Mía cháy đen hơn 1 tháng, nông dân kêu trời, nhà máy vẫn... im re!

Trần Hiền Thứ tư, ngày 24/01/2018 19:00 PM (GMT+7)
Bước vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2017-2018, nhiều hộ dân ở huyện Chư Pah, Gia Lai chưa hết lo lắng vì giá mía giảm mạnh, lại lâm cảnh điêu đứng vì cây mía đã trổ cờ đồng loạt nhưng phía nhà máy vẫn “im hơi lặng tiếng”. Thậm chí, nhiều diện tích mía đã cháy rụi từ hơn 1 tháng nay song nhà máy vẫn chưa có lệnh chặt.
Bình luận 0

Hơn 40ha mía mới bán được... 1 xe

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, cùng thời gian này những năm trước, việc thu hoạch mía ở huyện Chư Pah đã hoàn tất. Tuy nhiên, niên vụ mía 2017-2018 nông dân Chư Pah mới xuất bán được vỏn vẹn 1 xe duy nhất.

Trước đó, ngày 11.12 Công ty cổ phần đường Kon Tum có thông báo đến nông dân về việc thu mua mía nguyên liệu phục vụ mùa ép mía 2017-2018. Theo đó, Công ty sẽ thu mua hết mía cho bà con nông dân trước Tết Nguyên đán 2018.

Tuy nhiên, đến giờ này hơn 40ha mía của người dân vẫn “nguyên tem, nguyên kiện”, trong khi chỉ còn gần 20 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán.

                      img

Mía cháy đã được hơn 1 tháng nhưng đến nay vẫn chưa được chặt

Ông Nguyễn Văn Bình, thôn trưởng thôn Ngô Sơn, xã Chư zô cho hay, thông báo cách đây hơn 1 tháng rồi, nhưng có về thu mua đâu như mọi năm là đã chặt xong xuôi cả rồi. Trước đây, mía thu mua tại ruộng là 800 đồng/kg, nhưng cái khẩu vẩn chuyển là nhà máy chịu hết.

Còn năm nay, công ty lại mua theo trữ lượng đường, trữ lượng đường xe thứ nhất đang được 8 trữ, sang xe thứ hai còn 3 trữ thì chúng tôi không thắc mắc sao cho được.

“Trước kia công ty chỉ tính tạp chất là 3% thì nay đã tăng lên 5%. Giá mía giảm mạnh mà trừ hết như vậy thì chúng tôi sống sao nổi? Một ha bán được hơn 30 triệu đồng, tiền công chặt 1 ngày đã mất 160.000 đồng, thêm tiền bốc 80.000 đồng/tấn. Trung bình 1ha được 60 tấn mía, trừ hết chi phí vẫn phải bỏ ra 5-7 triệu đồng để chi trả thêm, bây giờ lại kéo dài tiến độ thu mua kiểu này, mía cháy còn lỗ nặng nữa...”, ông Bình bức xúc nói.   

                     img

Ông Bình ngồi thẫn thờ bên những gốc mía cháy rụi. Dù đã bị thiệt hại hàng trăm triệu, song ông vẫn phải bỏ thêm tiền để chặt mía, dọn bãi. Ảnh: Trần Hiền

Ông Nguyễn Văn Nội – Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah cho biết, diện tích mía của xã trước đây có gần 300 ha, nhưng mấy năm gần đây giá mía  thấp nên nông dân chuyển sang các loại cây khác. Hiện tại, chỉ còn khoảng hơn 40ha. Người sản xuất mía trên địa bàn chủ yếu là người xã Chư Đăng Ya và Chư Zô. Dù đã bước vào vụ thu hoạch mía khá lâu, những huyện khác đã thu gần hết nhưng ở đây người dân mới bán được... 1 xe.

Bảo dưỡng máy móc đúng vào mùa thu hoạch mía?

“Do hiện đang vào mùa khô, nắng nóng kéo dài, các ruộng mía lại ở gần khu dân cư nên mía rất dễ bén lửa và cháy. Trước tình hình này, chúng tôi đã nhiều lần liên hệ với Công ty cổ phần đường Kon Tum, tuy nhiên công ty  chỉ trả lời là nhà máy bị hỏng, chưa mua được...”, ông Nội cho biết thêm.

                      img

Nhiều diện tích mía đã trổ cờ, nếu không thu hoạch sớm cây mía sẽ bị xốp, giảm năng suất và giảm chữ đường. Ảnh: Trần Hiền

Được biết, trước đây giữa Công ty cổ phần đường Kon Tum và các hộ dân trồng mía ở huyện Chư Pah có ký kết một bản hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Từ trước đến nay hai bên vẫn áp dụng bản hợp đồng này để thua mua, bao tiêu. Tuy nhiên, khi chúng tôi hỏi đến bản hợp đồng thì cả chính quyền xã và nông dân đều không giữ bản hợp đồng nào.

Ông Nội nói: Công ty chỉ đưa hợp đồng cho người dân và chính quyền kí xác nhận rồi giữ bản hợp đồng, chúng tôi không giữ bản nào. Việc nắng nóng kéo dài, tiến độ thu mua chậm đang khiến nhiều hộ nông dân hoang mang vì sợ mía cháy. Cách đây hơn 1 tháng, 2 ha mía của nhà ông Nguyễn Thế Vinh, con ông Bình cũng bị cháy rụi.

                      img

Khi mía cháy, lửa bốc lên sẽ táp vào những vườn tiêu bên cạnh, khiến người trồng tiêu cũng đứng ngồi không yên. Ảnh: Trần Hiền

“Gia đình đã báo với công ty, bên phía công ty đã xuống làm việc nhưng đến giờ vẫn không thấy động tĩnh gì, 2ha mía cháy này giờ con tôi đang phải thuê thêm người chặt dọn bãi, chứ mía này giờ còn làm được gì nữa? Tổng cộng các diện tích mía của con cháu, anh em tôi lên tới hơn 25 ha, giá mía giảm lại bị cháy, công ty thì im hơi lặng tiếng nên cả nhà tôi đang đứng ngồi không yên”, ông Bình lo lắng nói.

                        img

Là người được xuất đi xe mía đầu tiên, tuy nhiên ông Bình vẫn đang lo lắng về xe mía tiếp theo không biết khi nào mới được bốc về nhà máy. Ảnh: Trần Hiền

Ngay sau đó, chiều ngày 23.1 chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Đức Cần – Trưởng phòng kế hoạch tổ chức Công ty cổ phần đường Kon Tum. Ông Cần cho biết: “Hiện tại lãnh đạo đang đi vắng, bên cạnh đó nhà máy chỉ mới đi vào hoạt động được 2 ngày sau quá trình bảo dưỡng tu sửa máy móc. Hiện tại, chúng tôi đang ưu tiên thu mua ở các huyện thuộc tỉnh Kon Tum”.  

                      img

Nếu mía cháy những vườn cà phê bên cạnh sẽ bị lửa táp, khô và chết. Ảnh: Trần Hiền

Không chỉ những người dân trồng mía đang lao đao trong tình trạng mía rớt giá, mía cháy mà những hộ dân bên cạnh những bãi mía cháy cũng bị ảnh hưởng, lửa bốc lên táp vào những vườn tiêu, cà phê bên cạnh khiến bà con vô cùng lo lắng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem