Minh Triệu hé lộ sự cạnh tranh trong làng mẫu Việt

Hạ Vũ Thứ bảy, ngày 19/12/2015 11:43 AM (GMT+7)
Giải Đồng Siêu mẫu Việt Nam khẳng định người mẫu cạnh tranh không lành mạnh chẳng thế tiến xa trong làng thời trang.
Bình luận 0

“Mẫu đi sai tuyến để tự biến mình thành vedette rất nhiều”

- Với nhiều người, vedette vẫn là một từ xa lạ. Chị có thể giải thích rõ hơn về công việc của một vedette?

Vedette là một từ có nguồn gốc từ Pháp, được du nhập vào nhiều quốc gia và hiện nay tại Việt Nam đã được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực thời trang. Được nói đến nhiều nhưng có thể nhiều người vẫn chưa nhận thức rõ ràng về khái niệm này mà hiểu nó một cách rất hời hợt hoặc thậm chí cho rằng chỉ cần là người đẹp nhất thì là vedette .

img

Minh Triệu trên sàn catwalk

Với kinh nghiệm và hiểu biết làm nghề của tôi, vedette của một màn biểu diễn phải là người thể hiện tốt nhất tinh thần và mang được hơi thở, cũng như truyền được nguồn cảm hứng của bộ sưu tập đấy đến với người xem. Theo đó, bộ trang phục mà vedette thể hiện cũng là thiết kế xuất sắc nhất, mang nặng tính “signature” (dấu ấn) của bộ sưu tập, thể hiện được phong cách cá nhân của nhà thiết kế .

Nói không ngoa, vedette có thể được xem như “linh hồn” của đêm diễn, nhưng điều này không có nghĩa một đêm diễn thành công hay không có thể phụ thuộc tất cả vào vedette. Đơn giản vị trí vedette xuất hiện cuối cùng giúp sự thăng hoa, đưa cảm xúc đạt đến đỉnh điểm trước khi mang tới một cái kết đẹp, ấn tượng cho bộ sưu tập mà thôi .

- Vedette thường phải đáp ứng được những tiêu chí gì?

Người ta thường nói: “Phong độ nhất thời, đẳng cấp mãi mãi” . Vedette nên là người có “đẳng cấp”, chứ không thể chỉ dừng lại ở “phong độ” được. Để đạt được đẳng cấp, tất nhiên sẽ đòi hỏi một quá trình làm việc nghiêm túc, để được công nhận chứ không thể một đêm thức dậy và trở thành vedette được. So với giải thưởng nọ kia thì quá trình này quan trọng hơn. Giải thưởng chỉ giúp mang lại nhiều cơ hội để bạn chứng tỏ được năng lực của mình đến đâu mà thôi.

Nếu bạn làm tốt thì mới nói tiếp được, chứ làm không tốt thì giấc mơ vedette cũng đành khép lại. Bên cạnh đó, vedette được xem như một “ngôi sao” trong lĩnh vực mình đang hoạt động nên tất nhiên điều tiên quyết mà một người mẫu phải đáp ứng được đó là hình thể đẹp. Ngoài ra, cô ấy còn cần có một thần thái tốt, khôn ngoan và có tính chuyên nghiệp .

img

"Vedette cần có hình thể chuẩn, đẳng cấp khôn ngoan và chuyên nghiệp"

- Minh Triệu nói sao với những người vẫn cho rằng cô gái nào có độ hot cao, hút truyền thông mới có thể trở thành vedette?

Có thể thấy truyền thông là bệ đỡ không thể thiếu của một người hoạt động nghệ thuật nói chung. Nhưng việc bạn xuất hiện trên truyền thông với thông tin gì, ở đâu, hình ảnh thế nào lại là một việc khác. Ở thời buổi mà công nghệ bùng nổ, truyền thông phát triển quá mạnh mẽ và rất khó quản lý hết thì việc xuất hiện trên truyền thông dường như đã không còn quá khó.

Chính vì vậy, theo tôi, thay vì đánh giá trên tần suất, nên dựa trên chất lượng của mỗi lần xuất hiện. Nói cụ thể hơn, vedette có khả năng thu hút truyền thông nhưng ngược lại những người thu hút truyền thông chưa chắc là vedette. Bây giờ nhiều người cũng chỉ thích thú tìm hiểu các thể loại scandal, rồi hàng hiệu thế nào, nhà lầu xe sang ra sao. Trong khi đó, theo tôi, họ nên quan tâm đến việc người nghệ sỹ ấy đang đóng góp được những gì trong nghề nghiệp của họ .

- Danh xưng vedette cao quý như vậy. Cảm xúc của chị khi nhiều lần được chọn vào vị trí này như thế nào?

Tôi cảm thấy bản thân mình khá may mắn vì những cố gắng của bản thân đã được đáp trả bằng những thành quả lao động xứng đáng. Đến thời điểm này, tôi được ưu ái và tin tưởng giao cho vị trí vedette khá nhiều lần.

Bản thân tôi cũng không nhớ được chính xác bao nhiêu lần nữa, bởi tôi nghĩ dù có là vedette, tôi cũng đâu phải là tất cả. Không thể chỉ một mình mình mà toả sáng được đâu. Đó là nhờ công sức của nhiều người phía sau và sự phối hợp rất tốt của những bạn mẫu khác diễn cùng mình nữa. Tôi thích xem đó như là một thành công lớn của tập thể hơn.

img

"Được làm vedette, chắc 'sướng rân người'"

Lúc mới chân ướt chân ráo vào nghề, nhìn mấy chị lớn hoặc thậm chí nhiều bạn chỉ bằng tuổi mình nhưng đã có thâm niên hoạt động trong nghề và đã khẳng định được tên tuổi nhất định như Hoàng Yến, Ngọc Quyên được mời làm vedette trong show diễn, tôi ngưỡng mộ kinh khủng. Tôi nghĩ thầm không biết bao lâu mình mới được như thế, chắc hẳn là cảm giác phải “sướng rân người” luôn ấy (cười).

Đến lúc giấc mơ thành hiện thực, cảm giác sung sướng không thể tả được, nhưng lúc ấy, tôi mới hiểu những cảm giác như thế không phải vì được khen đẹp, được khen hot mà là vì tôi tự hào khi lao động nghiêm túc và được người khác công nhận .

- Cụ thể, làm một vedette, người mẫu sẽ được những gì?

Vedette đương nhiên sẽ có nhiều quyền lợi về một vị trí tốt, cát sê cao hơn, xây dựng cho mình một hình ảnh tốt hơn. Nhưng đi kèm theo đó, họ cũng phải làm việc vất vả để xứng đáng nhận những điều đấy nên cũng không có gì là bất công cả. Trách nhiệm của một vedette luôn nặng hơn, họ phải chịu nhiều áp lực hơn .

- Với nhiều ưu thế như vậy, chắc hẳn có sự cạnh tranh ngầm rất khốc liệt để giành vị trí này trong làng mẫu?

Tôi nghĩ ở đâu cũng cần có cạnh tranh để kích thích sự phát triển của ngành nghề đó. Việc cạnh tranh không lành mạnh tất nhiên cũng là điều không thể tránh được, nhưng tôi chưa thấy ai trong số đó có thể tiến xa được cả. Thường những người thiếu tự tin vào năng lực bản thân mới phải cạnh tranh không lành mạnh thôi, mà khi đã không đủ tài năng thì dù có không ai cản đường bạn cũng khó mà trèo lên được đến đỉnh.

Việc người mẫu cố tình đi sai tuyến để tự ý biến mình thành vedette đi cuối cùng là chuyện xảy ra thường xuyên, cũng không ít lần lên báo, nhưng đó là hành động thiếu khôn ngoan! Thay vì tự giật lấy thứ không phải của mình thì nên làm thật tốt việc của mình rồi người khác sẽ ước rằng giá như họ đã sáng suốt hơn và chọn bạn. Bạn có thể giật lấy 1 lần, 2 lần chứ không thể cứ giật mãi được phải không? Huống hồ điều đó cũng có ý nghĩa gì đâu khi mà người khác không công nhận?

img

"Mẫu cạnh tranh không lành mạnh không bao giờ tiến xa"

“Không phải cứ đòi hỏi trong công việc là ‘chảnh'”

- Mới đây, Lý Nhã Kỳ có nói về một người mẫu bỏ về vì không được làm vedette. Chị nghĩ gì về thái độ này?

Về tin tức này, tôi không theo dõi, nên sẽ không đúng khi đưa ra bất kỳ lời bình luận nào. Tôi nghĩ mọi thứ đều có lý do của nó, chúng ta không nên vội vàng nhận xét ai cả nếu mình không phải là người trong cuộc, thực sự hiểu rõ câu chuyện .

Nhưng theo tôi, cho dù có không thích sự sắp xếp của Ban tổ chức thì cũng nên cho họ một lý do chính đáng. Khi cả hai bên thông hiểu đối phương thì hợp tác sẽ dễ dàng hơn. Trong trường hợp xấu nhất là không thể hợp tác được vì không thể dung hoà được nhưng vướng mắc đến từ cả hai phía thì người khác cũng không thể đi bêu xấu bạn được. Làm người mẫu cũng cần có uy tín chứ không thể chỉ đơn thuần tồn tại bằng tài năng được. Quan trọng bạn phải có lý lẽ hợp lý. Nếu không, thì đó đã là lỗi của mình rồi!

- Vedette thường bị gắn mác “chảnh”, đòi hỏi, yêu cầu cao. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

Như tôi chia sẻ ở trên, vedette phải làm việc nhiều hơn, trách nhiệm nặng nề hơn thì họ có quyền đòi hỏi nhiều hơn để đảm bảo hoàn thành tốt công việc. Tương tự như việc bạn càng hết lòng và tôn trọng ai chừng nào thì họ cũng sẽ hết lòng vì bạn nhiều bấy nhiêu thôi.

img

Minh Triệu làm vedette ở một màn trình diễn trong Elle Show

Điều đó thể hiện sự chuyên nghiệp của ngành công nghiệp thời trang đang phát triển hội nhập theo xu hướng toàn cầu chứ không thể vơ đũa cả nắm gọi là “chảnh”, nếu những yêu cầu đó hợp lý . Giới hạn đến đâu là một khái niệm hết sức vô cùng, còn phải tuỳ thuộc vào đối tượng, hoàn cảnh .

- Chị từng làm việc với các nhà thiết kế nước ngoài. Cách họ lựa chọn vedette có khác gì ở Việt Nam và cách người mẫu nước ngoài ứng xử, cạnh tranh giành vị trí vedette có khác gì với mẫu Việt?

Theo trải nghiệm của tôi, ở nước ngoài họ chọn vedette cho bộ sưu tập, không đặt nặng tiêu chí giải thưởng, mức độ nổi tiếng mà căn bản là ai có khả năng thể hiện tốt nhất tinh thần bộ sưu tập mà họ mong muốn. Bởi vậy việc bạn có là vedette của nơi này mà không phải là vedette ở nơi khác cũng là điều bình thường.

Bản thân mỗi người mẫu cũng nhận thức được điều đó nên chỉ tập trung vào những kỹ năng nghề nghiệp có thể giúp mình toả sáng tốt nhất trong vài giây xuất hiện ngắn ngủi trên sàn catwalk, hơn là việc ngồi đó để suy nghĩ đến việc cạnh tranh không lành mạnh.

img

"Mẫu nước ngoài ít suy nghĩ về việc cạnh tranh không lành mạnh"

- Theo chị, có phải quan niệm vedette đã bị đặt quá nặng trong làng mẫu Việt?

Đúng! Tư tưởng này không chỉ bị đặt nặng với bản thân người mẫu mà không ít người làm thời trang nói chung cũng bị ám ảnh bởi danh xưng vedette. Là người mẫu, nếu không xem vedette là đích đến để phấn đấu thì có lẽ khó thành công.

Tuy nhiên, trước khi trở thành vedette thì hãy cố gắng trở thành một người mẫu có tâm đã. Như vậy, khi trở thành vedette, bạn sẽ không cảm thấy bị quá sức hoặc bị nói “chảnh chọe”. Danh tiếng dễ dàng đi kèm với điều tiếng. Người mẫu cần luôn nhận thức đúng giá trị của bản thân, làm gì mình cho là đúng và không hại đến ai. Vốn dĩ vedette là một danh xưng đẹp đẽ, chỉ cần biến nó trở nên thân thiện hơn trong mắt mọi người mà thôi!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem