Mở thêm “cánh cửa” cho nhà nông sẻ chia

Minh Huệ Thứ năm, ngày 08/10/2015 09:08 AM (GMT+7)
Niềm tự hào và hạnh phúc đã vỡ òa trên bục trao giải cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam 2015”, khi các tác giả và nhân vật của mình một lần nữa gặp lại nhau. Qua nhiều vòng chấm cẩn thận và khách quan, những tác phẩm được trao giải đều xứng đáng trở thành bí quyết, “cẩm nang” làm giàu cho nông dân...
Bình luận 0

Sáng 7.10 tại Hà Nội, cùng với việc tổ chức họp báo công bố kết quả bình chọn và chương trình truyền hình trực tiếp Lễ tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm  2015, Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN) và Công ty CP Phân bón Bình Điền đã phối hợp trao giải cuộc thi viết “Tự hào nông dân Việt Nam” lần thứ 2.

Nơi hội tụ những bí quyết làm ăn độc đáo

Ban tổ chức cho biết, cuộc thi phát động từ tháng 10.2014 và kết thúc nhận bài vào tháng 9.2015. Sau gần 1 năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được gần 1.000 tác phẩm của các tác giả là những cây viết chuyên và không chuyên trên cả nước. Trong số này, Ban tổ chức đã chọn đăng gần 200 tác phẩm trên Báo NTNN và Báo điện tử Dân Việt. Sau quá trình chọn lọc cẩn thận, công phu, đã có 50 bài viết được đưa vào chấm sơ khảo, trong đó có nhiều bài viết phá cách, đề tài mới lạ, không theo lối mòn, kể lể về hoàn cảnh nhân vật như các năm trước. Qua tổng hợp điểm và chấm độc lập của các thành viên, Ban sơ khảo đã công bố công khai 24 tác phẩm có điểm cao nhất, từ đó thống nhất trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho những tác phẩm xuất sắc.

img

Ông Nguyễn Văn Liễu- Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kĩ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ (phải) trao Giải Nhì cho tác giả Dũ Tuấn (Quảng Nam). Ảnh: ĐÀM DUY

Nhà thơ Trần Đăng Khoa – Trưởng Ban giám khảo cho biết, cuộc thi có bao nhiêu tác phẩm, thì có bấy nhiêu bí quyết làm ăn và đều là những bí quyết hay. Trong đó, các giám khảo đều ấn tượng trước những tấm gương từ hai bàn tay trắng đã nỗ lực làm nên cơ nghiệp lớn, thậm chí có người đã từng lầm lỡ, 2 lần tù tội, không những thế còn bị liệt cả hai chân nhưng vẫn tự vượt lên, tự cứu mình và còn nâng đỡ nhiều người cùng cảnh ngộ vượt khó (nhân vật Đỗ Văn Kỳ trong Bay lên từ vực thẳm).

“Đặc biệt, những tác phẩm đoạt giải lần này đã khắc họa rõ nét hình ảnh người nông dân mới với suy nghĩ mới, cách làm ăn mới, tư tưởng tiến bộ, sẵn sàng tiến tới hội nhập, như Hợp tác xã “kiểu ông Ân”. Mỗi cái mới đều phải trả giá, phải vượt qua nhiều khó khăn mới có ngày thành công, chính vì thế chúng tôi đánh giá rất cao những mô hình như vậy, và mong các tác giả chú ý đào sâu hơn nữa để đúc rút những kinh nghiệm thực tiễn thành lý luận, giúp Hội ND, các nhà quản lý tìm ra mô hình mới, chính sách mới hiệu quả cho ND” – nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Tại buổi lễ trao giải, tác giả Trần Văn Việt – người đã đoạt giải Nhất với tác phẩm Hợp tác xã “kiểu ông Ân”, hiện đang công tác tại Vụ Nông nghiệp Nông thôn (Ban Kinh tế T.Ư) cho biết, trong quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về mô hình kinh tế HTX, anh đặc biệt ấn tượng trước cách làm ăn của HTX Quý Hiền (thôn Tả Hà, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, Lào Cai), do ông Phan Quốc Ân sáng lập. “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy ông Ân là đại diện cho hình tượng người nông dân hiện đại: Đơn giản, chất phác nhưng rất am hiểu về kinh tế thị trường, rất sáng tạo và có suy nghĩ mới, dám mạo hiểm thử nghiệm cái mới. Đặc biệt, mô hình HTX do ông quản lý đã hoạt động rất thành công trên cơ sở tự nguyện, lấy hiệu quả kinh tế của thành viên làm mục tiêu của HTX. Điều đó đã thôi thúc tôi viết, để mô hình của ông được đông đảo độc giả biết đến và nông dân có thể học tập” – anh Việt nói.  

Tổ chức thành cuộc thi viết thường niên

Bước xuống từ bục trao giải, tác giả trẻ Dương Dũ Tuấn, sinh năm 1992 (Bình Định) xúc động nói: “Em vô cùng bất ngờ khi tác phẩm “Lão nông 24 năm đắp đường làng cho dân” của mình được trao giải Nhì. Trước đây em thường viết các đề tài mảng xã hội, nhưng khi gặp ông Phạm Thế Mỹ (65 tuổi, trú xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, Quảng Nam), em vô cùng cảm phục. Dù chỉ làm nghề vá xe đạp, nhưng ông đã sẵn sàng bỏ tiền túi ra tự đắp những con đường làng phẳng lì cho người dân đi lại. Rồi ông còn mua máy bơm nước phục vụ việc tưới tiêu cho bà con trong vùng. Viết về gương nông dân điển hình thì dễ, nhưng để viết hay rất khó, vì vậy em đã dành nhiều thời gian trò chuyện với nhân vật, qua đó có thể truyền tải tới bạn đọc những thông tin hấp dẫn nhất”. 

Cùng chung niềm vui, tác giả Nguyễn Nam Hải (Bắc Giang), người đoạt giải Nhì với tác phẩm “Bay lên từ vực thẳm” cho biết: “Trong suốt hơn 10 năm làm báo, lần đầu tiên tôi gặp một người cực kỳ đặc biệt như anh Đỗ Văn Kỳ. Đối với người bình thường, làm kinh tế giỏi đã khó, vì thế tôi không thể tưởng tượng nổi một người liệt hai chân, vào tù ra tội như anh lại có thể trở thành tỷ phú nhờ nuôi chim bồ câu Pháp, xây được ngôi nhà 7 tầng trị giá 4 tỷ đồng cho bồ câu ở. Đó là một nghị lực phi thường. Ban đầu anh Kỳ rất khó chia sẻ, nhưng tôi đã kiên nhẫn trò chuyện, tâm sự, vì vậy đã “khai thác” được ở anh những bí quyết làm ăn quý để chia sẻ với bà con nông dân qua tác phẩm của mình”. 

Ông Lưu Quang Định – Tổng Biên tập Báo NTNN, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi: Chính thức phát động cuộc thi viết lần thứ 3

Từ thành công sau 2 lần tổ chức cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam”, được sự đồng ý của Thường trực T.Ư Hội NDVN, Báo NTNN phối hợp Công ty CP Phân bón Bình Điền chính thức phát động cuộc thi viết “Tự hào Nông dân Việt Nam” lần thứ 3. Theo đó, nội dung cuộc thi năm nay sẽ tập trung tuyên truyền và viết về những gương nông dân năng động, sáng tạo trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai...

Đặc biệt là những nông dân, hội viên nông dân tiêu biểu, nhằm đề cử danh hiệu Nông dân xuất sắc tại cuộc bình chọn “Tự hào Nông dân Việt Nam 2016”. Bên cạnh đó, cuộc thi cũng sẽ khắc họa hình ảnh nông dân có những sáng chế, cải tiến độc đáo về máy móc thiết bị, quy trình canh tác nhằm làm giảm chi phí sản xuất, giảm công lao động...

Bên cạnh viết về chân dung các nông dân, các tác giả còn có thể viết về những tập thể, HTX có những cách làm hay và cả những doanh nhân làm nông nghiệp, có sự liên kết, hỗ trợ bà con nông dân. Tác phẩm dự thi là tác phẩm báo chí theo các thể loại ký, bút ký, phóng sự, ghi chép; viết về người thật việc thật, có độ dài tối đa 2.500 chữ, kèm theo 4 – 5 ảnh và chưa từng được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Thời gian nhận bài dự thi từ ngày 8.10.2015 đến ngày 15.9.2016. Chi tiết về thể lệ cuộc thi sẽ được đăng tải trên Báo NTNN và Báo điện tử Dân Việt của Báo NTNN. 

Tác giả Trần Văn Việt - người đã đoạt giải Nhất với tác phẩm Hợp tác xã “kiểu ông Ân” chia sẻ tại buổi họp báo. (Clip: Trần Quang).

Danh sách các tác phẩm đoạt giải:

Giải Nhất: Hợp tác xã "kiểu ông Ân” - Trần Văn Việt (Hà Nội)

Giải Nhì: Bay lên từ vực thẳm - Sơn Gia Bảo (Bắc Giang).

Giải Nhì: Lão nông 24 năm đắp đường làng cho dân - Dũ Tuấn (Quảng Nam)

3 Giải Ba:

Người giúp nhà nông vơi bớt nhọc nhằn - Tân Tiến (TP.Hồ Chí Minh)

Chuyện lạ về tỷ phú vùng 3 - Song Nguyên (Hà Nội)

Cả đời đắm đuối với rừng - Huy Hoàng (Tuyên Quang)

5 Giải Khuyến khích:

Ông chủ trại gà biến chất thải thành điện - Cẩm Châu (Đà Nẵng)

Cơm đùm, gạo bới lên núi chăn vọoc - Thanh Phương (Quảng Bình)

Gặp nông dân được Chủ tịch nước tặng huân chương - Chúc Ly (Cần Thơ)

Chàng trai đắm say với Quý Phi gà - Hồng Vũ (Hà Nội)

Cánh đồng lớn giữa Đồng Tháp Mười – Trần Trọng Trung (Đồng Tháp)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem