Mùa mía... đắng
Niên vụ 2011- 2012, vùng nguyên liệu của Nhà máy đường An Khê đã mở rộng lên khoảng 20.000ha. Sản lượng khoảng 80.000 - 90.000 tấn đường (khi vùng nguyên liệu ổn định 22.000ha thì sản lượng có thể đạt 1,4 triệu tấn mía cây/năm). Với sản lượng đó, vùng nguyên liệu này hoàn toàn đảm bảo cung ứng đủ mía, phục vụ cho việc nâng công suất của nhà máy.
|
Xe mía xếp hàng dài cả mấy cây số đợi nhà máy đường “ăn mía”. |
Bước vào vụ ép mía, việc nâng công suất của Nhà máy đường An Khê không đạt hiệu quả đã gây ra rất nhiều hệ lụy. Công suất trung bình hàng năm của nhà máy ở mức 4.500 tấn/ngày. Niên vụ 2011- 2012, nhà máy nâng công suất lên 10.000 tấn/ngày nhưng do việc lắp đặt máy móc thiếu đồng bộ, không đảm bảo nên đến nay, nhà máy đường chỉ có thể “ăn” 6.000 tấn mía/ngày.
Theo đó, lượng mía ứ đọng lại rất nhiều. Dọc theo con đường vào nhà máy, hàng ngày có khoảng 700- 800 xe mía (ước tính 15 - 18 tấn mía/xe) nối đuôi nhau xếp dài cả mấy cây số.
Tài xế Phan Sĩ Phương (thôn An Xuân, xã Xuân An, huyện An Khê) cho biết xe của anh nằm đây đã 3 ngày nhưng vẫn chưa được cấp phiếu vào nhà máy.
Anh Phương cũng cho biết thêm: “Khi đã có phiếu rồi lại phải đợi 3- 4 ngày mới xuất được, có khi cả tuần, thậm chí 10 ngày mới xuất được một xe mía”.
Trước thực trạng xe mía bị “giam chân” như vậy, người trồng mía lại phải đỏ mắt tìm xe chở mía với giá rất đắt nhưng không có. Dọc hai bên đường, những rẫy mía đã trổ cờ trắng phau nhưng vẫn phải đứng chôn chân giữ đất.
Nông dân thiệt trăm bề…
Trước sự cố nâng công suất, Nhà máy Đường An Khê đã đưa ra một số giải pháp như chia sẻ một phần mía nguyên liệu cho các nhà máy đường ở Bình Định, Kon Tum, phần còn lại sẽ được sử dụng làm mía giống. Nhưng trên thực tế, giải pháp này còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, mà người nhận hậu quả không ai khác là nông dân trồng mía.
Khi Nhà máy Đường An Khê tiêu thụ chậm, không ít nông dân xót ruột buộc phải đưa mía lên Nhà máy Đường Kon Tum hay xuống Nhà máy Đường Bình Định tiêu thụ nhưng phải chịu chi phí rất cao: 2 triệu đồng/chuyến (loại 10 trữ đường). Gần đây, trước tình trạng dư thừa sản phẩm, giá đường xuống thấp nên Nhà máy Đường Bình Định lại đột ngột giảm lượng tiêu thụ. Thêm vào đó, giá đường đang xuống nên giá mía thu mua tại các nhà máy này cũng chỉ khoảng 1,1- 1,15 triệu đồng/tấn.
Anh Nguyễn Văn An (tổ 8, phường An Bình, An Khê) trồng 5 sào mía, đến nay đã vào kỳ thu hoạch nhưng vì mía tiêu thụ chậm, lại không có xe chuyên chở nên bị các đại lý ép với giá 3 triệu đồng/sào. Với giá thu mua như vậy, sau vụ mía anh không những trắng tay mà còn lỗ nặng.
Anh Vũ Mạnh Thanh (xã Tơ Tung, Kbang) có 7ha mía đã đến lúc phải thu hoạch nhưng sau gần 4 tháng, chỉ mới thu được 1/3 diện tích mía. Những người làm mía đang hết sức lo lắng vì nếu việc thu hoạch kéo dài đến mùa mưa, nhân công sẽ rất khó kiếm và sẽ gặp rất khó khăn trong việc vận chuyển.
Việc tiêu thụ mía chậm như hiện nay cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy cho vụ mía sau. Theo tính toán, sản lượng mía của niên vụ này chỉ có thể tiêu thụ hết vào tháng 5, nhưng trước tình hình này có thể phải kéo dài đến tháng 7. Khi ấy, Tây Nguyên đã vào mùa mưa, nông dân khổ lại càng thêm khổ. Chưa nói đến chuyện, mía thu hoạch chậm sẽ bị giảm một sản lượng đáng kể. Kéo theo đó là thiệt hại cho nông dân trong vụ sản xuất tiếp theo như làm đất, xuống giống, chăm sóc… Mía xuống giống muộn sẽ còi cọc, năng suất rất thấp.
Quảng Ngãi: “Càng thu hoạch, càng lỗ”
Ngay đầu tháng 2.2012, Nhà máy đường Phổ Phong (huyện Đức Phổ) đã hạ giá mua mía cây xuống còn 950.000 đồng/tấn (trữ lượng đường 10 CCS), giảm 50.000 đồng/tấn so với trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn. Giá rớt cùng với việc tụt giảm năng suất cây mía do vụ qua nắng nóng kéo dài nên hầu hết những hộ trồng mía Đức Phổ bị lỗ vốn.
Anh Nguyễn Thới Ưng (thôn An Tây, xã Phổ Nhơn) vừa thu hoạch 8 sào mía. “Càng thu hoạch càng lỗ nhưng không lẽ bỏ, thôi giá vậy phải chấp nhận chứ làm sao giờ” – anh Ưng than.
Theo ông Nguyễn Văn Một - Chủ nhiệm HTX Chuyên canh mía và dịch vụ nông nghiệp Phổ Nhơn, vụ mía 2011 – 2012, cả xã có 650ha. Trong đó, có hơn 340ha nằm trong vùng dồn điền đổi thửa sản xuất chuyên canh. Do bị ảnh hưởng bởi nắng nóng kéo dài nên năng suất mía chỉ đạt từ 50 – 60 tấn/ha, giảm gần 20 tấn/ha so với vụ trước. Đã vậy giá mía lại tụt giảm, nông dân trồng mía đều phải chịu lỗ từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/ha. Hộ nào làm nhiều lỗ nhiều, có hộ bị lỗ đến hàng chục triệu đồng. Ở Đức Phổ những năm qua, cứ mỗi đầu vụ, nông dân “nhắm” giá cây nào cao - mía hay sắn - là chọn cây đó để trồng. Và cứ “luân phiên”, năm giá mía tăng thì giá sắn giảm, và ngược lại. Thế nhưng năm nay, cả hai loại cây chủ lực này “nắm tay nhau” hạ. Và đây chính là chỗ nông dân bế tắc trong chọn cây trồng.
Đức Cường
Nguyễn Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.