“Mỏ vàng” từ rừng gỗ lớn: Gỗ đẹp, bán giá cao

Lê Sỹ Hồng Thứ sáu, ngày 11/10/2019 13:40 PM (GMT+7)
Thay vì trồng rừng gỗ nhỏ, nhiều nông dân tỉnh Yên Bái đã mạnh dạn tham gia trồng rừng gỗ lớn, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế, giá trị của rừng. Đi dọc các huyện Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, rất dễ bắt gặp những lô rừng gỗ lớn, thân cây to, thẳng tắp.
Bình luận 0

Gỗ đẹp, giá cao

Thực hiện dự án “Xây dựng mô hình trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn” giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh Yên Bái đã trồng được 114ha rừng thâm canh gỗ lớn, với 90 hộ gia đình tham gia tại 8 xã của 2 huyện Yên Bình và Trấn Yên, chuyển hóa 216ha rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn với 185 hộ gia đình tham gia tại 7 xã của các huyện Trấn Yên, Yên Bình, Văn Chấn và Lục Yên.

img

img

Người dân thấy được lợi ích, hiệu quả kinh tế của rừng gỗ lớn nên tích cực tham gia. Ảnh: Sỹ Hồng

Thời điểm bắt đầu triển khai, nhiều người còn nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của mô hình, bởi theo tập quán canh tác của các chủ rừng đối với rừng keo lai và keo tai tượng chỉ sau 5 - 7 năm là khai thác. Nhờ tích cực tuyên truyền vận động và tham quan học tập các mô hình trình diễn, người dân thấy được lợi ích, hiệu quả kinh tế của rừng gỗ lớn nên tích cực tham gia. Sau 5 năm thực hiện, các mô hình đã cho thấy sự khác biệt.

Đơn cử như mô hình rừng trồng keo tai tượng Úc xuất xứ Pongakii tại các xã Tân Hương, Tân Nguyên (huyện Yên Bình), Việt Cường (huyện Trấn Yên), rừng trồng từ tháng 4/2016, mật độ trồng 1.330 cây/ha, khi cây được 30 tháng tuổi, chiều cao bình quân đạt 12m, đường kính bình quân 14cm, trữ lượng 122,7m3/ha.

Đối với mô hình chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn tại xã Việt Cường, sau khi có sự điều chỉnh về mật độ cây trồng 2 lần, tạo không gian dinh dưỡng, đã có sự khác biệt về chiều cao và đường kính, trữ lượng gỗ bình quân đạt 133,5m3/ha.

Ông Phạm Tiến Sỹ (thôn Ngòi Vồ, xã Tân Hương) cho biết, gia đình ông tham gia dự án trồng rừng thâm canh gỗ lớn với diện tích 2ha keo tai tượng, được dự án khuyến nông Trung ương hỗ trợ về giống cây trồng, phân bón, tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng. Đến nay, rừng đang sinh trưởng tốt, chiều cao vút ngọn trung bình khoảng 13m, đường kính bình quân 15cm, giá bán gỗ lại cao hơn 2 - 3 lần so với gỗ nhỏ và giảm được một lần đầu tư trồng lại rừng.

Bà Lê Thị Đông (thôn 3 xã Việt Cường) cho biết thêm, gia đình bà có 10ha đất rừng, trước đây thường trồng keo tai tượng với mật độ 3.300 cây/ha để kinh doanh gỗ nhỏ, chu kỳ 6 - 7 năm thì khai thác, giá trị đạt khoảng 80 triệu đồng/ha chưa tính chi phí đầu tư, thu nhập bình quân 10 - 12 triệu đồng/ha/năm.

Sau khi tham gia lớp tập huấn, bà mạnh dạn chuyển đổi 5ha rừng trồng năm 2011 sang kinh doanh gỗ lớn, tỉa thưa đợt đầu được 100 tấn, sau khi trừ chi phí, sản phẩm tỉa thưa đã thu về 70 triệu đồng.

Sau khi khai thác tỉa thưa 2 lần, cây rừng sinh trưởng phát triển mạnh, mật độ hiện tại còn khoảng 700 cây/ha, đường kính bình quân 20cm, chiều cao bình quân 16m. Bà Đông hy vọng sau 4 năm nữa, rừng khi đó 12 tuổi đạt đường bình quân 23 - 25cm, trữ lượng đạt trên 300m3/ha, rừng khi đó sẽ bán với giá gỗ lớn từ 2 - 3 triệu đồng/m3.

Còn nhiều tiềm năng

Ông Kiều Tư Giang - Phó Chi cục trưởng - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh Yên Bái có 469.857ha đất quy hoạch cho lâm nghiệp, chiếm 68,2% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác trồng rừng, phát triển rừng ngày càng được quan tâm, chú trọng. Nhờ đó, đã hình thành được vùng gỗ nguyên liệu, vùng cây đặc sản, góp phần đưa sản xuất lâm nghiệp trở thành nghề chính và nông dân làm giàu được từ nghề rừng.

Hàng năm, toàn tỉnh trồng trên 15.000ha rừng các loại, tuy diện tích và sản lượng gỗ rừng trồng sản xuất đã tăng lên nhưng chủ yếu là diện rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ với chu kỳ 5 - 7 năm, sản phẩm cung cấp cho thị trường nguyên liệu giấy, dăm gỗ, ván bóc, tỷ lệ gỗ xẻ chỉ chiếm từ 25 - 30% nên hiệu quả kinh tế tăng thêm trên một đơn vị diện tích còn thấp; đa phần người dân và doanh nghiệp trồng rừng chưa áp dụng triệt để các giải pháp về kỹ thuật và chính sách đầu tư để phát triển rừng trồng gỗ lớn.

Nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh đã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển các vùng trồng rừng gỗ lớn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đến năm 2025, hình thành và phát triển ổn định vùng kinh doanh gỗ lớn với quy mô 11.875ha, đáp ứng nhu cầu gỗ lớn phục vụ chế biến sâu và xuất khẩu. Đưa năng suất bình quân rừng trồng kinh doanh gỗ lớn bằng cây sinh trưởng nhanh đạt 20m3/ha/năm, trữ lượng từ 180m3/ha trở lên với chu kỳ 12 năm, đối với cây sinh trưởng chậm, năng suất bình quân đạt trên 10m3/ha/năm.

Để đạt được mục tiêu này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã đưa ra các giải pháp tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường của rừng gỗ lớn; khuyến khích người dân sử dụng các giống mới có năng suất cao, giống tiến bộ kỹ thuật cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình liên kết đầu tư kinh phí trồng rừng thâm canh gỗ lớn nhằm phát triển diện tích rừng gỗ lớn cho tương xứng với tiềm năng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem