Mobile Money phát triển thần tốc, khách hàng chủ yếu ở nông thôn, miền núi
Mobile Money phát triển thần tốc, khách hàng chủ yếu ở nông thôn, miền núi
Khải Phạm
Thứ năm, ngày 09/03/2023 10:33 AM (GMT+7)
Người Việt Nam ngày càng sử dụng nhiều các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày và Mobile Money đang dần phủ sóng ngay cả nông thôn, miền núi.
Mobile Money là hình thức thanh toán các giao dịch không dùng tiền mặt đang dần phổ biến ở Việt Nam trong những năm gần đây. Hình thức này được các nhà mạng triển khai và sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán mang đến nhiều tiện lợi cho người dùng.
Sự tiện lợi của Mobile Money đối với cuộc sống
Ngày nay, người dân có nhiều lý do để không mang trong người quá nhiều tiền mặt, thậm chí không mang mà vẫn có thể đi chợ, mua bán, giao dịch một cách dễ dàng chỉ với một chiếc smartphone có kết nội mạng để sử dụng Mobile Money.
"Tôi không sử dụng tài khoản ngân hàng bởi không có nhiều giao dịch lớn mà giờ chỉ dùng dịch vụ Mobile Money của nhà mạng. Ở quê giờ cửa hàng nào hay ở chợ đều có mã quét QR để thanh toán rất tiện lợi. Điểm tôi thích hình thức này là bởi dùng chung tài khoản với điện thoại, nạp tiền vừa gọi được lại thanh toán khi đi chợ rất tiện lợi", chị Trần Nga tại xã Bình Nguyên, Kiến Xương, Thái Bình.
Mobile Money đã thâm nhập vào đời sống của người dân từ thành thị đến nông thôn bởi sự tiện lợi, giao dịch nhanh chóng của mình.
"Trước đây, tôi cứ nghĩ người thành phố mới sử dụng chuyển khoản để thanh toán, nhưng giờ đi đâu cũng có thể sử dụng. Thậm chí, tôi rất ít khi mang tiền mặt theo người, dù là mua mớ rau, con cá cũng có thể chuyển khoản", anh Nguyễn Bình chia sẻ.
Ngoài việc tiện lợi cho những món hàng thanh toán nhỏ, lẻ, Mobile Money còn giúp việc chuyển tiền của người dân trở nên dễ dàng hơn ngay cả những khoản lớn.
"Từ con tôi hướng dẫn sử dụng Mobile Money, tôi không còn phải lên ngân hàng huyện để gửi tiền học cho con hàng tháng nữa mà chỉ cần ở nhà. Đây là một trong những hình thức tiện lợi để người dân ở đâu cũng có thể sử dung", cô Phương Hoa chia sẻ.
Những hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phổ biến hiện nay ở nước ta còn khiến Việt kiều cảm thấy ngỡ ngàng sau nhiều năm trở về nước.
Mỹ Hà, Việt kiều sinh sống ở Đức mới về Việt Nam chia sẻ: "Gia đình tôi sang Đức định cư 10 năm và mới trở lại trong dịp Tết này và thấy nước mình có quá phát triển. Bất ngờ nhất là đi đâu cũng không cần tiền mà người dân bây giờ chuyển khoản, thanh toán Mobile Money với chỉ 1 lần quét mã QR và bên kia nhận được luôn. Trong khi đó, ở Đức vẫn chủ yếu dùng tiền mặt để thanh toán, chuyển khoản cũng phải mất 1-2 ngày mới nhận được. Rõ ràng, ở khía cạnh này, Việt Nam triển khai rất tốt giúp người dân cảm thấy thuận lợi hơn trong mua bán hàng hóa".
Người dùng Mobile Money tăng nhanh, xóa nhòa nông thôn, thành thị
Theo thông tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), tính đến 31/1/2023, số lượng người dùng Mobile Money trên cả nước đã đạt hơn 3,2 triệu khách hàng, tăng 14% so với tháng 12/2022 và tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ tháng 1/2022.
Số liệu của Bộ TT&TT cũng cho biết, có đến 2,25 triệu khách hàng ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... sử dụng Mobile Money, chiếm 70% tổng số lượng người dùng trên toàn quốc. Đặc biệt, tổng số lượng giao dịch bằng tài khoản Mobile Money đạt lũy kế hơn 20 triệu giao dịch với giá trị hơn 1.372 tỷ đồng.
Những con số trên cho thấy sự phát triển mạnh mẽ, đồng bộ của Mobile Money ở thành thị và nông thôn dù dịch vụ này mới được triển khai tử tháng 11/2021.
Sự xuât hiện của Mobile Money được coi là bước ngoặt quan trọng trong lộ trình phát triển các loại hình thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam. Mobile Money cũng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, công dân số mà Việt Nam đang triển khai và đặt mục tiêu năm 2023 sẽ có những kết quả.
Ở Việt Nam, các nhà mạng đều đồng loạt triển khai ứng dụng Mobile Money và tiếp cận đến mọi người dân cả ở nông thôn, miền núi. Các nhà mạng đã triển khai nhiều chương trình đưa Mobile Money về các xã, huyện... vào các khu chợ truyền thống để tăng cường tính nhận diện giúp người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ hơn.
Sau gần 2 năm triển khai, Mobile Money được đánh giá có tiềm năng là vô cùng lớn khi có tới 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lại chỉ tập trung ở các đô thị lớn. Việc người dân sử dụng Mobile Money cũng giúp đẩy mạnh quá trình số hóa tài chính ở Việt Nam để không ai bị bỏ lại phía sau mà được sử dụng những dịch vụ tiện ích tốt và chất lượng nhất.
Được biết, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đang có khoảng 99,6 triệu thuê bao điện thoại di động smartphone, con số này đã tăng 7,36% so với cùng kỳ năm ngoái 2021, tăng 7,1 triệu thuê bao. Thuê bao băng rộng di động ước đạt 85,79 triệu (86,3 thuê bao/100 dân), tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái (tăng 10,55 triệu thuê bao). Trong khi đó, những thuê bao di động sử dụng máy đời cũ không phải smartphone là 23 triệu, giảm 3,8 triệu thuê bao so với cùng kỳ năm ngoái.
Việc tỷ lệ điện thoại "cục gạch" giảm, gia tăng smartphone cho thấy đời sống người dân đang có những bước phát triển mạnh mẽ. Gia tăng tỷ lệ smartphone sẽ giúp chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt nư Mobile Money càng được thúc đẩy và gia tăng số lượng người dùng trong tương lai.
Mobile Money sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn để không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số quốc gia mà Việt Nam đang theo đuổi./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.