Mỗi năm mất gần 1.000ha rừng
Ông Lê Văn Quang- Phó Chủ tịch huyện Tuy Đức- cho biết, từ năm 2007 đến nay huyện này có khoảng 3.000ha rừng, đất rừng bị phá trắng. Trong đó riêng tại xã Đăk Ngo đã có đến hơn 1.000ha rừng bị cạo trọc.
|
Từ đầu tháng 3 đến nay, tại xã Đăk Ngol liên tiếp xảy ra những vụ phá rừng “tập thể”. |
Mặc dù vậy các đơn vị chủ rừng hầu như đã hoàn toàn bất lực trước “lâm tặc”. Mọi nỗ lực của cơ quan chức năng gần như không giải quyết được gì mà còn khiến lực lượng bảo vệ rừng mang thương tật. Theo ông Quang, các đối tượng phá rừng quá đông và manh động, liều lĩnh, thậm chí nhiều đối tượng được trang bị súng tự chế sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng.
Cũng theo ông Quang, người dân lấy cớ thiếu đất sản xuất để phá rừng nhưng thực chất không phải như vậy. Vấn nạn này xuất phát trước tiên là dân di cư tự do. Tiếp đến là do nhiều người bị một số “đầu nậu” xúi giục phá rừng để bán lại cho họ trồng cao su với giá vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng/ha. Điều này đã khiến người dân đã kéo nhau đi phá rừng, bất chấp sự ngăn chặn của chính quyền và các ngành chức năng.
Huyện, xã đã nhiều lần tổ chức các đoàn công tác liên ngành vào truy quét, cưỡng chế nhưng bị các đối tượng phá rừng chống trả quyết liệt, làm nhiều cán bộ kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng của các công ty lâm nghiệp bị thương nặng và cuối cùng cũng đành bó tay.
Ông Lê Văn Quang
Ông Đỗ Thế Nhữ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Nông cũng thừa nhận, những năm gần đây mà nhất là từ đầu năm đến nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép rất nóng bỏng không chỉ ở Đăk Ngo hầu hết các địa phương khác của tỉnh. Chỉ tính từ đầu tháng 3 đến nay, đã có hàng loạt các vụ phá rừng với hàng trăm đối tượng.
Điển hình là các ngày 7, 9.3 và gần đây nhất là ngày 4.4 là vụ việc trên 150 người với đầy đủ dụng cụ phá rừng đã “trấn giữ” trong rừng suốt 3 ngày mà lực lượng chức năng chỉ biết đứng nhìn. Chỉ riêng tại các tiểu khu 1168, 1523, 1529 (xã Đăk Ngo) do Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Quảng Tín và các Doanh nghiệp tư nhân Phi Long, Phạm Quốc, Hoàng Ba quản lý đã có hàng trăm ha rừng bị phá trắng.
Quyết giữ rừng!
Theo kế hoạch của tỉnh, Đoàn 12 của tỉnh sẽ phải truy quét khoảng 2.000 người đang ở trong rừng ra khỏi rừng; Giải tỏa 36 nhà tạm, 91 lều lán và 750ha cà phê, điều, sắn… của người dân để thu hồi hơn 1.000ha rừng bị lấn chiếm tại xã Đăk Ngo. Công việc này dự kiến sẽ cần khoản kinh phí gần 400 triệu đồng chưa kể hàng chục nhân lực tham gia.
UBND tỉnh này cho biết, cùng với việc truy quét, tỉnh sẽ xem xét cấp đất sản xuất và đất ở cho các hộ thật sự chưa có nơi ở ổn định và thiếu đất sản xuất. Các đối tượng còn lại kiên quyết trục xuất khỏi rừng và khỏi địa phương nếu là người từ tỉnh khác đến.
Sau tất cả những việc này, tỉnh sẽ bố trí lực lượng để ngăn chặn quyết không để dân “tái chiếm” rừng. Các doanh nghiệp được giao quản lý sử dụng diện tích đã giải toả này sẽ phải chịu trách nhiệm về việc để mất rừng. Riêng những diện tích do phá rừng trái phép, UBND tỉnh sẽ tổ chức đấu giá giá trị sử dụng đất để giao cho các tổ chức, đơn vị, cá nhân quản lý, bảo vệ và sử dụng hiệu quả, không để xảy ra tình trạng lấn chiếm, sang nhượng bất hợp pháp tràn lan như hiện nay.
Duy Hậu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.