Mẹo ôn thi "nước rút" môn Tiếng Anh vào lớp 10 ở Hà Nội để đạt điểm cao “chót vót”

Tào Nga Thứ hai, ngày 03/06/2024 08:41 AM (GMT+7)
Sở GDĐT Hà Nội sẽ tổ chức thi 3 môn Toán, Văn, Tiếng Anh vào lớp 10. Thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên Tiếng Anh, đã có những lưu ý quan trọng cho học sinh khi ôn thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 Hà Nội.
Bình luận 0

Cách ôn thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 Hà Nội

Trao đổi với PV báo Dân Việt, thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên Tiếng Anh ở Hà Nội đã nhấn mạnh những lưu ý cho thí sinh khi ôn thi môn Tiếng Anh vào lớp 10 năm 2024.

Theo thầy Nguyên: "Như vậy, chỉ còn một khoảng thời gian rất ngắn nữa thôi là các bạn học sinh sẽ bước vào một trong những kỳ thi quan trọng nhất của mình - tuyển sinh vào 10. Chắc hẳn đến thời điểm này các em đã có những sự chuẩn bị đầy đủ về kiến thức, sức khoẻ, tinh thần và kỹ năng làm bài để sẵn sàng chinh phục mục tiêu của mình. Tuy nhiên, đối với riêng môn tiếng Anh, các em hãy ghi nhớ một số điều sau để có thể chuẩn bị tốt hơn nữa cho môn luôn được coi là khó này.

Mẹo ôn thi "nước rút" môn Tiếng Anh vào lớp 10 ở Hà Nội để đạt điểm cao “chót vót”- Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Trung Nguyên, giáo viên Tiếng Anh ở Hà Nội. Ảnh: NVCC

Đầu tiên, chúng ta cần nắm vững cấu trúc đề thi và các dạng bài thi mà Sở GDĐT Hà Nội đã có hướng dẫn chi tiết gửi về cho các em. Đặc biệt là những nội dung kiến thức quan trọng và có tần suất xuất hiện nhiều trong các năm trở lại đây. Cụ thể, các nội dung kiến thức ngữ pháp về từ loại (danh từ, tính từ, trạng từ, giới từ, trợ động từ, liên từ), các nội dung về động từ (thì động từ, danh động từ, thể bị động), các nội dung kiến thức về câu và mệnh đề (câu điều kiện, câu so sánh, mệnh đề quan hệ). 

Cùng với đó là luôn củng cố và bổ sung từ vựng quan trọng mà chúng ta gặp trong chương trình Tiếng Anh lớp 9 như chủ đề về danh lam thắng cảnh, nghề nghiệp, bình đẳng giới, những vấn đề mà thanh thiếu niên đối mặt.

Cụ thể hơn, chúng ta cần nắm vững các dấu hiệu nhận biết của các từ loại như các hậu tố của danh từ như -tion, -ment, -ness, -ity, -ance, -ence, -er, -or, -ism, -ist … hay các hậu tố của tính từ như -ive, -less, -ful, -ic, -ous, -able, -ible … và hậu tố -ly của các trạng từ.

Vị trí của các từ loại trong câu như: danh từ sẽ được sử dụng trước động từ với vai trò chủ ngữ, hay đứng sau động từ với vai trò tân ngữ. Tuy nhiên, trong đề thi thường sẽ tập trung vào vị trí của danh từ và tính từ trong cụm danh từ. Lúc này, danh từ sẽ thường đứng sau tính từ, đứng sau các giới từ và đứng sau các định từ (mạo từ, lượng từ, tính từ sở hữu…).

Ví dụ: My father works for a non-governmental _____.

A. organizing

B. organization

C. organize

D. organzied

(chọn đáp án B vì cần danh từ theo sau tính từ non-governmental)

Trong khi đó, tính từ sẽ được sử dụng sau các linking verbs (be/prove, keep/remain/stay, become/get/grow/go, seem/appear, feel, look, sound, smell, taste, turn, leave) và đứng trước các danh từ trong cụm danh từ. Vì vậy, nếu xét thấy có S – linking verb _____ hoặc ____ N - chọn tính từ.

Ví dụ: They just finished an _____ report for the meeting.

A. inform

B. informing

C. information

D. informative

(chọn đáp án D vì cần tính từ bổ nghĩa cho danh từ "report").

Đối với trạng từ, trạng từ có thể đứng liền trước động từ, liền sau nội động từ hoặc sau tân ngữ của ngoại động từ, hoặc đứng liền trước tính từ và trạng từ. Vì thế, nếu xét thấy có S _____ V hoặc S V ____ hoặc S V O _____ hoặc _____ adj hoặc _____ adv - chọn tính từ.

Ví dụ: They could _____ complete the project ahead of schedule.

A. ease

B. easily

C. easy

D. to ease

(Chọn B vì cần từ bổ nghĩa cho động từ complete, đứng liền trước động từ).

Thứ hai, việc thành thạo trong xử lý từng dạng bài trong đề thi cũng vô cùng quan trọng. Muốn có được kỹ năng này, các em cần tự mình làm (có tính thời gian) các đề thi tham khảo theo mẫu đề tham khảo của Sở GDĐT Hà Nội vừa ban hành. Chúng ta làm xong thì cũng cần phải kiểm tra đáp án để hiểu những lỗi sai, và tránh lặp lại những lỗi sai này khi làm bài thi.

Có một vấn đề mà nhiều học sinh hay mắc phải đó là không đọc kỹ đề bài cũng như các câu trả lời, đặc biệt là những câu tưởng như rất đơn giản. Điều này sẽ làm cho các em dễ "mắc bẫy" trong đề thi và đánh rơi điểm số đáng tiếc. Vì vậy, khi làm bài, dù câu dễ đến đâu thì cũng cần phải cẩn thận suy xét để đưa ra lựa chọn đúng nhất cho mình.

Đặc biệt, nhiều câu hỏi về ứng dụng giao tiếp hoặc viết lại câu chúng ta hay bị nhầm lẫn như hai ví dụ dưới đây.

Ví dụ: Câu văn dưới đây được viết lại như thế nào?

Question: "What time did the meeting start this morning?" asked John.

A. John asked what time the meeting started that morning.

B. John asked what time did the meeting start that morning.

C. John wanted to know the start time of the meeting that morning.

D. John said what time the meeting had started this morning.

Đây là một câu cơ bản về chuyển câu gián tiếp sang câu trực tiếp. Nếu không đọc kỹ các đáp án, học sinh rất dễ lựa chọn đáp án A, tuy nhiên đáp án đúng lại là C vì đáp án A sai về chuyển thì động từ.

Ví dụ: Lựa chọn đáp án đúng nhất để hồi đáp cho câu giao tiếp.

Question: "Thank you for helping me with the assignment."

A. You are warmly welcomed.

B. Never mind.

C. That's not what I expect.

D. Your assignment was good.

Với câu hỏi này, học sinh rất dễ lựa chọn đáp án A vì các em được học "trả lời cho thank you là you are welcome" và nếu không đọc kỹ đáp án A có vẻ đúng. Tuy nhiên, đáp án A sai vì welcomed ở đây là "được chào đón". Và đáp án đúng là đáp án B – Never mind (đừng bận tâm).

Từ nay đến kỳ thi cũng không còn nhiều thời gian, các em hãy dồn thời gian và công sức để ôn luyện tốt nhất cho giai đoạn về đích này. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần giữ sức khoẻ và tâm lý thật vững vàng. Hãy nhớ, trước khi đi thi, cần chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cá nhân và các dụng cụ được phép mang vào phòng thi. Cần loại bỏ những dụng cụ không được phép, tránh các sự cố đáng tiếc.

Trong khi làm bài thi, hãy dành ra 2 phút đầu tiên hoàn thành các thông tin cá nhân vào giấy thi của mình, kiểm tra thật kỹ để tránh sai sót. Sau đó là 1 phút hít thở sâu để lấy lại bình tĩnh và tự tin để có thể hoàn thành tốt nhất bài thi. Trong khi làm bài, luôn chú ý tới thời gian để có thể phân bổ thời gian một cách hiệu quả nhất. Thi xong, hãy thoải mái nghỉ ngơi, thư giãn và chờ đợi kết quả của mình.

Chúc các em có một kỳ thi hiệu quả và đạt kết quả tốt".

Thầy Nguyễn Trung Nguyên, là giáo viên Tiếng Anh tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Thầy đạt 950/990 điểm TOEIC; có gần 10 năm kinh nghiệm giảng dạy, luyện thi Tiếng Anh. Thầy có nhiều học sinh theo học và đạt điểm cao môn Tiếng Anh trong các kỳ thi chuyển cấp vào 10, thi đại học và đỗ vào các trường đại học uy tín như Trường Đại học Ngoại thương, Học viện Ngoại giao, Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Ngoại ngữ...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem