Mổ xẻ vụ chìm canô ở Cần Giờ

Thứ ba, ngày 13/08/2013 06:26 AM (GMT+7)
Chiều 12.8, vụ chìm canô ở Cần Giờ được nhiều thành viên UBTVQH đưa ra làm dẫn chứng và mổ xẻ, phân tích sâu.
Bình luận 0
Chiều 12.8, sau khi khai mạc phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa.

Vụ chìm canô ở Cần Giờ được nhiều thành viên UBTVQH đưa ra làm dẫn chứng và mổ xẻ, phân tích sâu.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông – Vận tải Đinh La Thăng, qua 8 năm thực thi, Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 cũng bộc lộ những hạn chế cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vì không còn phù hợp với tình hình thực tế như quy định về phạm vi điều chỉnh; quy định về nồng độ cồn có trong máu hoặc hơi thở khi làm việc trên phương tiện…

Bộ trưởng Thăng cũng cho biết, thực tế hiện nay, cả nước có hơn 80.577km sông, kênh, rạch, trong đó có gần 42.000 km có hoạt động giao thông vận tải. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước mới tổ chức, quản lý được hơn 19.000km (chiếm tỷ lệ 45% số km có hoạt động giao thông đường thủy) do khó khăn về kinh phí, đặc biệt đối với các địa phương.

An toàn tại các chuyến đò ngang vẫn còn bị bỏ ngỏ (ảnh minh họa).
An toàn tại các chuyến đò ngang vẫn còn bị bỏ ngỏ (ảnh minh họa).

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, dự thảo luật còn nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ, Bộ quy định (có 16/36 điều giao Chính phủ hoặc các bộ quy định). “Đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát lại các quy định nêu trên theo hướng hạn chế tối đa việc giao lại cho Chính phủ và Bộ hướng dẫn chi tiết thi hành; đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tạo cách hiểu thống nhất để thuận lợi trong triển khai thực hiện” - Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng yêu cầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai quan tâm tới vấn đề tai nạn giao thông đường thuỷ nội địa. Bà Mai dẫn chứng ngay ở quê hương mình có tới 9 tuyến đò ngang nhưng chẳng có ai quản lý, người đi không có phao và không đòi phao. Có gió lớn, lốc là chìm ngay, vậy mà chưa thấy luật bao quát vấn đề này.

“Luật cần quy định chặt chẽ hơn về chuyện đò ngang, chứ cứ mặc cho xã cấp phép là không ổn mà đợi cầu thì vài thập kỷ nữa mới có”- bà Mai đề nghị. Bà Mai cũng cho rằng vừa qua, vụ tai nạn xảy ra ở biển Cần Giờ làm 9 người chết cũng một phần có nguyên do từ đây.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước thì yêu cầu: “Đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm thì đi bo bo cũng phải mặc áo phao. Ghe nào sai thì phạt. Như vụ chìm canô ở Cần Giờ vừa qua, canô chỉ được chở 15 nhưng chở tới 30 người, áo phao không đủ. Luật cần quy định rõ ràng hơn, bổ sung chế tài để xử lý cương quyết”.

"Luật cần quy định chặt chẽ hơn về chuyện đò ngang, chứ cứ mặc cho xã cấp phép là không ổn mà đợi cầu thì vài thập kỷ nữa mới có”.
Bà Trương Thị Mai
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn thì đề cập tới trách nhiệm cứu hộ, cứu nạn. “Như vụ Cần Giờ vừa qua, có 2 tàu biết vụ tai nạn mà bỏ đi, ở trên bờ cũng có tình trạng này. Vậy mà không thấy dự thảo luật quy định trách nhiệm ra sao”.

Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Điều 7 của dự thảo luật đã quy định nhưng sẽ điều chỉnh làm rõ hơn. Tuy nhiên, quy định hiện hành cũng đã đủ chế tài xử lý các cá nhân trên 2 tàu bỏ mặc nạn nhân trong vụ chìm canô ở Cần Giờ.

Hải Phong (Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem