Vụ hè thu: Giá lúa giống sẽ tăng 2-2,5 lần

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ tư, ngày 11/06/2014 13:49 PM (GMT+7)
Trao đổi với NTNN, ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) cho biết, riêng tiền vận chuyển từ miền Trung ra miền Bắc đã tăng từ 2 - 2,5 lần nên vụ hè thu năm nay, giá giống lúa sẽ tăng cao hơn so với cùng kỳ.  
Bình luận 0

C ác địa phương đang khẩn trương thu hoạch lúa vụ đông xuân, một số địa phương phản ảnh là được mùa. Còn Cục Trồng trọt có đánh giá như thế nào về kết quả sản xuất vụ đông xuân năm nay?

img 

Ông Trần Xuân Định (ảnh) - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT)

 

- Cho đến thời điểm này, mặc dù các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc đang thu hoạch rộ, nhưng có thể khẳng định vụ đông xuân 2013 – 2014 chúng ta được mùa ở tất cả các khu vực trên cả nước. Trong đó, vùng Bắc Trung Bộ được đánh giá là khu vực có vụ lúa đông xuân đạt năng suất cao nhất trong những năm gần đây.

Ước tính, năng suất trung bình ở miền Bắc vụ này đạt khoảng 62,4 tạ/ha, cao hơn vụ năm ngoái 0,5 tạ/ha. Sản lượng thóc đạt khoảng 7,223 triệu tấn, cao hơn vụ năm trước hơn 49.000 tấn. Vụ lúa đông xuân 2013-2014 cũng ghi nhận thắng lợi của sản xuất hạt giống lúa lai trong nước.

Theo đó, các tổ hợp lúa lai như bắc ưu 903, nhị ưu 838, TH3-3, TH3-5, HYT 108, HYT100… tại Quảng Nam và Tây Nguyên đều cho năng suất hạt lai vượt trội so dự kiến, đạt khoảng 3,3-3,5 tấn/ha, nhiều diện tích đạt trên 4 tấn/ha. Diện tích sản xuất hạt lai F1 hiện đạt trên 1.500ha, sản lượng đạt hơn 5.000 tấn.

Một số nơi đang chuẩn bị xuống giống vụ hè thu, nhưng theo phản ánh, nhiều nông dân đang thiếu thóc giống, khiến giá giống tăng cao. Cục Trồng trọt có nắm được thực trạng này không?

- Về nhu cầu giống vụ hè thu, với diện tích gieo cấy toàn miền Bắc khoảng 1,3 triệu ha (từ Thừa Thiên – Huế trở ra), bà con sẽ cần khoảng 65.000 tấn giống lúa thuần, gần 7.800 tấn giống lúa lai; thiếu lúa lai thì lúa thuần sẽ thay thế. Chúng tôi khuyến cáo nông dân ở vụ mùa nên sử dụng các giống lúa thuần cả nhóm năng suất và chống chịu. Hiện bộ lúa thuần khá phong phú, nhiều giống có khả năng cho năng suất cao, chất lượng khá và chống chịu bạc lá tốt.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại giống cây trồng Việt Nam và các doanh nghiệp (DN), khả năng cung ứng giống là không thiếu. Trước khi vào vụ, riêng hạt giống lúa lai F1 các tổ hợp phổ biến, các DN của hiệp hội đã đảm bảo vào kho được khoảng 7.500 tấn (gồm cả nhập khẩu và sản xuất trong nước).

Các DN cũng cho biết, do việc vận chuyển đang rất căng thẳng và khó khăn nên giá giống lúa vụ này sẽ tăng so với vụ trước. Riêng tiền vận chuyển từ miền Trung ra miền Bắc đã tăng gấp 2,5 - 3 lần, tương đương 2.800 - 3.000 đồng/kg. Tuy vậy, giá giống bán ra, theo thông báo của các DN, chúng tôi thấy có tăng nhưng ở mức chấp nhận được. Cụ thể, lúa thuần dao động từ 23.000 – 28.000 đồng/kg (xác nhận và nguyên chủng); lúa lai 65.000 – 100.000 đồng/kg.

Hiện nước ta đang sử dụng khá lớn lượng giống lúa lai nhập khẩu từ Trung Quốc, vì vậy, có ý kiến bày tỏ lo ngại tình hình căng thẳng ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung, dẫn tới giá thóc giống tăng cao. Liệu có xảy ra việc này?

- Việc nhập khẩu giống lúa lai từ Trung Quốc hiện vẫn bình thường và cơ bản các DN đã nhập xong theo hợp đồng, ngoài ra còn có nguồn hạt giống lúa lai của các công ty đa quốc gia đến từ các quốc gia khác. Về lúa thuần, các DN trong hiệp hội cung ứng được khoảng 40.000 tấn, chiếm 65-70%, còn lại là lượng giống được cung ứng bởi các DN nhỏ lẻ không tham gia hiệp hội, các nông hộ, tổ hợp tác sản xuất giống.

Hiện nay, để góp phần giảm phụ thuộc vào nhập khẩu giống từ nước ngoài, nhiều DN đã chủ động liên kết với nông dân sản xuất giống, nhiều nhất là tại các tỉnh như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, khu vực Tây Nguyên. Năm nay, năng suất lúa giống rất cao, mẫu mã đẹp, thu sản lượng vượt dự kiến, nhiều DN đã chuyển giống ra chế biến và đóng gói từ trung tuần tháng 5.2014.

Bám sát lịch thời vụ
Cục Trồng trọt khuyến cáo, đối với vùng Bắc Trung Bộ bố trí thời vụ gieo cấy lúa hè thu vùng chạy lụt đảm bảo thu hoạch trước ngày 5.9; vùng hè thu thâm canh thu hoạch chậm nhất 20.9; vụ mùa sớm thu hoạch trong tháng 9; mùa chính vụ kết thúc cấy trong tháng 7.

Đối với vùng đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc: Trà mùa sớm gieo cấy từ 450.000 - 500.000ha, gieo mạ từ 5-15.6, cấy trong tháng 6, đầu tháng 7; vụ mùa trung gieo mạ 15- 20.6, cấy trước 20.7; vụ mùa muộn gieo mạ trong tháng 6, cấy trước 30.7; lúa gieo thẳng cần được quy hoạch thành vùng, chủ động tưới tiêu, thời vụ gieo từ 15-25.6.

Phi Long

Cục Trồng trọt cũng hết sức lưu ý các DN sản xuất lúa giống phải kiểm tra đồng ruộng, đảm bảo kiểm định và kiểm nghiệm trong phòng, đặc biệt là tỷ lệ nảy mầm, độ đúng giống và phải công bố hợp chuẩn hợp quy theo từng lô giống.

 

Vụ hè thu sắp tới được dự báo thời tiết sẽ nắng nóng và ít mưa hơn so với trung bình nhiều năm. Để đảm bảo một vụ mùa thắng lợi, ông có khuyến cáo gì cho bà con?

- Theo tôi, vụ hè thu và vụ mùa ở các tỉnh phía Bắc trắc trở lớn nhất vẫn là mưa bão. Theo đó, hiệu ứng của mưa bão là bệnh bạc lá dễ tấn công cây lúa, khiến năng suất vụ mùa thường thấp hơn vụ xuân.

Do ảnh hưởng của thời tiết, thời gian thu hoạch lúa đông xuân 2013 - 2014 của một số tỉnh phía Bắc sẽ chậm hơn khoảng 7-10 ngày, do vậy Cục đã có công văn chỉ đạo và lưu ý các địa phương khuyến cáo nông dân thu hoạch lúa đông xuân nhanh gọn; thu hoạch đến đâu làm đất ngay đến đó; bố trí thời vụ và cơ cấu giống hợp lý, huy động tối đa mọi nguồn lực “cấy càng sớm càng tốt” để đảm bảo có vụ hè thu hiệu quả, né tránh được những bất thuận của thời tiết cũng như đảm bảo kế hoạch gieo trồng cây vụ đông.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem