Tiếp sức để nông dân hội nhập, làm ăn lớn

Thanh Xuân (Thực hiện) Thứ hai, ngày 19/10/2015 13:30 PM (GMT+7)
63 nông dân xuất sắc đến từ các vùng, miền cả nước vừa được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tổ chức vinh danh tại Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta cần tôn vinh thêm nhiều ND hơn nữa, để họ có thể “cất cánh” vươn xa.
Bình luận 0

Vậy sau tôn vinh, chúng ta cần có những chính sách gì để hỗ trợ ND tiếp tục vươn lên làm giàu, trở thành hình mẫu người ND thời đại mới? PV NTNN đã có cuộc trò chuyện với ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Ông Hùng cho biết: Trước đây, chúng ta có rất nhiều hoạt động tôn vinh ND trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, song kể từ đó trở lại đây có rất ít ND được tôn vinh. Do đó, tôi ủng hộ và đánh giá cao Chương trình tôn vinh ND xuất sắc của T.Ư Hội NDVN. Cách tổ chức tôn vinh như vừa rồi là rất quy mô và trang trọng, nhưng chỉ tiếc là số lượng những ND được tôn vinh còn khiêm tốn, đáng ra chúng ta có thể lựa chọn nhiều hơn nữa.

img

  Niềm vui của các đại biểu nông dân Việt Nam xuất sắc 2015 trong đêm tôn vinh 14.10. Ảnh: Lê Hữu Thọ

Cũng có ý kiến cho rằng, tôn vinh là một hành động mang tính “bề nổi” và đằng sau đó, chúng ta (cụ thể là Nhà nước) cần có nhiều hơn nữa những chính sách để hỗ trợ họ tiếp tục làm ăn, mở rộng sản xuất. Ông suy nghĩ ra sao về điều này?

- Đúng vậy, điều quan trọng hơn là sau tôn vinh, làm sao phải giúp những “hình mẫu” ND đã được tôn vinh tiếp tục phát triển để lan toả và tạo ra ảnh hưởng lớn của họ trong cộng đồng. Đồng thời, từ những nhân tố này, tạo ra thêm nhiều loại hình sản xuất kinh doanh, nhiều phương pháp, cách thức làm giàu khác… thì mới bền vững và lâu dài. Tôi cho rằng, cần tiếp tục mở rộng chương trình tôn vinh hơn nữa để mỗi địa phương có vài ba người đại diện cho nhiều lĩnh vực khác nhau của sản xuất nông nghiệp được tôn vinh.

Được bày tỏ ý kiến, rất nhiều ND được tôn vinh mong muốn mở rộng sản xuất, nhưng đất thì không xin được, còn vốn cũng không vay được, dù họ có đủ trình độ, tri thức để phát triển, làm ăn. Theo ông, cần tháo gỡ những bức xúc này cho ND như thế nào?

- NDVN được đúc kết các đức tính chăm chỉ, cần cù, không ngại khổ, ngại khó… tuy nhiên tất cả những gì họ làm được đều đã làm rồi nên những cái họ không thể làm được rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chính sách hỗ trợ cho ND nhưng thực ra ND vẫn chưa tiếp cận được hoặc chưa được hưởng thụ trọn vẹn.

Các chính sách quá rắc rối, khó tiếp cận hoặc chính sách có nhưng nguồn lực không có nên người dân không được hưởng thụ. Ngay chính sách vay vốn, dù đã sửa đổi một lần nhưng quy định vay vốn không thế chấp nếu thống kê ra chắc số ND vay được cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay và chắc chắn không có ND nào vay được 500 triệu đồng bằng tín chấp... 

Hội NDVN đang xây dựng hình mẫu người ND thời đại mới. Để thực hiện được điều này, theo ông Nhà nước cần có những chính sách cụ thể ra sao để “tiếp sức” cho ND?

"  Hiện chính sách của chúng ta quá rườm rà, cơ chế “xin cho” còn quá nặng nề như kiểu ban ơn cho người ND, cần phải sửa đổi ngay. Hỗ trợ cái gì cần thể hiện rõ và thực hiện đến nơi đến chốn để ND được hưởng thụ”.
Ông Hồ Xuân Hùng

- Tôi có đi một số nước thấy họ hỗ trợ cho nông nghiệp, ND rất cụ thể, ví dụ ở Malaysia hỗ trợ cho ND trồng cây cọ dầu nên hiện tại loại cây này rất phát triển. Trong khi ở Việt Nam, người dân làm hàng thủ công xuất khẩu từ bèo tây vẫn phải đóng thuế thì sao phát triển được. Tôi cho rằng, đối với những nghề sát với ND, giúp họ làm giàu thì nên bỏ thuế.

Khi đã phát hiện ra được các ND tiêu biểu rồi thì phải tìm hiểu thật cụ thể, họ cần kíp nhất cái gì thì phải hỗ trợ để họ tiếp tục phát triển. Ví dụ trong sản xuất nông nghiệp, Nhà nước cần hỗ trợ từ  giống tốt, hỗ trợ công nghệ thu hoạch, công nghệ bảo quản, chế biến… để nâng giá trị sản phẩm, chống rủi ro cho ND thì thu nhập của họ sẽ tăng cao.

Nhiều ND xuất sắc vừa qua cho biết, để đạt được kết quả sản xuất, kinh doanh như ngày hôm nay họ đều phải “tự bơi” và nhiều lúc họ cũng không còn đủ sức. Vậy chúng ta có nên để họ “tự bơi” mãi không?

- Từ trước tới nay, chủ yếu ND vẫn phải “tự bơi” từ sản xuất, thu hoạch đến tiêu thụ. Tuy nhiên, nếu cứ để họ “bơi” trong thời kỳ hội nhập thì ngay cả những ND xuất sắc cũng khó có thể thành công. Do đó, cái ND cần là phải tổ chức lại sản xuất cho họ. Theo tôi, trước hết phải tổ chức lại từ lực lượng sản xuất đến quan hệ sản xuất, còn câu chuyện dồn điền đổi thửa chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ, nhưng không thể tích tụ đất đai lớn được. Ngay như chương trình cánh đồng lớn đã tạo ra quy mô sản xuất rất lớn mà không cần dồn điền đổi thửa.

Tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là phải kéo được doanh nghiệp vào nông nghiệp, tạo liên kết để ND chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và từ khâu sản xuất tới tiêu thụ ND không phải “tự bơi” nữa.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem