn túi nào? Túi rau hay túi hoa quả?

Con: Không. Con không xách được. Con mệt lắm.

Đấy là tình huống (khá thường xuyên) giữa mình và Nam khi con 3 tuổi. Mặc dù trước khi đi đã có thỏa thuận: Con sẽ xách đồ giúp mẹ nhé!

Lúc đó thì vâng dạ ngoan ngoãn rối rít. Nhưng rồi khi nhìn thấy túi đồ và nghĩ tới việc "bận rộn" với sân chơi trước siêu thị, con sẽ lập tức quên và từ chối quyết liệt.

Mình bắt đầu thấy bối rối với những lời từ chối đó. Trong sâu thẳm còn có một nỗi buồn, rằng mình thực sự muốn nuôi dạy con thành một người đàn ông hiểu và chia sẻ với phụ nữ, rằng liệu như thế này con có vô tâm quá không?

Nên mình quyết tâm sẽ có 10 ngày đầu tiên thực hành về lòng biết ơn. Nghe có vẻ to tát nhưng thực chất là như sau:

CHUẨN BỊ PHƯƠNG TIỆN: Mình làm 20 tấm thẻ, trên đó có hình vẽ và ghi tên những điều về sự tử tế mà con có thể làm. In màu và đặt các tấm thẻ này trong một chiếc lọ.

GIẢI THÍCH cho con về thử thách sắp thực hiện: Con sẽ chọn tấm thẻ và thực hiện công việc đó mỗi ngày. Hoàn thành thẻ sẽ bỏ sang lọ rỗng bên cạnh. Khi nào đủ 10 thẻ thì được một buổi đi ăn hàng do con tự chọn món.

Cùng THỰC HIỆN: Mình ghi lên tấm bảng từng ngày các công việc con chọn và thực hiện một cách rất trịnh trọng.

Bây giờ sẽ là thử thách 10 ngày:

Ngày thứ nhất: Cùng làm bánh quy và chia cho bạn hàng xóm.

Ngày thứ hai: Vẽ trang trí một tấm thiệp để tặng ông bà.

Ngày thứ ba: Nhặt rác cho vào thùng. Việc này cũng đơn giản nhưng khi là thử thách bạn ấy sẽ tích cực hơn và mình luôn bày tỏ sự cảm kích "Nam đã nhặt được cả những rác bé tí. Nam làm cho chỗ này sạch quá, không còn chút rác nào".

Ngày thứ tư: Chia sẻ đồ chơi của mình với bạn.

Mẹ Đỗ Nhật Nam chia sẻ con vô tâm và 10 ngày chấn chỉnh thành cậu bé biết ơn - Ảnh 2.

Thần đồng ngày xưa giờ đã cao lớn, chững chạc.

Ngày thứ năm: Ôm một ai đó thật chặt.

Ngày thứ sáu: Để một quả bóng bay trước cửa nhà một bạn nào đó kèm theo một lời nhắn.

Ngày thứ bảy: Đọc sách cho mẹ. Nam chưa đọc được nhưng bạn ấy sẽ chọn sách, ngồi chỉ dẫn cho mẹ từng tranh vẽ. Và tất nhiên mình rất cảm kích.

Ngày thứ tám - ngày thứ chín: Chọn quần áo, đóng gói để mang đến cửa hàng "Cũ người mới ta". Hồi đó ở cạnh nhà có một cửa hàng, mọi người mang quần áo cũ (đã giặt là sạch sẽ) đặt ở đó. Ai có nhu cầu sẽ đến lấy và để lại tiền tùy ý. Số tiền đó dùng mua sách cho thư viện của khu phố.

Ngày thứ mười: Hôm nay, ngày cuối trong chuỗi thử thách 10 ngày, chính là một hoạt động có chủ đích của mình "Xách đồ cho mẹ khi đi siêu thị".

Thật ngạc nhiên là khi mình chưa nhờ, bạn ấy đã nhanh nhảu cầm túi rau củ đi trước.

Mãi mãi mình không quên được hình ảnh đứa con trai bé bỏng kéo lệt xệt cái túi có cà rốt, cà chua, rau cải… thi thoảng quay lại nhìn mẹ mỉm cười.

Khi ấy mình tin chắc, sẽ đến lúc nào đó con thực hiện lòng biết ơn mà không cần những tấm thẻ, không vì để vượt qua thử thách, chỉ vì tấm lòng của chính con thôi.

Nhưng trẻ con không phải là thiên tài để có thể hiểu được mọi điều mà người lớn mong muốn. Chúng cần quy trình, cần sự chỉ dẫn, cần những thách thức, cần khoảng lặng, cần sự kiên nhẫn để chúng còn tự thêm vào đó chút háo hức, chút tò mò, chút hồi hộp, chút lo âu.

Nuôi dạy một em bé biết ơn nghĩa là bạn đang nuôi dạy một em bé hạnh phúc đó".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem