Chị Nguyễn Lan Hương, chủ sạp bán trái cây ở đường Nguyễn Hoàng Tôn (Tây Hồ, Hà Nội) chỉ cách phân biệt một số loại trái cây tươi, trái cây bị tẩm hóa chất.
Theo đó, với mít quê khi chín vỏ sẽ có màu nâu, gai mít nở hết cỡ có mùi thơm lừng nếu để trong phòng kín. Mít Trung Quốc, hoặc mít cho chín ép bằng hóa chất thì không có mùi thơm, khi cắt mít ra múi cứng có màu vàng nhạt, không vàng xuộm.
Với quýt thì chính vụ ở Việt Nam rơi vào từ tháng 10 đến khoảng tháng 2 năm sau. Quýt của Trung Quốc vào Việt Nam khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn với loại quýt nội. Tuy nhiên, có thể phân biệt qua các dấu hiệu như: Quýt Trung Quốc vỏ dày, bóng, quả thấp và khi bóc ra hai đầu múi quýt thường khô trong khi quýt Việt Nam mỏng vỏ, vỏ bị rám…
Người tiêu dùng tự trang bị kiến thức củ, quả theo mùa tránh mua phải hàng ngâm tẩm hóa chất.
(Ảnh: Thùy Anh)
Các loại trái cây của Trung Quốc như cam, quýt, táo tây, lê, nho thì mùa thu hoạch rộ nhất là từ tháng 9 đến tháng 11. Mọi người nên biết để tránh mua phải một số loại hoa quả Trung Quốc được trà trộn để đánh lừa người mua.
Trước đó, trao đổi với báo chí Giáo sư Nguyễn Quang Thạch, Viện sinh học nông nghiệp, Đại học Nông nghiệp (Hà Nội) cho biết, hiện nay, tình trạng sử dụng hóa chất để bảo quản, thúc chín cho trái cây rất phổ biến.
GS Thạch cho rằng có nhiều loại hóa chất bảo quản và nói chung việc lạm dụng chắc chắn không tốt cho sức khỏe của con người. Nhóm hóa chất nguy hiểm nhất là Auxin, trong đó có chất loại 2,4-D – thành phần trong thuốc diệt cỏ, pha với tỷ lệ 5-10 phần triệu dùng để ngâm, phun giúp quả, rau tươi lâu hơn. Người tiêu dùng ăn phải những loại quả, rau này, tích lũy chất độc sau thời gian có thể bị ung thư.
Ngoài việc sử dụng hóa chất để bảo quản trái cây tươi lâu, người ta còn thúc quá mau chín bằng Ethylen. Đây là một hormone sinh trưởng tự nhiên trong cây, có vai trò chính kích thích gây chín, làm già hóa và rụng hoa quả. Lợi dụng đặc tính này, người ta sản xuất chất ethylen nhân tạo để xử lý làm cho trái cây mau chín, hay áp dụng với xoài, chuối, mít… Những hóa chất này ít độc hại hơn hóa chất bảo quản nếu sử dụng ở nồng độ thông thường và đúng cách.
Chị Nguyễn Lan Hương cho rằng, để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng chỉ có cách mua trái cây đúng mùa, mùa nào thức nấy do dư lượng chất bảo quản thấp hơn trái cây trái vụ. Để lựa chọn trái cây đúng mùa, người tiêu dùng phải nắm rõ thời vụ của các loại trái cây. Bên cạnh đó, có thể cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về lựa chọn trái cây thông dụng để phân biệt các loại trái cây nội địa, trái cây nhập khẩu và trái cây có xuất xứ từ Trung Quốc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.