Mỏi mắt chờ người thân

Thứ bảy, ngày 26/02/2011 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ sáng 25.2, sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội) đông hơn thường lệ. Những nhóm người ăn mặc ra dáng thôn quê nhấp nhổm đứng ngồi không yên, liên tục điện thoại đi và đến... Đó là những thân nhân ra đón các lao động Việt Nam từ Libya trở về.
Bình luận 0
img
Thân nhân chờ đợi các lao động tại sân bay Nội Bài tối 25.2.

Họ chờ đợi và chờ đợi như thế, đến gần nửa đêm qua vẫn chưa thấy bóng người thân...

Chúng tôi bắt gặp một hình ảnh khác: Đứa bé vui vẻ chơi đùa trên sàn nhà chờ, trong khi người mẹ ngồi lặng lẽ ở một góc, luôn tay lau những giọt nước mắt rơi trên gò má gầy gò.

Chị là Đào Thị Duyên, quê ở Hiệp Hòa, Bắc Giang. Chồng chị là anh Đào Tiến Cường, đi XKLĐ ở Libya gần 1 năm nay. Mấy hôm nay, không đêm nào chị Duyên có thể chợp mắt được. Cứ mỗi lần TV đưa tin về tình hình căng thẳng chính trị ở Lybia, tim chị lại giật thót.

Tối 24.2, anh Cường gọi điện về báo sẽ cùng với nhiều lao động Việt Nam khác về Việt Nam vào ngày hôm sau, chị vội vã bế đứa con hơn 3 tuổi, từ 5 giờ sáng bắt xe khách lên sân bay Nội Bài đón chồng, đón bố. Mỗi lần, từng dòng khách đi ra từ cửa đón khách, chị Duyên lại chạy lại nhón chân để xem trong những con người xa lạ kia có chồng mình không. Nhưng đợi từ sáng sớm cho đến gần 22 giờ, chồng chị vẫn chưa xuất hiện ở cửa đón khách sân bay. Chị sụt sùi: “Chưa thấy chồng về thì tôi vẫn phải chờ, dù mấy ngày nữa phải ăn ngủ tại đây. Không ước ao gì hơn được thấy anh vẫn khỏe mạnh, lành lặn”.

Chị Phạm Thị Thanh ở Việt Trì (Phú Thọ) có bố đi lao động ở Tripoli, Lybia, cho biết, mấy ngày hôm nay ông gọi điện về thông báo tình hình ở bên đó đang rất căng thẳng. Lương thực đã cạn kiệt, bố Thanh cũng như những công nhân Việt Nam khác phải uống sữa dê để cầm hơi. Từ tối 24.2, gia đình không liên lạc được cho ông, nhưng nghe thông tin sẽ có một số lao động Việt Nam trở về nước ngày 25.2, Thanh lập tức đến sân bay Nội Bài chờ đợi.

“Chỉ mong sao Nhà nước sẽ tìm cách đưa bố cùng những lao động Việt Nam ở Lybia trở về an toàn. Cả nhà tôi đã thấy khoản nợ mà bố vay để đi XKLĐ treo lơ lửng, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc bố tôi có thể trở về nhà bình an” – Thanh nói.

Theo một nhân viên trực điện thoại ở Nội Bài, từ sáng đến tối, sân bay đã nhận được hàng trăm cuộc điện thoại hỏi về các chuyến bay từ Lybia về Việt Nam. Còn các nhân viên lễ tân thì thường xuyên nhận được câu hỏi về các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam của người nhà lao động ở Lybia. “Đến 23 giờ, sẽ không còn chuyến bay quốc tế nào đến Việt Nam nữa. Nhìn những người chờ chực từ sáng đến tối mịt, bỏ cả ăn uống vì lo lắng mà chúng tôi cũng thấy lo cùng họ” - một nhân viên hàng không chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem