Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng: Tránh tình trạng độc quyền, lạm quyền

Diệu Bình Thứ năm, ngày 28/05/2020 06:18 AM (GMT+7)
Theo Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì vấn đề giám sát cơ chế, kiểm soát quyền lực cần được quan tâm.
Bình luận 0

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thay mặt Chính phủ trình dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng.

Theo đó, TP.Đà Nẵng sẽ tổ chức một cấp chính quyền đô thị, các quận, phường không còn tổ chức HĐND nữa. HĐND và UBND chỉ được tổ chức ở cấp thành phố, quận và phường chỉ còn cơ quan hành chính là UBND với lãnh đạo được bổ nhiệm bởi Chủ tịch UBND cấp trên. Đối với chính quyền ở địa bàn nông thôn, HĐND vẫn được tổ chức tại huyện, xã.

Được gì từ mô hình chính quyền đô thị?

Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Đình Hải - Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng) cho rằng, việc áp dụng thực hiện chính quyền đô thị sẽ giúp bộ máy tinh gọn, các cuộc họp được rút gọn, kinh phí ngân sách sẽ giảm bớt, phù hợp với điều kiện hiện có của TP.Đà Nẵng.

"HĐND có nhiệm vụ giám sát và nắm bắt tình hình, nguyện vọng của người dân. Nếu không tổ chức HĐND cấp phường, quận, việc này sẽ chuyển sang cho Mặt trận và cơ quan này cũng có thể làm tốt. HĐND cấp phường, quận ít có chức năng, nhiệm vụ quyết định về chính sách, nhưng lại gây tốn kém không ít kinh phí. Bởi để duy trì HĐND phải có khoảng hơn 20 người với đủ bộ phận, trong đó có một Phó Chủ tịch HĐND chuyên trách và phải trả tiền phụ cấp cho mỗi người. Mỗi năm HĐND cần tổ chức các cuộc họp, cũng tốn khá nhiều kinh phí", ông Hải lý giải.

Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng: Tránh tình trạng tình trạng độc quyền, lạm quyền - Ảnh 1.

Việc thí điểm chính quyền đô thị nhằm đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đặc điểm tính chất của đô thị và khu vực nông thôn đang đô thi hóa như Đà Nẵng,

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng, nếu được Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thực hiện thí điểm lần thứ hai mô hình chính quyền đô thị, Đà Nẵng sẽ giảm được một số công chức do không còn tổ chức hội đồng nhân dân ở các quận và các phường, từ đó tiết kiệm được một khoản tiền thuế mà người dân đóng góp vào ngân sách thành phố. Nhưng đó cũng chưa phải là điều chủ yếu mà Đà Nẵng được hưởng lợi từ việc thí điểm này. Điều thuận lợi chủ yếu là mô hình chính quyền đô thị sắp thí điểm cho phép chính quyền Đà Nẵng quản lý thành phố một cách "đô thị" hơn, phù hợp với đặc điểm phân cấp quản lý của một đô thị - thường đòi hỏi phải tập trung và thống nhất trên cả địa bàn.

Tránh tình trạng tình trạng độc quyền, lạm quyền

Trên thực tế, Đà Nẵng đã có 7 năm (giai đoạn 2009 - 2016)  thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND tại 7 quận, huyện và 45 phường trên địa bàn thành phố.

Theo đánh giá của HĐND TP.Đà Nẵng, qua thí điểm không tổ chức HĐND, UBND các cấp chủ động, xây dựng và ban hành một số giải pháp chủ yếu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bảo đảm duy trì được sự ổn định và phát triển tương ứng như thời kỳ còn HĐND.

UBND các huyện, quận, phường vẫn hoạt động ổn định trong tình hình mới, quyền làm chủ của người dân cơ bản vẫn được duy trì, HĐND các xã vẫn hoạt động bình thường. Nhìn chung, việc thực hiện thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND huyện, quận, phường giai đoạn 2009 - 2016 đạt kết quả tốt.

Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh nhiều mặt tích cực, việc thí điểm  mô hình chính quyền đô thị lần này cũng đặt ra nhiều thách thức cho Đà Nẵng.

Ông Bùi Văn Tiếng cho hay, khi thực hiện mô hình chính quyền đô thị thì vấn đề giám sát cơ chế, kiểm soát quyền lực cần được quan tâm.

Theo ông Tiếng, quyền lực không được kiểm soát hiệu quả thì mô hình nào và ở cấp chính quyền nào cũng đều có thể dẫn đến tình trạng độc quyền, lạm quyền, lộng quyền, mất dân chủ. Khi thí điểm không tổ chức HĐND ở các quận và các phường, nghĩa là không còn cơ quan giám sát quyền lực cùng cấp tại chỗ, yêu cầu kiểm soát quyền lực đối với cơ quan hành chính (vẫn mang tên UBND) càng cần thiết hơn và do vậy phải được tăng cường.

"Muốn thế, HĐND TP.Đà Nẵng phải được tạo điều kiện (về chất lượng đại biểu, về số lượng đại biểu chuyên trách…) để "điền vào chỗ trống" đó, để nâng cao hiệu quả thu thập dân nguyện, giám sát thực địa, đôn đốc việc trả lời ý kiến cử tri… UBND TP.Đà Nẵng và các cơ quan chuyên môn cấp thành phố phải nâng cao chất lượng quản lý trực tiếp địa bàn, thường xuyên kiểm tra hoạt động của cơ quan hành chính, UBND các quận, kịp thời xử lý những vi phạm, bởi Chủ tịch TP không chỉ được quyền bổ nhiệm, khen thưởng mà còn được quyền cách chức, kỷ luật Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND quận. Ngoài ra, UBND các quận cũng phải nâng cao chất lượng quản lý trực tiếp tương tự đối với các phường…", ông Bùi Văn Tiếng nêu rõ.

Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng: Tránh tình trạng tình trạng độc quyền, lạm quyền - Ảnh 2.

Đà Nẵng từng một lần đề xuất thực hiện chính quyền đô thị (trong ảnh: tòa nhà hành chính Đà Nẵng)

Trao đổi thêm với Dân Việt, về đề xuất người dân Đà Nẵng được trực tiếp bầu cử ông Bùi Văn Tiếng chia sẻ: "Theo tôi đây cũng là cách để mở rộng dân chủ. Trước đây, khi còn giữ chức Chủ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Bá Thanh cũng từng đề xuất ý tưởng này", ông Tiếng nói.

"Tuy nhiên theo tôi nếu đề xuất này được Quốc hội chấp nhận, chỉ nên tập trung để cử tri Đà Nẵng được trực tiếp bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, bởi trong điều kiện thực hiện thí điểm lần thứ hai mô hình chính quyền đô thị, quyền lực sẽ tập trung cao nhất vào chức danh này. Sau khi đắc cử, Chủ tịch UBND vừa được cử tri trực tiếp bầu được quyền giới thiệu danh sách các ứng viên để Hội đồng nhân dân bầu giữ chức phó chủ tịch UBND", ông Tiếng đề xuất thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem