Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
CLIP: Giữa đời thường, Anh hùng lực lượng vũ trang, cựu chiến binh Hoàng Văn Lượng không ngừng lao động, tích cực đóng góp vì cuộc sống ấm no của người dân...Gia đình ông Lượng làm kinh tế với mô hình vườn, ao, chuồng cho thu nhập tốt. Video: Hoan Nguyễn
Những ngày cuối tháng 10, chúng tôi gặp gỡ Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cựu chiến binh Hoàng Văn Lượng trong ngôi nhà riêng khang trang, ấm áp của ông ở khu 2A, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ở tuổi ngoài 60, lại mang nhiều vết thương do chiến tranh, nhưng Đại tá Hoàng Văn Lượng vẫn khỏe mạnh và nhanh nhẹn lạ kỳ.
Ông Hoàng Văn Lượng kể, năm 1974, khi vừa tròn 18 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, được điều động vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 30, Trung đoàn 60 thuộc Bộ Tư lệnh đặc công. Sau đó, chiến sĩ Hoàng Văn Lượng lên đường vào Nam chiến đấu chống Mỹ xâm lược. Lúc này cuộc chiến tranh đang đang bước vào giai đoạn cam go, ác liệt.
Trên cương vị Tiểu đội trưởng - C2D198 - Lữ đoàn 372 Phòng không - Không quân, ông Lượng đã mưu trí, sáng tạo chỉ huy đơn vị chiến đấu ngoan cường, tiêu diệt nhiều sinh lực, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch, không cho địch đánh sập căn cứ quân sự của ta..., tạo hành lang cho Quân đoàn 3 thọc sâu vào giải phóng Sài Gòn.
Sau giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đầu năm 1981, ông Lượng tiếp tục tham gia chiến đấu tại xã Lao Chải, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang rồi hành quân sang nước bạn Lào, Campuchia thực hiện nghĩa vụ quốc tế.
Nhấp chén chè còn nóng, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Văn Lượng chia sẻ: Cuối năm 1981, tôi cùng đồng đội xây dựng xong bàn đạp hành lang, tổ chức nhiều trận đánh, trong đó tôi trực tiếp chỉ huy 2 trận, tiêu diệt và phá hủy hơn 300 tấn đạn dược các loại.
Đáng nhớ nhất, tại chiến trường Campuchia, tôi trực tiếp chỉ huy 10 đợt chiến đấu. Trong đó có trận đánh ngày 28/5/1982, đơn vị do tôi chỉ huy đã đánh vào sào huyệt Sở chỉ huy tiền phương Bộ Tổng tham mưu Pol Pot, tiêu diệt 29 tên địch, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bộ đội.
Vận dụng cách đánh "Nở hoa trong lòng địch", ông Lượng cũng đã tự tay đặt thuốc nổ phá hủy 6 mục tiêu trong số 9 mục tiêu của trận đánh; chỉ huy đơn vị phá hủy hoàn toàn 27 nhà ở của địch, 3 kho chứa 100 tấn đạn...
Chiến công nối tiếp chiến công, đặc biệt là thành tích trong làm nhiệm vụ quốc tế, ngày 29/1/1983, Nhà nước đã tuyên dương, phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đại đội 7 - Đoàn 381, Bộ Tư lệnh đặc công và cá nhân ông Hoàng Văn Lượng. Lúc này, ông Lượng đang là Trung úy, Trung đội trưởng đặc công Đoàn 381- Bộ Tư lệnh đặc công.
3 năm sau, ông Hoàng Văn Lượng lại được điều động lên huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang với vai trò trợ lý trinh sát đặc công trực tiếp chỉ đạo trận đánh cửa khẩu Thanh Thủy. Một lần nữa, ông cùng đồng đội đã tỏ rõ bản lĩnh của lực lượng đặc biệt, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, bẻ gãy sự tấn công của địch, giữ vững trận địa...
Năm 2012, Đại tá Hoàng Văn Lượng nghỉ hưu. Đến năm 2015, ông rời Thủ đô Hà Nội trở về quê hương và sinh sống tại khu 2A, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ.
Tại quê nhà, ông Lượng được cấp ủy giới thiệu, cán bộ, hội viên tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh khu 2A, ủy viên Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Tân Phú từ năm 2016; năm 2020, được bầu làm Chi hội trưởng Hội người cao tuổi khu 2A. Đồng thời, ông Lượng là người có uy tín khu dân cư từ 2019 đến nay.
Ở cương vị nào, ông Lượng cũng luôn giữ vững phẩm chất của người lính bộ đội cụ Hồ, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong mọi hoạt động cũng như các phong trào thi đua của hội, của địa phương, làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực...
Trên cương vị là Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khu 2A, ông Lượng luôn nắm chắc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo của Hội cấp trên, bám sát tình hình thực tiễn ở địa phương, chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên góp phần xây dựng tổ chức hội trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở.
Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông Lượng đã cùng Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã Tân Phú triển khai đến toàn thể hội viên chuyên đề toàn khóa, chuyên đề hằng năm và từng quý; phát động các phong trào thi đua gắn với việc học tập và làm theo Bác, phát huy truyền thống bộ đội cụ Hồ; tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Điển hình, ông Lượng tích cực vận động các hội viên tham gia đóng góp, xây dựng quỹ chi hội khu 2A nhằm giúp các hội viên khó khăn được vay vốn với lãi suất ưu đãi, phát triển kinh tế gia đình. Từ đó, góp phần thực hiện tốt phong trào "cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi". Đến nay số tiền quỹ chi hội khu 2A đang quản lý lên đến hơn 50 triệu đồng.
Ông Hoàng Văn Lượng cho biết: "Bản chất của người lính là nói đi đôi với làm, không ngại khó, ngại khổ. Từ khi nghỉ hưu chế độ, tiền lương đã đảm bảo cuộc sống, nhưng với tinh thần yêu lao động và tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, chăn nuôi ở các địa phương, tôi đã quyết tâm đầu tư, xây dựng trang trại tổng hợp hơn 7.000m2. Với mô hình này, tôi mong muốn thay đổi tư duy làm nông nghiệp thuần túy của người dân làng quê, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất hàng hóa. Từ đó, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương".
Trang trại tổng hợp của ông Lượng hiện trồng bưởi, trồng chuối, kết hợp chăn nuôi lợn, gà cựa, thả cá. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí mang lại tiền lãi từ 150-200 triệu đồng. Từ mô hình kinh tế trang trại của ông Lượng, người dân xung quanh làng, xã thấy hiệu quả, đến tham quan, học hỏi làm theo.
Bên cạnh đó, ông Lượng đã tiên phong phát động các hội viên cựu chiến binh tăng gia sản xuất trồng keo trên đất đồi rừng. Năm 2022, với gần 1ha trồng keo bắt đầu cho thu hoạch, mang lại số tiền 50 triệu đồng cho quỹ chi hội cựu chiến binh khu 2A. Hiện mô hình trồng cây gây quỹ đang được lan tỏa sang Hội người cao tuổi của xã thực hiện…
Trong xây dựng nông thôn mới, ông Lượng cùng các hội viên cựu chiến binh trong xã tự nguyện hiến đất, ủng hộ kinh phí làm đường, cứng hóa đường giao thông trục thôn và giao thông nội đồng. Riêng gia đình ông Lượng đã ủng hộ 50 triệu đồng cho khu dân cư xây nhà văn hóa, làm đường giao thông.
Đặc biệt, ông Lượng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình hội viên tham gia cổ vũ và tạo điều kiện tốt nhất cho phong trào thể dục thể thao, dân ca dân vũ; các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để gìn giữ, phát huy nét đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số ngay tại khu dân cư.
"Tôi luôn ghi nhớ lời Bác dạy, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Cả cuộc đời, tôi luôn coi đó là kim chỉ nam trong suy nghĩ, việc làm. Bản thân lại là người lính thì cảng phải luôn giữ vững phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, học tập và làm theo tấm gương của Bác" - ông Lượng nhấn mạnh.
Với thành tích trong quá trình chiến đấu và công tác, Đại tá Hoàng Văn Lượng vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Angkor hạng Nhất (Campuchia); Huân chương Quân kỳ quyết thắng; Huân chương bảo vệ Tổ quốc; 3 Huân chương chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; 3 Huân chương chiến sĩ vẻ vang; nhiều Bằng khen, Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đặc biệt, vừa qua ông Lượng đã được tỉnh Phú Thọ giới thiệu, đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương khen thưởng, là điển hình thực hiện Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Ông Thái Việt Anh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, chiến tranh đã lùi xa nhưng câu chuyện về Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Văn Lượng gan dạ trong chiến đấu, luôn sống có ích và giản dị giữa đời thường hôm nay là tấm gương sáng, có ý nghĩa giáo dục với thế hệ trẻ.
"Ông Lượng luôn gương mẫu, sống và làm việc với phẩm chất bộ đội cụ Hồ; có nhiều đóng góp quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, sự phát triển của địa phương. Những việc làm thiết thực, ý nghĩa của ông Lượng đã tạo sức lan tỏa sâu, rộng trong cán bộ, hội viên và nhân dân về một tấm gương cựu chiến binh tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" -Phó Chủ tịch xã Tân Phú nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.