Mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư

Trần Linh Thứ tư, ngày 12/10/2022 20:05 PM (GMT+7)
Vừa qua, tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ (tỉnh Nam Định), các cơ quan quản lý trung ương và địa phương cùng người dân đã có sự chung tay, phối hợp để bảo vệ sự đa dạng sinh học tại địa phương.
Bình luận 0

Nhiếp ảnh gia - nghệ sĩ tôn vinh, lưu giữ vẻ đẹp của các loài chim hoang dã, di cư

Là người con Nam Định với tình yêu đặc biệt dành cho các loài chim di cư, nhiếp ảnh gia Kiều Đức Chung đã dùng số tiền thương binh của mình để mua bộ ống kính chụp ảnh, lưu giữ lại những khoảnh khắc các chú chim tránh rét bay về phương nam.

Mỗi năm, đến mùa chim di cư bay về, ông lại lặn lội, đến thăm từng chủ đầm, trò chuyện với họ để họ hiểu được tầm quan trọng của việc ưu tiên môi trường sống của các loài sinh vật này và khuyến khích họ nhường lại không gian sinh sống cho các loài chim trong mùa di cư của chúng.

Mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư - Ảnh 1.

Nhiếp ảnh gia Kiều Đức Chung phát biểu trong Chương trình chào mừng Ngày quốc tế Chim di cư. Ảnh: Trần Linh.

"Năm ngoái tôi đến Thái Bình, cách một con sông, bên đó được phép bắt chim và bắn chim. Rất mong cuối năm nay, các ban ngành có sự tác động, quản lý để cò về. Tôi rất yêu cò mỏ thìa, cách đây ba năm, tôi chụp được các chú cò, nhưng hai năm trở lại đây, tôi đảm bảo rằng cò mỏ thìa hạn chế về đất mình. Nếu như chúng ta không có cách khuyến khích thì tôi tin rằng tình trạng này sẽ kéo dài".

Ông Chung cũng tự nguyện tặng toàn bộ ảnh tư liệu chụp được cho Vườn Quốc gia Xuân Thủy để làm tư liệu cho các cán bộ và người dân khi tuyên truyền và tìm hiểu về các loài chim hoang dã, di cư.

Mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư - Ảnh 2.

Hình ảnh cò mỏ thìa được nhiếp ảnh gia Kiều Đức Chung chụp tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Kiều Đức Chung.

Trong buổi tọa đàm "Công tác bảo tồn chim hoang dã và di cư" diễn ra ngày 8/10, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chia sẻ: "Nhà nhiếp ảnh cũng tham gia vào công việc bảo tồn. Khi chụp bức ảnh những con chim đẹp, lung linh như vậy, chắc người ta sẽ bớt sát hại nó đi. Nhà nhiếp ảnh họ tôn vinh thiên nhiên, đồng thời gieo tình yêu thiên nhiên, và chống lại việc tàn sát môi trường".

Mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư - Ảnh 3.

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng (bên trái ảnh), phóng viên Báo Nông thôn Ngày nay/ Điện tử Dân Việt bày tỏ quan điểm trong tọa đàm "Công tác bảo tồn chim hoang dã và di cư. Ảnh: Trần Linh.

Bạn Trần Thị Khánh Linh, trưởng nhóm Mắt Xanh – Thanh niên vì môi trường (Quỹ Vì Tầm Vóc Việt) bày tỏ quan điểm: "Sự kết hợp giữa những hình ảnh các loài chim hoang dã, di cư với các kênh truyền thông chính là một cách tuyên truyền hữu hiệu trong công cuộc bảo vệ sự đa dạng sinh học. Nhưng chỉ nâng cao nhận thức người dân thôi là chưa đủ. Nếu không có những hành động cụ thể, có lẽ chỉ vài năm nữa, những chú chim sải cánh bay sẽ chỉ còn lại trong những tấm ảnh tư liệu mà thôi".

Công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư còn gặp nhiều thách thức

Kiểm lâm viên Mai Xuân Trung công tác tại Trạm kiểm lâm Giao Xuân Hải 27 năm, gắn bó với công việc bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư tại Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học còn tồn đọng nhiều vấn đề.

"Thứ nhất, trước những năm 2000, cả ngày ở ngoài biển không có một bóng người, đêm không có tiếng ồn. Hiện nay, do phát triển kinh tế cùng áp lực dân số, người dân hát, đánh cá, tiếng máy nổ suốt đêm.

Thứ hai, một số sinh cảnh sống bị thu hẹp do áp lực về kinh tế. Nhiều động vật, sinh cảnh bị suy giảm về số lượng loài và số lượng cá thể.

Mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư - Ảnh 4.

Kiểm lâm viên Mai Xuân Trung chia sẻ khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ bảo tồn chim hoang dã, di cư do các yếu tố khách quan và chủ quan. Ảnh: Trần Linh.

Thứ ba, vùng lân cận Vườn Quốc gia Xuân Thủy như dọc sông Hồng, Thái Bình, trong địa phương tỉnh quản lý nhưng cơ chế hơi khác, kiểm lâm không thể quản lý những vùng đó được.

Thứ tư, là kiểm lâm Vườn Quốc gia và kiểm lâm địa bàn khác có chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ khác nhau. Khi người dân khai thác thủy sản trong vùng, có săn bắt, bẫy chim nhưng kiểm lâm không thể xử lý được do không phải trong khu vực quản lý".

Theo ông Trung, cần hạn chế hoạt động người dân sinh sống ở khu vực lân cận Vườn Quốc gia và có những thông tư phù hợp hơn, tránh chồng chéo để giải quyết được các thách thức đang gặp phải.

Mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư - Ảnh 5.

Hình ảnh chim di cư tại Vườn Quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Trần Linh.

Đại diện lực lượng cảnh sát môi trường tỉnh Nam Định cho biết: "Trong 2 năm gần đây, lực lượng cảnh sát môi trường chủ yếu xử lý hình sự đối với hành vi săn bắt trái phép động vật hoang dã, không xử lý vi phạm hành chính. Gần đây, ngày 23/9, đơn vị mới khởi tố trường hợp nuôi nhốt động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh Nam Định. Điều đó cho thấy sự mạnh tay xử lý vi phạm, phòng chống, đấu tranh bảo vệ động vật hoang dã".

Ngoài việc thực hiện các chức năng của một Vườn Quốc gia điển hình với hệ sinh thái đất ngập nước, Vườn Quốc gia Xuân Thủy còn thực hiện tốt các cam kết quốc tế với vai trò là khu Ramsar đầu tiên của khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Rừng ngập mặn ở Vườn Quốc gia Xuân Thủy đã và đang thực hiện rất tốt chức năng của một hệ sinh thái trù phú như cố định phù sa, cung cấp môi sinh, phòng chống bão lũ và đóng vai trò như một vườn ươm giống.

Mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư - Ảnh 6.

Ông Phạm Vũ Ánh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Trần Linh

Ông Phạm Vũ Ánh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy phát biểu trong tọa đàm "Công tác bảo tồn chim hoang dã và di cư": "Nhận thức rõ những lợi ích cũng như vai trò của rừng ngập mặn đối với hệ sinh thái các loài chim di cư, Ban Quản lý Vườn Quốc gia xác định, bảo vệ Vườn Quốc gia Xuân Thủy cũng chính là bảo vệ môi trường sống, nơi trú chân của các loài chim hoang dã, di cư, từ đó tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và địa phương trong công tác bảo vệ, triển khai nhiều hoạt động để sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng ngập mặn của khu vực. Kết quả, những năm gần đây, rừng ngập mặn tại khu vực được gìn giữ và tôn tạo khá tốt".

Vườn Quốc gia Xuân Thủy là vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển vùng đất ngập nước Đồng bằng Châu thổ sông Hồng. Chính vì vậy, sự phối hợp giữa các địa phương trong việc bảo vệ đa dạng sinh học là vô cùng cấp bách.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học chia sẻ: "Lần đầu tiên, nước ta có một Chỉ thị riêng (Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 17/5/2022) được ban hành để bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, điều này thể hiện sự quan tâm lớn của Chính phủ về vấn đề này.

Mỗi cá nhân có trách nhiệm bảo vệ chim hoang dã, di cư - Ảnh 7.

TS. Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, phát biểu khai mạc chương trình chào mừng Ngày quốc tế Chim di cư. Ảnh: Trần Linh

Chúng tôi rất vui mừng khi thấy rằng, Chỉ thị nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nhân dân. Tại nhiều địa phương, nhiều chiến dịch triệt phá các tụ điểm buôn bán chim hoang dã được triển khai. Việc tuyên truyền thực hiện Chỉ thị được tiến hành rộng rãi trong quần chúng tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho công tác bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư".

Theo báo cáo của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, hơn 900 loài chim được phát hiện tại Việt Nam, trong đó, 99 loài cần quan tâm bảo tồn, 10 loài cực kì nguy cấp, 17 loài nguy cấp, 24 loài sắp nguy cấp và 48 loài sắp bị đe doạ.

Bên cạnh Chỉ thị 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, một số quy định khác về việc xử lý vi phạm về chim hoang dã, di cư đã được ban hành như:

- Điều 244, Bộ luật Hình sự 2017: Phạt tù đến 15 năm đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng đối với pháp nhân nếu có hành vi vi phạm đối với các loài chim thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và Danh mục động vật rừng nguy cấp, quý hiếm.

- Điều 21, Nghị định 35/2019/NĐ-CP: Phạt tiền đến 300.000.000 đồng nếu thực hiện các hành vi vi phạm đối với các loài chim thông thường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem