Mở rộng Tân Sơn Nhất: Dân Sài Gòn ngày càng lo

Thứ hai, ngày 09/04/2018 06:20 AM (GMT+7)
Các tuyến đường quanh sân bay Tân Sơn Nhất (TSN) hiện đã quá tải. Sân bay khi được mở rộng, công suất khai thác sẽ tăng thêm 20 triệu hành khách mỗi năm. Điều này khiến hàng triệu người dân Sài Gòn lo sốt vó – nhất là những người dân ở cửa ngõ phía Tây TP.HCM – dù chính quyền đang có kế hoạch mở thêm đường vào sân bay.
Bình luận 0

Ngày hai lần ám ảnh

“Thực sự hay tin sân bay TSN mở rộng về phía Nam với một nhà ga nữa, ban đầu tôi cũng mừng, vì hàng không có cơ hội phát triển mạnh hơn. Thế nhưng, cứ nghĩ đến cái cảnh tới đây phải đi về ngày hai bận trên con đường Cộng Hòa tôi lại ớn lạnh,” anh Nguyễn Xuân Huy, nhân viên  sân bay Tân Sơn Nhất  có nhà ở đường Trần Thái Tông, phường 15, quận Tân Bình,  nói.

Theo anh Duy, chuyện sân bay mở rộng sẽ tạo điều kiện cho hành khách rất nhiều và tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người. Thế nhưng hãy nghĩ đến hàng triệu người dân Sài Gòn sinh sống ở hướng tây bắc thành phố, mỗi ngày phải qua con đường Cộng Hòa hay Trường Chinh, sẽ cảm được nỗi khổ của họ. Bởi bây giờ, hai tuyến đường này đã ken cứng người, xe bất kể giờ giấc, ngày thường hay cuối tuần. Nguyên nhân ai cũng thấy: hành khách qua sân bay TSN hiện tại đã ở con số hơn 30 triệu lượt người/năm, cộng với lượng phương tiện lưu thông ở các tuyến đường xung quanh nhưng không vào sân bay cũng rất lớn nên ùn tắc là tất nhiên.

img

Cổ chai đường Trường Chinh là nỗi ám ảnh mỗi ngày của người dân Sài Gòn có việc, buộc phải lưu thông trên đường này, khi không có chọn lựa nào khác. Ảnh: TL

“Nói kiểu như ngành giao thông, ùn ứ là bình thường của một đô thị lớn như TP.HCM, nghe cũng hợp lý nhưng khi ùn mà gặp thêm một tai nạn dù nhỏ thì lập tức kẹt “hết nhúc nhích”, vậy chẳng phải thảm họa là gì?”, anh Huy lo sợ.

Cũng có ý kiến cho rằng khi mở rộng ra phía nam, sân bay sẽ cho mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và làm thêm đường từ nhà ga mới băng qua mũi tàu đường Trường Chinh, cũng đâu ảnh hưởng gì nhiều? “Nói vậy chỉ đúng chút xíu chớ chưa đủ”, anh nhấn mạnh và cho rằng thêm đường nối từ sân bay ra ngoài chỉ tiện cho khách và sân bay khi không phải quá tải bên trong thôi. Hãy thử tưởng tượng đường Hoàng Hoa Thám mở rộng băng qua ngã tư Cộng Hòa rồi đến thẳng ngã ba Trường Chinh – tức xe đi trên đường Hoàng Hoa Thám chỉ có thể rẽ vào Cộng Hòa hoặc Trường Chinh – hay đường nối từ sân bay ra mũi tàu Cộng Hòa cũng thực sự là ra hai con đường trên. Hai con đường Cộng Hòa và Trường Chinh không được mở rộng, lúc này thêm người và phương tiện, mọi người chắc phải” bay” mới đến sở làm, đến trường được.

Lo lắng của anh Huy thực tế cũng là lo lắng của chị Hòa nhà ở chung cư Thái An (quận 12) ngày hai buổi đi làm ở quận 3 và chỉ có hai chọn lựa hoặc đi thẳng Trường Chinh hay rẽ vào đường Cộng Hòa với ken cứn g người và xe.

Thêm đường song song với Cộng Hòa đã đủ?

Có lẽ lo lắng của người dân cũng là vấn đề các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị và sở GTVT TP.HCM đưa vào tầm ngắm. Cụ thể, sở GTVT cho rằng để “đón đầu” việc mở rộng sân bay TP.HCM đang nghiên cứu xây dựng đường song hành đường Cộng Hòa. Dự án này nếu được triển khai, một khu đất quốc phòng với diện tích khoảng 6,65 ha sẽ bị thu hồi và hiện UBND TP đã cơ bản thống nhất quy mô, hướng tuyến, có công văn báo cáo bộ Quốc phòng cùng bộ GTVT xem xét, phê duyệt.

Bình luận về dự án trên, đa phần các chuyên gia trong lĩnh vực giao thông đô thị cho rằng mở đường song hành với đường Cộng Hòa là một giải pháp phù hợp nhưng chưa đủ đối với lượng khách qua sân bay dự kiến sau khi mở rộng lên đến 50 triệu lượt/năm. Lúc này, mỗi ngày trung bình có gần 137.000 lượt người ra vào sân bay cộng với lượng phương tiện lưu thông ở các tuyến đường xung quanh nhưng không vào sân bay cũng rất lớn, thêm con đường song hành nữa cũng khó cứu kẹt được cho đường Cộng Hòa và Trường Chinh.

Trước thực tế trên, theo chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, PGS.TS Phạm Xuân Mai, giải pháp bắt buộc là phải mở thêm hướng tiếp cận cho sân bay TSN, có thể theo hướng từ đường Cộng Hòa. Với phương án này, theo ông là có thể tận dụng các tuyến hẻm trong khu dân cư, hoặc mở rộng sẽ giúp giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Còn về lâu dài, theo ông Mai là nên có đường trên cao để có thêm hướng tiếp cận sân bay, giảm áp lực giao thông phía dưới.

Nhiều chuyên gia giao thông nói “tiếc” khi việc đặt hàng tư vấn mở rộng sân bay TSN trước đó đã chưa lường hết sự kết nối giữa sân bay với giao thông, đô thị bên ngoài. Theo đó, phương án mở rộng sân bay, xây thêm nhà ga..., chủ yếu sẽ chỉ  giải quyết được sự quá tải bên trong, nâng công suất khai thác của sân bay, trong khi vấn nạn ùn tắc giao thông, sự tác động đến môi trường bên ngoài vốn đang rất căng thẳng nếu không được tính toán đầy đủ thì quả là hàng triệu người dân TP.HCM lo lắng là có lý do.

           

Giang Thanh – Đằng Giang (Thế giới tiếp thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem