Ngỡ ngàng, choáng ngợp
Thăm Doha ban ngày thì không sướng lắm, nhưng vào ban đêm, thì cả Thủ đô tràn ngập ánh điện, lộng lẫy như cổ tích. Mỗi một khu nhà đều được trang trí như cung cấm, đèn được đặt khắp mỗi gốc cây, cổng ra vào, khung cửa, nóc nhà… Đẹp nhất là khu phố châu Âu mới gồm hơn năm chục nhà cao tầng và hai trăm biệt thự được cất xây trên biển. Nếu không có các dòng chữ Arap thì nơi đây giống như Thụy Điển hay Oslo (Na Uy) bởi sự phồn vinh, sang trọng và chuẩn mực kiểu cổ điển. Nghe nói khu phố này là nơi ở của các tỷ phú dầu lửa và chứng khoán thế giới.
Doha về đêm lung linh ánh sáng, lộng lẫy như khu vườn cổ tích. Ảnh: Traveltheworldfans
Cứ tưởng thủ đô các nước đông dân mới có chuyện tắc đường kinh niên, nhưng không ngờ tại đây, dân số thưa thớt, vào giờ cao điểm, chuyện tắc đường vẫn diễn ra, nhưng cũng như ở Âu châu, không nghe thấy một tiếng còi, không một sự nóng vội, không một lời thúc giục và đặc biệt cánh lái xe không một lời văng tục.
|
Mọi thứ trên trời, dưới đất của thế giới hầu như mua được trong các đại siêu thị của Doha - trừ rượu và thịt lợn. Hai đặc sản này có bán hạn chế cho nhân viên ngoại giao các nước theo một chế độ đặc biệt. Các siêu thị ở Doha to như một khu phố với một kiểu kiến trúc không độc đáo. Hàng dãy nhà như một khu phố, rộng, rất đẹp và ngăn nắp nằm trong một siêu thị, kéo dài hơn 1km, đi lại phía ngoài có xe điện phục vụ. Còn bên trong nối liền với nhau, có kênh, thuyền mô phỏng như thành phố Venice của Ý, nhưng mà là kênh thật, thuyền thật, nhìn lên trần siêu thị sáng rực đầy sao như vòm trời.
Hàng cao cấp trong siêu thị thì bạt ngàn, mặc dù khách hàng không lấy gì làm đông lắm. Tại đây, khách hàng có thể mua được mọi thứ từ giá một đô la đến cả triệu đô la tùy theo sở thích và khả năng. Tất cả người bán hàng đều từ nước khác đến, chủ yếu là người Philippines, nhanh nhẹn và nói tiếng Anh như gió.
Giữa vùng đất sa mạc này mà có thể mua được khoai môn, sắn, chôm chôm, vải, xoài, thanh long, khoai sọ… thì đủ biết sự đa dạng và đầy đủ của siêu thị của họ thế nào. Tôi tin thực phẩm trong mọi siêu thị ở Doha là tuyệt đối an toàn, từ ngộ độc chắc là không có trong ý nghĩ của họ.
Ngay bên cạnh hệ thống siêu thị khu châu Âu này là cả một vịnh du thuyền. Trước đây, tôi cũng được ngắm một vài du thuyền của mấy ông lớn ở châu Âu với vẻ “kính nhi, viễn chi”, ngỡ ngàng và kinh sợ sự giàu có. Tưởng thế là ghê lắm, nhưng chẳng thấm gì so với khu vực vịnh Doha, có tới hơn ngàn du thuyền đủ các cấp hạng, các kiểu nhỏ to của dân Doha và các đại gia nhiều quốc tịch đỗ hàng dãy trên biển
Với mức thu nập cao vòi vọi, dân Doha sắm một du thuyền có khác gì dân chài Việt Nam mua một thuyền thúng bắt hàu vậy.
Lai vãng không gian văn hóa Doha
Các công trình kiến trúc vùng Trung Cận đông luôn gắn với sự vĩnh cửu, trơ gan cùng tuế nguyệt, thậm chí sau này những phế tích của nó cũng trở thành di sản nhân loại. Họ không có thứ tư duy ăn xổi ở thì, mà đã làm là bất chấp thời gian, đi đến sự hoàn thiện và tuyệt mỹ. Các công trình được xây dựng ở Doha cũng nằm trong phạm trù ý thức thẩm mỹ đó, một số công trình mới tại đây có thể chứng minh cho điều đó.
Nổi bật nhất là các Bảo tàng Quốc gia Hồi giáo, Bảo tàng Nghệ thuật Hồi giáo, cung Vua, công viên Expair… Những công trình đó được tọa lạc trên khuôn viên rộng lớn, bao phủ cây xanh, có hồ nước, đài phun nước, có chỗ nghỉ ngơi giải trí và thưởng ngoạn.
Bảo tàng Quốc gia Hồi giáo nhìn từ xa to như một trái núi trắng. Còn Bảo tàng nghệ thuật Hồi giáo là bảo tàng lớn nhất, đẹp nhất và đầy đủ hiện vật nhất trong khối các nước Arap. Bảo tàng nằm sát bên đại lộ, đường dẫn vào là những hàng cọ lâu niên với hàng trăm bậc thang bằng đá trắng. Trong bảo tàng trưng bày hàng loạt hiện vật của dân tộc Quatar từ khi còn là một bộ lạc nghèo đói chỉ sống bằng nghề đánh cá, mò ngọc trai và buôn bán nhỏ, đến lúc trở thành một quốc gia nhàn hạ và giàu có nhất thế giới. Những hiện vật đó được sưu tầm trong dân chúng, được khai quật và mua lại từ các quốc gia khác.
Trong những ngày ở Qatar, tôi tranh thủ và dành hẳn một buổi sáng đến thăm Bảo tàng Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani Museum - một bảo tàng tư nhân do Hoàng thân Sheikh Faisal bin Qassim Al Thani sáng lập. Bảo tàng này xây dựng hoàn toàn không nhằm mục đích kinh doanh, chỉ để thỏa mãn khát vọng là phục vụ công chúng và tôn vinh dân tộc.
Bảo tàng nằm trên khuôn viên rộng tới 530.000m2, bao gồm ba tòa nhà chính, được mở cửa từ năm 1998. Tổng cộng có hơn 15 phòng trưng bày với hơn 15.000 hiện vật quý giá, trong đó có các hiện vật chiếm hết hẳn một gian phòng. Tất cả các hiện vật được Hoàng thân bắt đầu sưu tầm trong khoảng 50 năm, chủ yếu với các mảng: nghệ thuật Hồi giáo, ôtô, tiền cổ, các hiện vật liên quan đến truyền thống văn hóa, sinh hoạt của Qatar.
Tôi choáng ngợp với bộ sưu tầm ô ô có một không hai trên thế giới. Bộ sưu tầm gồm hơn 1.000 ôtô cổ nhất, có từ giữa thế kỷ XVII đến nay, từ những chiếc chạy bằng bánh sắt, những chiếc cải biến từ xe ngựa, những chiếc bánh đặc đầu tiên, hay những chiếc đầu dài, máy trần có từ cuối thế kỷ XIX; tiếp đến là hàng loạt xe trong thế chiến thứ Nhất, thế chiến thứ Hai, xe của các nhà vua và tổng thống các nước… được trưng bày trong một khu nhà rộng thênh thang. Nghe kể, những chiếc xe này khi mua từ các nước về phải đại tu lại, phải sản xuất các phụ tùng thay thế và mỗi tháng phải vận hành, nổ máy một lần để duy trì và bảo hành. Nhiều xe được bảo quản trong khung kính giống như bảo vật.
Còn vào khu trưng bày xe mới thì như lạc giữa một nền công nghiệp hiện đại của nhân loại. Tại đây, người ta xếp xe theo dòng và thời gian: xe Mỹ, xe Pháp, xe Nhật, xe Đức, xe nguyên thủ, xe thửa riêng độc nhất, và tất cả những chiếc xe Quốc vương Quatar đã từng sử dụng.
Không ai tiết lộ số tiền bao nhiêu để được sở hữu khối lượng khổng lồ bộ sưu tập đó, nhưng con số đó ước đoán không thể dưới một tỷ đô la.
Nóng và những “ngôi nhà” ô tô
Hoàng thân Sheikh Faisal Bin Qassim Al Thani Museum và khu trưng bày ô tô cổ tại bảo tàng mang tên ông. Ảnh: FOUNDTRAVEL
Trước khi sang Qatar, tôi tranh thủ tìm hiểu qua mấy băng video clip trên Youtube và mấy bài báo của Nga viết về thành phố Doha và các sa mạc. Nổi bật nhất trên các tư liệu đó là cái nóng khủng khiếp, nhất là những ai mới từ xứ lạnh sang Doha vào mùa hè. Có người bay từ Iakutxk vào cữ cuối xuân, khi đó băng vừa tan, nhiệt độ xấp xỉ 10- 12 độ, nhưng khi sang đến Doha thì nhiệt thử biểu chỉ dựng đứng lên tới 40 độ, chẳng khác nào bước từ phòng lạnh sang buồng tắm hơi sauna. Những ai áp huyết cao, chuyện cấp cứu là không tránh khỏi.
Vì vậy, việc tôi chọn thời điểm cuối tháng hai để đến Doha phải tự sướng mà thú nhận rằng, đó là một sự lựa chọn thông thái, bởi đây là thời điểm nhiệt độ dao động từ 28 đến 32 độ.
Doha chỉ có hai mùa, mùa nóng và mùa hơi nóng. Mùa nóng nhiệt độ có lúc đạt đỉnh 52 độ, dạng thời tiết mà chỉ cần bước ra sân nhà là nóng rực như đi vào chảo lửa. Mùa nóng kéo dài suốt từ tháng 4 cho đến tháng 11, đỉnh điểm là tháng 6, tháng 7, tháng 8, khi đó nhiệt độ thường là 48 hay 50 độ. Dân tình Qatar suốt trong quãng thời gian đó chỉ sống trong nhà hoặc trong xe với chế độ sử dụng điều hòa nhiệt độ tối đa. Vào mùa nóng, người ta không thể đi bộ ngoài trời, bước qua đường để đến một cửa hàng thực phẩm cách chừng vài ba trăm mét để mua thực phẩm.
Chính vì thế, người dân ở đây coi ô tô là mái nhà thứ hai của mình. Mỗi gia đình ở Doha thường có tới 5 hoặc 7 chiếc ô tô đời mới nhất. Mức thu nhập của cư dân sở tại cho phép họ làm điều đó và hơn thế nữa.
So với Việt Nam thì giá xe ở Doha chỉ nhỉnh hơn một nửa, tức là giá hai chiếc ở đây cộng lại chưa bằng một chiếc đồng hạng ở ta.
Doha mới xây dựng trong khoảng 15 năm trở lại, nên nó tiếp thu được những công nghệ và quy hoạch hiện đại nhất thế giới. Dường như mọi con đường trong thành phố ra ngoại ô đều là cao tốc. Những đại lộ khoảng 8 làn đường đến 12 làn đường ở đây phẳng lỳ, không xóc, không ổ gà và có hệ thống đèn tuyệt hảo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.