Mang tiếng được bảo hộ?
Đánh giá về hội nhập quốc tế và khả năng cạnh tranh của mía đường Việt Nam trong hội thảo tổng kết niên vụ mía 2015-2016 mới đây, ông Đỗ Thành Liêm- Phó Chủ tịch VSSA cho rằng việc thực hiện các rào cản thuế lại bị xem là được bảo hộ thì “hơi bị oan”.
Theo VSSA, bên cạnh cam kết WTO, Việt Nam còn thực hiện cam kết theo các AFTA khác. Trong đó, mức thuế nhập khẩu từ AFTA cụ thể là Thái Lan có tác động mạnh đến sản xuất của ngành mía đường trong nước.
Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía. Ảnh: H.X
Theo cam kết với WTO năm 2007, Việt Nam mở cửa nhập khẩu 55.000 tấn đường và sẽ tăng dần 5% mỗi năm tiếp theo. Ông Liêm dẫn chứng, mức thuế nhập khẩu trong hạn ngạch áp dụng theo WTO chỉ là tượng trưng vì cao hơn so với mức thuế AFTA. Thực tế, từ năm 2007 đến nay, đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan của Việt Nam phần lớn đều mua từ Thái Lan với thuế suất nhập khẩu thấp hơn mức thuế cam kết với WTO. Và đây chính là lợi thế mà các nhà buôn đường có xuất xứ từ Thái Lan dựa vào để bán đường cho Việt với giá cao.
“Thực hiện mức thuế theo cam kết với WTO nhưng ngành mía đường lại bị mang tiếng là được bảo hộ cao” - ông Liêm nhận định.
Doanh nghiệp sợ nhập đường
Về chủ trương nhập khẩu đường bổ sung mà Bộ Công Thương đã đề nghị với Chính phủ, rất nhiều doanh nghiệp nêu kiến nghị không nên nhập. Ông Phạm Quang Vinh- Phó Tổng giám đốc điều hành Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ ước lượng đường nhập lậu vẫn còn lớn (không dưới 200.000 tấn/năm). Chưa kể lượng đường tồn kho, trong khi ĐBSCL lại vào vụ sớm. “Nếu chỉ căn cứ vào báo cáo của các nhà máy đường (NMĐ) để đánh giá cung cầu rồi quyết định cho nhập khẩu dễ dẫn đến thừa đường, các doanh nghiệp buộc phải giảm giá mía theo. Nông dân sẽ tiếp tục thiệt hại sau đợt hạn, mặn vừa qua” - ông Vinh cho biết.
"Hầu như các băn khoăn của doanh nghiệp ngành mía đường đều được đưa vào đề xuất xây dựng nghị định chuẩn bị đệ trình Chính phủ. Riêng đề án tái cơ cấu ngành, không ai hiểu rõ hơn bản thân Hiệp hội”.
Ông Trần Thanh Nam
|
Đồng tình quan điểm này, bà Bùi Thị Quy- Tổng Giám đốc Công ty Mía đường-Cồn Long Mỹ Phát cho rằng, ngành đường mấy năm nay đã nhiều khó khăn. “Giá mới nhích lên, sao không tạo điều kiện cho ngành đường mà phải nhập khẩu?” - bà Quy nêu câu hỏi.
Nhưng ở góc độ của doanh nghiệp thương mại, bà Đặng Thị Nghĩa- Giám đốc Công ty Toàn Phát lại cho rằng việc Bộ Công Thương đề nghị cho nhập khẩu 100.000 tấn đường vừa qua là hợp lý. Bà Nghĩa giải thích, thời điểm cuối tháng 3, nhiều NMĐ còn đang sản xuất, nhưng lượng đường bán ra rất hạn chế và giá cao. Lượng đường cho các nhà sản xuất trên cả nước là không đủ cung cấp. “Các NMĐ nên xem việc cho nhập 100.000 tấn đường là bài học để rút kinh nghiệm, ảnh hưởng cho tới bây giờ khiến giá đã đứng lại, thậm chí rớt xuống. Cả các NMĐ cũng bị ảnh hưởng khi tồn kho còn nhiều” - bà Nghĩa phát biểu.
Ông Trần Thanh Nam- Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định rằng chủ trương cho nhập khẩu bổ sung là đúng để có biện pháp sẵn sàng khi xuất hiện biến động giá. Việc đấu giá hạn ngạch 85.000 tấn đường có chậm, nhưng chắc chắn sẽ tổ chức thí điểm để rút kinh nghiệm cho các năm sau. Ông Nam trấn an các doanh nghiệp: “Hầu như các băn khoăn của doanh nghiệp ngành mía đường đều được đưa vào đề xuất xây dựng Nghị định chuẩn bị đệ trình Chính phủ. Riêng đề án tái cơ cấu ngành, không ai hiểu rõ hơn bản thân Hiệp hội”.
Ở góc độ Chủ tịch VSSA, ông Phạm Quốc Doanh cho rằng, việc cho nhập khẩu bổ sung, các bộ ngành và Chính phủ nên có chính sách điều hành mềm dẻo với doanh nghiệp. Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương cũng cần có bài toán cân đối chuẩn xác để có chính sách điều hành vĩ mô đảm bảo phát triển sản xuất. “Tranh luận giữa các doanh nghiệp vẫn xoay quanh làm sao hạ được giá thành sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh. Ngành mía đường Việt Nam buộc phải tái cơ cấu, bắt đầu từ tất cả trong bối cảnh hội nhập” - ông Doanh kết luận./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.