Mới mùng 2 Tết, nhiều người đã tiếp tục cuộc sống mưu sinh

Quỳnh Nguyễn Chủ nhật, ngày 26/01/2020 14:49 PM (GMT+7)
Tuy mới chỉ mùng 2 Tết, Tết đã kết thúc sớm với nhiều người. Sau một năm ngược xuôi vất vả, không nghỉ ngơi, họ đã bắt đầu cuộc mưu sinh ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới.
Bình luận 0

Tại TP.HCM, ngay sáng mùng 2 Tết, nhiều hàng quán, sạp bán thực phẩm ở các chợ đã mở cửa. Cá biệt có một số hàng quán bán xuyên Tết, không ngừng nghỉ ngày nào. 

Tay thoăn thoắt chan nước dùng vào những tô hủ tiếu nghi ngút khói, anh Đinh Quốc Thịnh (quận Bình Thạnh) nói: “4-5 năm nay, năm nào quán cũng khai xuân vào sáng mùng 2. Vừa mở cửa đã có rất đông khách tới thưởng thức. Mặc dù bán sớm nhưng quán không tăng giá đồ ăn so với ngày thường”.

img

img

Anh Thịnh mở hàng hủ tíu từ sáng mùng 2 Tết. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Trên đường Nguyễn Văn Đậu (quận Bình Thạnh), sạp hoa quả của chị Vân Anh mở cửa từ chiều mùng 1. Chị Vân Anh cười: “Với tôi, hết sáng mùng 1 là hết Tết rồi. Ở xa đến đây buôn bán, Tết tôi cũng chẳng biết làm gì nên đem hoa quả ra bán cho đỡ buồn”.

img

Không có việc gì làm, chị Vân Anh mở sạp bán hoa quả từ sớm bán cho đỡ buồn. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Các chợ dân sinh tại TP.HCM như Gò Vấp, Bà Chiểu, Tân Định cũng đã họp trở lại từ sáng sớm, phong phú thịt cá, rau, củ, quả. Người bán nhiều, người mua cũng đông, dường như không khí Tết đã chẳng còn hiện diện.

Ngồi tuốt lá rau muống ngay đầu chợ Gò Vấp (quận Gò Vấp), chị Mai chia sẻ: “Từ 4h sáng hôm nay, tôi đã dậy cắt rau mang ra chợ. Nhà ở tận quận 12 nên tôi phải tranh thủ đi sớm, ra đây chợ đã khá đông rồi. Tết bây giờ không như xưa, ở nhà chẳng làm gì, chi bằng ra chợ bán sớm kiếm vài trăm ngàn, cứ chơi dài rồi lấy gì mà sống?”.

img

Những bó rau muống được chị Mai cắt từ 4h sáng mùng 2, mang ra chợ ngồi tuốt lá. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Gần đó, cụ Tư bán vé số trên đường Nguyễn Thái Sơn bán xuyên Tết, không nghỉ ngày nào. Hai mẹ con cụ ở trọ gần chợ, mỗi người một việc nhưng tựu chung là không có Tết. Ngày đầu năm, số vé số bán ra cũng chỉ khoảng 100-150 tờ, nhỉnh hơn ngày thường một chút, chủ yếu khách mua lấy may.

img

Mấy chục năm nay, cụ Tư bán vé số ở góc đường gần ngã tư chợ Gò Vấp không có Tết. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chọn bó cải mang về nấu bữa cơm cho gia đình, chị Yến nói: “Giờ Tết cũng không khác chi ngày thường. Các chợ bán sớm lắm nên tôi cũng bỏ thói quen mua tích trữ đồ trước Tết. Mùng 1, mùng 2, các chợ đã bán buôn tấp nập, tội gì không ra mua cho tươi ngon”.

Liên tục bưng phở, dọn tô phục vụ khách chụp hình trước cửa nhà Văn hoá Thanh Niên (quận 3), chú Bình hồ hởi nói: “Tôi không nghỉ Tết ngày nào cả. Ngày thường tôi bán chỉ đến 12h trưa là dẹp rồi, vào những ngày Tết, tôi bán đến tận 9h tối. Ai lo ăn Tết thì ăn, những ngày này, tôi bán đắt, kiếm tiền dễ hơn”.

img

img

img

Hoa mai vẫn rực rỡ trên đường nhưng với nhiều người lao động,Tết đã kết thúc. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Chị Thanh bán nước nói: “Người nghèo, buôn bán, gánh bưng thì làm gì có Tết. Quấy quá cho qua ngày mùng 1, tôi phải đi bán để còn có tiền nuôi con”.

Trong các chợ tại TP.HCM, có lẽ chợ Bà Chiểu nhộn nhịp nhất. Rau củ, thịt, cá đều có giá “hết Tết”, người bán chẳng nói thách, người mua không cần trả giá. 

Anh Điềm bán thịt heo ở chợ nói: “Giờ Tết qua nhanh lắm, lũ nhỏ thì cứ cho chúng nó tụ tập bạn bè, đi chơi; còn người lớn thì phải lo làm ăn, kiếm đồng tiền để sống chứ”.

img

Hình ảnh mua bán tấp nập tại chợ Bà Chiểu trong ngày đầu năm. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Thêm một số hình ảnh phóng viên Dân Việt ghi nhận trong sáng mùng 2 Tết:

img

img

img

img

img

img

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem