Mối đe dọa khủng khiếp với con người từ 1,2 triệu tấn nước nhiễm phóng xạ ở Nhật Bản

Đăng Nguyễn - CNN Chủ nhật, ngày 25/10/2020 11:55 AM (GMT+7)
Nước nhiễm phóng xạ ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi chứa hàm lượng carbon phóng xạ lớn, có thể làm tổn thương ADN của người, nhóm hoạt động vì môi trường Greenpeace cảnh báo.
Bình luận 0

img

Nhật Bản đã bơm nước vào lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima và giờ đang loay hoay tìm cách xử lý số nước trên.

Theo CNN, nhóm hoạt động Geenpeace nói 1,23 triệu tấn nước ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, Nhật Bản chứa một lượng lớn đồng vị phóng xạ carbon-14 và các hạt phóng xạ "nguy hiểm" khác.

Geenpeace cảnh báo hệ quả lâu dài đến con người và môi trường, nếu Nhật Bản quyết định xả nước nhiễm phóng xạ ra Thái Bình Dương.

Để làm mát lõi lò phản ứng hạt nhân bị hư hại ở nhà máy Fukushima Daiichi, Nhật Bản đã bơm hàng chục ngàn tấn nước mỗi năm. Lượng nước này sau đó được xả vào kho chứa.

9 năm sau thảm họa tồi tệ, kho chứa đã đạt đến giới hạn, trong khi chính phủ Nhật vẫn loay hoay chưa biết phải xử lý ra sao.

Giới chức Nhật ban đầu nói xả ra đại dương là giải pháp duy nhất. Nhưng động thái này đã vấp phải sự phản đối dữ dội của các nhà hoạt động môi trường và đại diện các công ty trong ngành khai thác thủy hải sản.

Hôm 23.10, Nhật Bản thông báo hoãn xả nước nhiễm phóng xạ ra biển. Bộ trưởng Công nghiệp Hiroshi Kajiyama nói giải quyết nước nhiễm xạ là một phần trong kế hoạch tháo dỡ nhà máy Fukushima Daiichi và lượng nước tích tụ ngày càng nhiều đang là sức ép lớn. “Nhưng chính quyền cũng cần lắng nghe những ý kiến quan ngại”, ông Kajiyama nói về quyết định hoãn xả nước.

Theo Greenpeace, ngoài đồng vị phóng xạ tritium, nước nhiễm phóng xạ ở Fukushima Daiichi còn chứa đồng vị phóng xạ carbon-14, là "nguyên nhân chính gây ra nhiễm phóng xạ ở người và làm tổn thương ADN của con người”.

Shaun Burnie, tác giả báo cáo, chuyên gia hạt nhân của Greenpeace ở Đức, nói với CNN rằng, có 63.6GBq hàm lượng carbon-14 trong kho chứa.

“Những chất phóng xạ này gây ô nhiễm suốt hàng ngàn năm, ảnh hưởng đến hệ gene của con người. Đó là lý do kế hoạch này phải bị hủy bỏ”, ông Burnie nói.

Ryounosuke Takanori, phát ngôn viên Công ty điện lực Tokyo (TEPCO) – đơn vị vận hành nhà máy, nói đơn vị sẽ tìm cách giảm nồng độ phóng xạ tritium và carbon-14 xuống mức thấp nhất có thể trước khi xả nước ra môi trường.

Các chuyên gia cho rằng, chính phủ Nhật cần đánh giá cụ thể nồng độ của carbon-14 trong bể chứa để đảm bảo rằng lượng nước nhiễm phóng xạ này sẽ không tạo ra thảm họa môi trường.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem