“Loạn” lúa giống
Vùng ĐBSCL đang chuẩn bị bước vào vụ lúa mới thu đông, theo đó hàng trăm cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống đang rầm rộ, chuẩn bị tung ra thị trường một lượng lớn lúa giống. Và đây cũng chính là “cơ hội” để lúa giống giả xuất hiện.
Đơn cử, tại TP.Cần Thơ, Thanh tra Sở NNPTNT vừa kiểm tra và xử phạt 2 cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống với tổng số tiền là 15 triệu đồng vì không có hồ sơ lô giống (không rõ nguồn gốc giống). Ngoài ra, Thanh tra Sở này cũng đang chờ kết quả kiểm định 7 mẫu giống lúa từ Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống sản phẩm cây trồng Nam Bộ để có hướng xử lý tiếp theo đối với một số cơ sở khác.
Ảnh minh họa
Ông Ngô Hùng Dũng – Phó Chánh thanh tra Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Trong tháng 7, chúng tôi đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống tại các địa phương như Thới Lai, Thốt Nốt và Ô Môn. Qua đó, xử lý 2 đơn vị cung cấp giống không chứng minh được nguồn gốc của sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi đã nghi ngờ 7 mẫu lúa giống kém chất lượng nên đã gửi đi kiểm tra”.
Theo phản ánh của bà con nông dân, hiện nay trên một đoạn đường ngắn vào Viện Lúa ĐBSCL có nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống kém chất lượng đang hoạt động. Về vấn đề này, ông Dũng cho biết, trong 2 cơ sở bị phạt trên thì có 1 cơ sở nằm trên đường vào viện. Cạnh cơ sở bị phạt này cũng có một cơ sở khác đưa lúa giống kém chất lượng xuống cung cấp cho nông dân, bị dân phản ảnh và đang được các cơ quan chức năng củng cố hồ sơ, xử lý.
Còn trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, theo ghi nhận của phóng viên NTNN, năm 2014 và từ đầu năm 2015 đến nay, liên tục xuất hiện tình trạng người dân mua phải lúa kém chất lượng, dẫn đến mùa vụ bị thất thu. Lão nông Lê Văn Phước ở xã Phước Hảo, huyện Châu Thành nói: “Người dân trồng lúa lời hay thua lỗ phụ thuộc rất nhiều vào giống lúa có chất lượng hay không. Tuy nhiên, chất lượng lúa giống bây giờ khó kiểm soát, tràn lan. Trên địa bàn xã tôi đã xảy ra trường hợp hàng chục hộ dân phải trả lại lúa giống kém chất lượng cho đơn vị cung cấp vì có nhiều hạt lẫn, không sạch và độ ẩm không đảm bảo”.
Theo bà Nguyễn Hoàng Mỹ - quyền Chánh Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, 8 tháng qua Sở đã gửi đi kiểm tra 13 mẫu lúa giống, trong đó có 2 mẫu không đạt chất lượng. Trước đó, năm 2014 cũng xảy ra vài trường hợp vi phạm. Lớn nhất là trường hợp Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Đông Xuân (trụ sở tại huyện Càng Long) bị phạt đến 96 triệu đồng vì đã bán lúa giống có chất lượng không phù hợp với quy định, kinh doanh lúa giống không có tên trong danh mục. “Chúng tôi cũng tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kinh doanh giống lúa trong thời gian 1 tháng với công ty này” - bà Mỹ cho hay.
Không riêng gì hai địa phương trên, các tỉnh có diện tích lúa lớn ở ĐBSCL như Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang cũng đã và đang ráo riết kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống. Ông Phan Thanh Liêm – Phó Chánh Thanh tra Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho biết: “Kiểm tra là phát hiện sai phạm ngay. Ở Kiên Giang, ngoài vi phạm về thủ tục đăng ký, một số điểm kinh doanh nổi lên tình trạng để lúa lẫn nhiều cỏ dại, khử không sạch. Khi người dân đưa vào sản xuất thì năng suất giảm, tốn thêm chi phí đầu tư”.
Cơ sở lúa giống mọc lên như nấm
"Kiểm tra là phát hiện sai phạm ngay. Ở Kiên Giang, ngoài vi phạm về thủ tục đăng ký, một số điểm kinh doanh nổi lên tình trạng để lúa lẫn nhiều cỏ dại, khử không sạch...”.
Ông Phan Thanh Liêm - Phó Chánh Thanh tra Sở NNPTNT Kiên Giang
|
Tại vùng ĐBSCL, nếu năm 2012 chỉ có 271 cơ sở sản xuất, kinh doanh lúa giống, thì đến nay đã tăng lên trên 1.360 cơ sở. Bà Nguyễn Thị Kiều - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết: “Hoạt động sản xuất kinh doanh lúa giống mới nổi lên trên địa bàn thành phố từ năm 2014 đến nay. Hiện nay trên địa bàn có 55 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trong đó, có 4 cơ sở chưa được cấp mã số nhưng vẫn hoạt động”.
Còn theo Viện Lúa ĐBSCL, hiện có 61 cơ sở, công ty kinh doanh các giống lúa OM do viện nghiên cứu, lai tạo. Các cơ sở, công ty này cung ứng giống thông qua hơn 240 đại lý khác nhau. Tuy nhiên, chỉ có 4 cơ sở, công ty ký hợp đồng, thanh toán tiền bản quyền. Các đơn vị còn lại sản xuất đại trà, chất lượng thả nổi, gây khó khăn cho công tác theo dõi, giám sát. Nhiều giống lúa mang tên OM nhưng đã bị các đơn vị sản xuất, kinh doanh giống thêm tên hoặc đặt tên khác, nhiều nơi sản xuất giống OM nhưng không rõ nguồn gốc của giống siêu nguyên chủng, nguyên chủng đầu vào...
TS Trần Ngọc Thạch – Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho biết: “Phía Viện có thể làm đơn đi kiện các đơn vị không ký hợp đồng, không trả tiền bản quyền giống lúa của Viện, nhưng chúng tôi không làm vậy mà muốn từ từ giải thích cho các đơn vị hiểu. Chúng tôi muốn các đơn vị cùng Viện có mối quan hệ chặt chẽ và giám sát sử dụng giống tốt hơn, có chất lượng hơn, không phải vì lợi ích kinh tế mà là vì lợi ích của bà con nông dân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.