Mở rộng khai quật Tháp đôi Liễu Cốc nghìn năm tuổi tại Huế sau khi phát hiện nhiều di vật quý

Trần Hòe Thứ tư, ngày 03/07/2024 19:29 PM (GMT+7)
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc sau khi phát hiện nhiều di vật quý tại đây.
Bình luận 0

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành văn bản về chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc (phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế).

Theo đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất về mặt chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc để xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Mở rộng khai quật Tháp đôi Liễu Cốc nghìn năm tuổi tại Huế sau khi phát hiện nhiều di vật quý- Ảnh 1.

Bình vôi của Champa, niên đại thế kỷ IX - XI, được phát hiện qua khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh thực hiện các thủ tục xin phép Bộ VHTTDL mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc đảm bảo theo quy định.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND thị xã Hương Trà nghiên cứu, có phương án bảo vệ bền vững di tích nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích Tháp đôi Liễu Cốc phục vụ khai thác du lịch và phát triển kinh tế.

Tháp đôi Liễu Cốc là một công trình kiến trúc tôn giáo đặc trưng của người Chăm, ước khoảng 1.000 năm tuổi. Đây là di tích kiến trúc nghệ thuật có nhiều giá trị, đánh dấu một giai đoạn phát triển trong lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam nói chung, dân tộc Chăm nói riêng.

Năm 1926, di tích Tháp đôi Liễu Cốc đã được Viện Viễn Đông Bác Cổ nghiên cứu và xếp hạng là cổ tích trong toàn cõi Việt Nam và Đông Dương thời bấy giờ. Năm 1994, di tích được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp Quốc gia. Do tác động của thời gian, chiến tranh cùng sự khắc nghiệt của khí hậu miền Trung, di tích Tháp đôi Liễu Cốc bị xuống cấp nghiêm trọng.

Mở rộng khai quật Tháp đôi Liễu Cốc nghìn năm tuổi tại Huế sau khi phát hiện nhiều di vật quý- Ảnh 2.

Qua việc khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc nghìn năm tuổi, cơ quan chức năng đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều loại hình di vật tiêu biểu. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thực hiện Quyết định số 898/QĐ-BVHTTDL của Bộ VHTTDL, từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 6/2024, Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành thăm dò và khai quật tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Với diện tích hơn 80m2 thăm dò và khai quật, kết quả đã làm xuất lộ hoàn toàn dấu tích nền móng kiến trúc tháp Bắc và xác định được vị trí tháp Cổng, hệ thống tường bao và đường đi nội bộ trong di tích. Đồng thời, qua khai quật cũng đã đưa lên khỏi lòng đất nhiều loại hình di vật tiêu biểu, góp phần quan trọng trong quá trình nghiên cứu, nhận thức về di tích cũng như gợi mở thêm nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, mở rộng diện tích khai quật để làm sáng rõ toàn bộ quy mô, kết cấu và tính chất của di tích.

Cụ thể, trong quá trình khai quật, lực lượng chức năng đã thu được khối lượng di vật gồm 4.807 tiêu bản, trong đó tập trung chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại.

Về vật liệu kiến trúc, vó 3.936 tiêu bản, gồm gạch và ngói, trong đó gạch chiếm đa số với 3.920 tiêu bản, ngói chỉ có 16 mảnh.

Trang trí kiến trúc được tìm thấy tại di tích chủ yếu là những hình nhấn trang trí góc tháp. Trang trí được làm từ đá sa thạch màu xám vàng, ngoài tạo tác với hình khối đơn giản, bề mặt mài nhẵn, hình đầu bò Nandin, có bờm phía trên, sau có chốt dài cắm sâu vào trong góc tháp. Tổng cộng có 50 mảnh xác định được trang trí hình đầu bò, trong đó có 2 hiện vật nguyên dáng, 11 mảnh đầu bò, 2 mảnh miệng/mũi bò, 22 mảnh bờm và 13 mảnh chốt.

Di vật đá được tìm thấy có 4 tiêu bản, gồm 1 đầu tượng phật và 3 mảnh bia ký. Bia được làm từ đá sa thạch màu xám vàng, bề mặt mài nhẵn, trong đó có 2 mảnh mặt bia, khắc chìm chữ Phạn cổ, 1 mảnh cạnh bên của bia.

Mở rộng khai quật Tháp đôi Liễu Cốc nghìn năm tuổi tại Huế sau khi phát hiện nhiều di vật quý- Ảnh 3.

Nhiều di vật quý được phát hiện khi khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc nghìn năm tuổi tại Huế. Ảnh: Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế.

Đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím, thể hiện đầu tượng Phật với kích thước cao còn lại 20cm, rộng 15cm, dày 10cm. Mặt tượng tròn, mắt nhắm hờ, sống mũi cao, môi mím, khoé môi bè rộng, rõ nét, hai tai chảy dài, tóc xoắn hình trôn ốc (mờ), chỏm Usnisa (nhục kế) nổi cao, niên đại thế kỷ XI - XII.

Đồ gốm được tìm thấy với nhiều loại hình, chất liệu khác nhau, như: Gốm thô (3 mảnh), đồ đất nung (80 mảnh), đồ sành (437 mảnh, trong đó có 3 chiếc bình vôi của Champa, thế kỷ IX - XI còn tương đối nguyên vẹn), đồ gốm men Việt Nam (153 mảnh, niên đại kéo dài từ thế kỷ XIV - XIX), đồ sứ Trung Quốc (thế kỷ XVII - XIX).

Tiền kim loại phát hiện được 1 đồng, tiền tròn (đường kính 2,5cm), lỗ tiền vuông, rìa cạnh sứt. Một mặt đúc nổi 4 chữ: Nguyên Phong thông bảo viết theo lối hành thảo, đọc vòng theo chiều kim đồng hồ, niên đại thế kỷ XIII.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế, đây là sưu tập hiện vật quý, sau khi được nghiên cứu, chỉnh lý, giám định và lập hồ sơ khoa học sẽ cung cấp nhiều thông tin quan trọng, giúp ích cho công tác nghiên cứu và trưng bày phát huy giá trị. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem