Theo kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đã được Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng ký duyệt, ngay trong giai đoạn 2013 – 2015 sẽ phải hoàn thành 3 tuyến đường bộ cao tốc là Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên và Hòa Lạc – Hòa Bình. Hiện cả 3 tuyến cao tốc này đã được khởi công xây dựng, trong đó 2 tuyến Hà Nội – Lào Cai và Hà Nội – Thái Nguyên dự kiến sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2014.
Thi công tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai.
Song song với việc xây dựng mới các tuyến đường cao tốc, Bộ GTVT cũng đặt kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên – Lào Cai bằng nguồn vốn ODA; đầu tư nâng cấp cảng Việt Trì; đảm bảo 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, nâng cấp các tuyến đường tỉnh trọng yếu. Phương hướng đến năm 2020, một dự án đường cao tốc mới sẽ được đầu tư là tuyến Hà Nội – Lạng Sơn... Nhu cầu nguồn vốn giai đoạn 2013 – 2015 là 69.018 tỷ đồng và giai đoạn 2016 – 2020 là khoảng 52.464 tỷ đồng.
Thực tế thì để có hơn 121.000 tỷ đồng nhằm thực hiện kế hoạch phát triển hạ tầng GTVT nói trên, Bộ GTVT đã phối hợp với các cơ quan liên quan tìm các nguồn vốn đầu tư. Tuy nhiên, bài toán vốn vẫn có thể bế tắc dù thực hiện theo nhiều phương án đề xuất của bộ này. Có thể nhận thấy điều này qua câu chuyện về huy động vốn đầu tư bên ngoài thông qua việc “đổi đất lấy hạ tầng” của tỉnh Hòa Bình để huy động vốn cho Dự án cao tốc Hòa Lạc – Hòa Bình. Dự án cao tốc có chiều dài 20km nối tiếp với tuyến Láng – Hòa Lạc đã được khởi công cách đây hơn 3 năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2014 nhưng hiện đang bế tắc vì nhà đầu tư đã xin trả lại dự án. Điều này buộc Bộ GTVT đang phải tìm nhà đầu tư mới và cân nhắc làm trước 2 làn xe để thông tuyến.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương thuộc 2 vùng trung du và miền núi Bắc Bộ còn ở điều kiện kinh tế khó khăn. Như ở tỉnh Thái Nguyên, địa phương đang được đầu tư cùng lúc 2 dự án giao thông quan trọng là xây dựng mới cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên và dự án mở rộng, cải tạo Quốc lộ 3 cũ. Tất nhiên, cả 2 dự án này đều được thực hiện nhờ vốn ODA và vốn đối ứng của Chính phủ chứ không phải từ “nội lực” của tỉnh. Ông Dương Ngọc Long – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông của địa phương rất lớn. Về phương án đổi đất lấy hạ tầng giao thông, địa phương sẵn sàng chào đón những nhà đầu tư đến tìm hiểu. Trên thực tế cũng đã có một số dự án thực hiện theo hình thức đó nhưng chưa nhiều”.
Vinh Hải (Vinh Hải)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.