Tranh đua gắt gao với nhóm doanh nghiệp "họ Công Minh"
Công ty TNHH Cây xanh Tây Nguyên (Cây xanh Tây Nguyên) thành lập ngày 24/2/2010 tại phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Hồ sơ về đấu thầu của doanh nghiệp này cho thấy sự cạnh tranh gắt gao với nhóm doanh nghiệp họ "Công Minh", khi đối đầu trong hàng chục gói thầu khắp các tỉnh thành.
Đứng đầu trong nhóm nhà thầu cạnh tranh với Cây xanh Tây Nguyên chính là Công ty TNHH Công Minh Cây xanh (Công Minh Cây xanh). Theo đó, 2 nhà thầu này đã đối đầu nhau trong 28 gói thầu. Trong đó Cây xanh Tây Nguyên thắng 12 gói, bại 15 gói, 1 gói chưa có kết quả.
Tháng 5/2018, 2 nhà thầu này cạnh tranh tại gói Trồng cây xanh tuyến đường Lê Hồng Phong, huyện Nhơn Trạch giá trị 2,3 tỷ đồng. Cây xanh Tây Nguyên đánh bại Công Minh Cây xanh với giá dự thầu thấp hơn 2 triệu đồng.
Năm 2020, Cây xanh Tây Nguyên và Công Minh Cây xanh lại gặp nhau. Tuy nhiên kết quả lần này rất khác khi doanh nghiệp đến từ Đắk Nông bại trận trong 5 gói thầu liên tiếp. Phải đến tháng 7/2020, Cây xanh Tây Nguyên mới có chiến thắng ở gói Nạo vét, sửa chữa hệ thống thoát nước các tuyến đường trên địa bàn huyện Thới Bình, giá trị 1,3 tỷ đồng.
Năm 2021 là giai đoạn 2 doanh nghiệp này cạnh tranh gắt gao nhất với tổng số 16 gói thầu đối đầu. Kết quả, Cây xanh Tây Nguyên vượt qua đối thủ ở 8 gói. Có thể kể đến một số gói đáng chú ý như Nâng cấp, cải tạo cây xanh dải phân cách 02 bên tuyến đường Tân Lộ Kiều Lương, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang, giá trị 7,8 tỷ đồng; gói Cải tạo công viên và trồng mới cây xanh trên địa bàn quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, giá trị 7,7 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, trong 8 gói Cây xanh Tây Nguyên thua Công Minh Cây xanh, có một số gói giá trị cao như Trồng cây xanh đường Trần Hưng Đạo và cặp quốc lộ 80 (từ cầu T5 Kiên Bình tới thị trấn Kiên Lương), tỉnh Kiên Giang, giá trị trúng thầu 7,8 tỷ đồng; gói Trồng cây xanh tuyến đường ĐT963B huyện Giồng Riềng năm 2021, tỉnh Kiên Giang, giá trị 6,7 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022 và 2023, Cây xanh Tây Nguyên và Công Minh Cây xanh chỉ gặp nhau trong gói Chăm sóc cây xanh trên địa bàn huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang (giai đoạn 2023 - 2025), giá trị 7,8 tỷ đồng; và gói Cải tạo và trồng mới cây xanh trên địa bàn quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ, giá trị 7,6 tỷ đồng. Tại 2 gói này, Cây xanh Tây Nguyên đều thắng.
Công ty Cây xanh Công Minh mới đây đã bị cơ quan điều tra Bộ Công an nhắc tên do có hành vi thông thầu. Cơ quan điều tra cho biết, sau khi thông đồng với chủ đầu tư để xây dựng giá gói thầu, chính Công Minh được chỉ định trúng thầu hoặc doanh nghiệp này dùng các pháp nhân khác đấu thầu để trúng thầu. Đến nay xác định, có hơn 50 công ty thuộc nhóm Công Minh tham gia đấu thầu và trúng hơn 600 gói thầu với số tiền hàng nghìn tỷ đồng.
Doanh nghiệp có số lượng gói thầu đối đầu nhiều thứ 2 và thứ 3 trong danh sách cũng thuộc nhóm "Công Minh". Cụ thể, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Việt Nam Xanh (đổi tên từ Công ty TNHH MTV Thương mại – Dịch vụ - Cây xanh Công Minh Đắk Nông) và Cây xanh Tây Nguyên đã đấu 26 gói. Trong đó Cây xanh Tây Nguyên trúng 11 gói, trượt 14, 1 gói chưa có kết quả. Đối với Công ty TNHH Cây xanh Công Minh (Cây xanh Công Minh), tổng số gói thầu đã đấu là 20, trong đó Cây xanh Tây Nguyên thắng 7 gói, thua 10 gói, còn 3 gói chưa có kết quả.
Từ chung tay hùn vốn chuyển thành thế cạnh tranh
Theo nội dung thay đổi đăng ký doanh nghiệp năm 2015 của Cây xanh Tây Nguyên, người đại diện theo pháp luật là ông Khúc Văn Hợi, sinh năm 1982. Điều bất ngờ, trong cơ cấu cổ đông của Cây xanh Tây Nguyên tại thời điểm này, cổ đông nắm giữ 90% tỷ lệ sở hữu là ông Nguyễn Công Minh, cũng chính là người sáng lập ra nhóm doanh nghiệp "Công Minh", đối thủ cạnh tranh gay gắt với Cây xanh Tây Nguyên về sau.
Tháng 5/2015, toàn bộ cổ phần sở hữu tại Cây xanh Tây Nguyên của ông Nguyễn Công Minh được chuyển sang một cổ đông mới là ông Nguyễn Đức Duy (phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước). Đến tháng 6/2016, ông Khúc Văn Hợi không còn giữ vị trí Giám đốc tại Cây xanh Tây Nguyên, đồng thời doanh nghiệp có 2 cổ đông mới hoàn toàn là ông Thái Hữu Dũng (giữ 90% tỷ lệ sở hữu) và bà Nguyễn Thị Nga (giữ 10%).
Tháng 7/2017, ông Khúc Văn Hợi trở lại làm cổ đông lớn nhất của Cây xanh Tây Nguyên bằng việc nắm giữ 90% tỷ lệ sở hữu. Cần nhắc lại, bản thân ông Khúc Văn Hợi cũng từng góp mặt trong cơ cấu cổ đông của 2 trên 3 đối thủ đã nhắc tên ở trên. Cụ thể, ông Hợi từng giữ 60% tỷ lệ sở hữu tại Công Minh Cây xanh; 80% tỷ lệ sở hữu tại Công Minh Đắk Nông cho tới tháng 6/2017, ngay trước thời điểm trở lại Cây xanh Tây Nguyên.
Thời gian này, Công ty cũng tăng vốn điều lệ từ 2,9 tỷ đồng lên thành 10 tỷ đồng. Người đại diện doanh nghiệp là bà Bùi Thị Hiên giữ chức danh Giám đốc.
Đến tháng 1/2019, Cây xanh Tây Nguyên một lần nữa thay đổi toàn bộ cơ cấu cổ đông. Theo đó, người giữ 90% tỷ lệ sở hữu được đổi thành bà Ngô Thị Ngọc Lý. 10% còn lại thuộc về ông Lê Minh Hiếu, người giữ chức danh Giám đốc. Trong hệ sinh thái "Công Minh", bà Ngô Thị Ngọc Lý cũng không hề xa lại khi là người giữ 40% tỷ lệ sở hữu tại Công Minh Cây xanh từ tháng 4/2022.
Trùng thời điểm tháng 4/2022, bà Ngô Thị Ngọc Lý không còn nằm trong cơ cấu cổ đông của Cây xanh Tây Nguyên. Lúc này tỷ lệ sở hữu của ông Lê Minh Hiếu tăng đột ngột lên thành 95%. Cổ đông mới xuất hiện là ông Lê Nguyên Long, người giữ 5%. Cuối năm, Cây xanh Tây Nguyên tăng vốn điều lệ lên thành 15 tỷ đồng.
Tháng 7/2023, Cây xanh Tây Nguyên đổi tên thành Công ty TNHH Dịch vụ thương mại Trường An. Kể từ đầu năm 2024, doanh nghiệp đã trúng 8 gói thầu dưới cái tên mới. Ngoài ra, Công ty còn đang cạnh tranh tại gói Chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh, quét dọn và thu gom rác khuôn viên cơ quan tại Cục Hành chính quản trị II, Văn phòng Chính phủ; và gói Nâng cấp, mở rộng BTXM đường Tân Thành 17, Tân Thành 26, Tân Thành 42, Tân Thành 52, Tân Thành 56 tại tỉnh Bình Dương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.