"Mỏ vàng" từ nhiều loại cây gia vị quý đang bị lãng phí
"Mỏ vàng" từ nhiều loại cây gia vị quý đang bị lãng phí
Nguyên Vỹ
Thứ tư, ngày 22/03/2023 06:30 AM (GMT+7)
Việt Nam đang có nhiều loại gia vị xếp “top” đầu trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, việc thiếu một hiệp hội ngành hàng hậu thuẫn, điều hành cũng như nghiên cứu thông tin, dự báo thị trường là nguyên nhân khiến ngành hàng gia vị Việt Nam chưa thể tận dụng được các lợi thế để phát triển xứng tầm.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, bên cạnh mặt hàng hồ tiêu đang dẫn dắt thị trường quốc tế, Việt Nam còn rất nhiều gia vị khác có thế mạnh phát triển, như quế, hồi, ớt…
Quế hiện được sản xuất ở một số ít quốc gia trên thế giới.Trong đó, Indonesia dẫn đầu với sản lượng chiếm khoảng 41%, tiếp đến là Trung Quốc 33%, Việt Nam 14%. Nhu cầu về quế đang tăng nhanh hơn mức tăng nguồn cung trên toàn cầu, với mức tăng từ 8-12% mỗi năm. Sự mất cân đối giữa cung và cầu đã khiến giá quế liên tục tăng cao, nhất là từ 2016 đến nay.
Tại Việt Nam, quế hiện là nguồn sinh kế của hàng trăm nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhiều địa phương.
Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết, xuất khẩu quế của Việt Nam tăng đều qua từng năm. Cụ thể, năm 2019, lượng quế xuất khẩu đạt 62.000 tấn, kim ngạch đạt 180 triệu USD. Đến năm 2022, xuất khẩu quế đạt 77.786 tấn, kim ngạch 291,6 triệu USD, chiếm 25% thị phần thế giới.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng theo đánh giá sơ bộ, thực tế phát triển của hồ tiêu và các loại cây gia vị của Việt Nam mới chỉ tương ứng với khoảng 50% tiềm năng. Điều đó có nghĩa nếu được quan tâm phát triển đúng mức, kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu và các loại gia vị có thể đạt đến 2-3 tỷ USD/năm.
Hay như hoa hồi, Việt Nam cũng là nước đứng thứ 2 thế giới (sau Trung Quốc) về sản lượng hoa hồi. Hoa hồi được trồng nhiều ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Quảng Ninh… với sản lượng hàng năm ước đạt 20.000 tấn trên diện tích trồng khoảng 60.000ha. Hồi là cây có giá trị kinh tế cao, được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực như dược liệu, hương liệu, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ…
Thị trường tiêu thụ hồi Việt Nam cũng rộng lớn, như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước Đông Nam Á. Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hồi lớn thứ 3 thế giới, với sản lượng đóng góp khoảng 13%, kim ngạch 72,9 triệu USD năm 2022.
Tiềm năng phát triển dồi dào là thế, nhưng các loại cây gia vị ở Việt Nam gặp phải khó khăn về giống, quy hoạch phát triển và tiếp cận thị trường, về phương thức canh tác bền vững,thông tin dự báo và nghiên cứu thị trường. Trong đó, trở ngại lớn nhất là không có được sự hậu thuẫn, hỗ trợ của một tổ chức ngành hàng với vai trò kết nối sản xuất và tiêu thụ, giúp kịp thời phát hiện các vấn đề phát sinh để tư vấn cũng như đưa ra kiến nghị với các cơ quan, ban ngành.
"Vì thiếu vai trò dẫn dắt, điều phối nên hiện ngành gia vị vẫn phát triển tự phát dựa trên nguồn lực của từng cá thể, ở mức độ riêng lẻ, chưa có kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp và địa phương, giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa doanh nghiệp và bà con nông dân. Đó là chưa kể khả năng xung đột lợi ích giữa các doanh nghiệp làm suy yếu khả năng cạnh tranh, bị khách hàng ép giá trên thị trường" - bà Liên phân tích.
Làm gì để khai thác hết tiềm năng?
Theo các chuyên gia, trên thế giới chỉ có một số quốc gia có điều kiện thời tiết, đất đai thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây hồ tiêu và các loại cây gia vị khác, trong đó có Việt Nam. Trong khi đó, sau đại dịch Covid-19, nhận thức và nhu cầu về các loại gia vị trong việc tăng cường sức khỏe, tăng khả năng miễn dịch, chống chọi với dịch bệnh đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu nhập khẩu các loại gia vị, ở cả châu Âu, Mỹ cũng như nhiều nước khác.
Tuy nhiên, đến nay những đặc sản gia vị này vẫn chưa được định vị rõ nét trên bản đồ gia vị thế giới. Giá trị thu về từ cây gia vị của nông dân còn hạn chế do bán ở dạng nguyên liệu và qua trung gian.
Tại hội nghị bất thường mới đây, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam chính thức đổi tên thành Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam. "Với lực lượng các doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường quốc tế, có cơ sở vật chất được đầu tư hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng với chuyên môn và ngoại ngữ tốt, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh và hỗ trợ đắc lực cho ngành hàng gia vị trong quá trình phát triển" - bà Hoàng Thị Liên nói.
Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương Mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, khi "kết nạp" thêm lĩnh vực gia vị làm thành viên, Hiệp hội Hồ tiêu và Gia vị Việt Nam cần chủ động phối hợp với các bộ ngành xây dựng và tổ chức, lựa chọn các doanh nghiệp tham gia vào xúc tiến thương mại có hiệu quả, tính lan rộng cao.
Ngoài ra, ông Tài lưu ý cần thường xuyên theo dõi, đánh giá và cập nhật các thông tin, số liệu liên quan đến thị trường sản xuất, thương mại của các mặt hàng gia vị, tình hình sản xuất và dự báo thời vụ, tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp được trao đổi thông tin.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) nhận định, bên cạnh hồ tiêu thì các cây gia vị đã trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong bữa ăn của người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo (chiếm 1/4 dân số thế giới). "Việc đổi tên Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam thành Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị không chỉ là tên gọi, danh xưng mà là thay đổi cách nhìn và vị thế của một ngành hàng. Hy vọng, với kinh nghiệm và tiềm lực sẵn có, các doanh nghiệp hồ tiêu sẽ cùng nhau xây dựng và phát triển ngành hàng gia vị tương xứng với tiềm năng vốn có" - ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.