Môi trường - tiêu chí khó “nhằn” trong xây dựng nông thôn mới

Trang Thảo Thứ ba, ngày 23/07/2019 09:09 AM (GMT+7)
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng sau 10 năm xây dựng nông thôn mới nhưng cho đến nay tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất, còn nhiều tồn tại, hạn chế và đang đối mặt với những thách thức lớn.
Bình luận 0

Đó là nhận định của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo “Lý  luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam” do Bộ NNPTNT tổ chức tại Nam Định vừa qua.

Theo Bộ NNPTNT,  đến nay vấn đề môi trường, nước sạch khu vực nông thôn đã có những cải tiến rõ rệt, tỷ lệ hộ dân ở nông thôn trên toàn quốc có nguồn nước hợp vệ sinh đạt 90,8%, thông qua việc lồng ghép chương trình xây dựng NTM với các chương trình khác, đặc biệt là Chương trình 135.

Bên cạnh chỉ tiêu về nước sạch thì chỉ tiêu về nhà bếp, nhà vệ sinh sạch cũng được các địa phương chú trọng triển khai thông qua phong trào “5 không, 3 sạch” để xây dựng nếp sống gia đình văn hóa, góp phần tích cực trong giữ gìn vệ sinh nhà cửa, đường làng, ngõ xóm.

img

Khu xử lý rác thải đẹp như công viên của huyện Xuân Trường (Nam Định) do Công ty TNHH Tân Thiên Phú đầu tư.

Đặc biệt vấn đề nhà xí hợp vệ sinh đã được cải thiện đáng kể so với năm 2010,  hiện nay cả nước đã có 77% số hộ có nhà xí hợp vệ sinh.

Phong trào trồng hoa, tạo cảnh quan đẹp xung quanh nhà và đường làng, ngõ xóm cũng đã được nhiều địa phương thực hiện rất thành công như Nam Định, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Lâm Đồng.

Tuy nhiên, theo GS.TS Trần Đức Viên – Chủ tịch Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, bên cạnh các kết quả đã đạt được thì cảnh quan và môi trường nông thôn vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm như: rác thải sinh hoạt khó xử lý; nước thải sinh hoạt và chăn nuôi; bao bì hóa chất BVTV; các loại ô nhiễm từ làng nghề và hoạt động tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp tại nhiều địa phương cần được xử lý, giải quyết mới có thể nâng cao chất lượng cuộc sống thực sự ở nông thôn.

Vấn đề cảnh quan và môi trường nông thôn hiện nay đang bị điều khiển và chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: Cơ chế - chính sách, tăng dân số, nhận thức của người dân, chính quyền địa phương và các thiết chế làng/xã, phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nóng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quy hoạch thiếu đồng bộ hoặc hạn chế về tầm nhìn…

Nhiều hộ gia đình vẫn tổ chức chăn nuôi ngay trong khu vực dân cư, xả nước thải chăn nuôi theo hệ thống nước thải sinh hoạt mà không được xử lý. Nơi chứa nguồn nước thải chăn nuôi chủ yếu là các mương, rãnh, ao, hồ, sông quanh khu vực dân cư.

GS.TS Viên đã đưa ra ví dụ cụ thể để minh chứng cho vấn vấn đề môi trường vẫn chưa được đảm bảo, coi trọng, đó là khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra, do đất đai manh mún, chật chội nên việc xử lý, chôn lấp được thực hiện ngay tại trang trại, tại vườn nhà, gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Trong khi đó, ý thức của người chăn nuôi còn hạn chế, nhiều nơi người dân tự vứt bỏ xác lợn chết xuống các dòng chảy, các hành vi này không những góp phần phát dịch qua nguồn nước ngày càng rộng và khó kiểm soát mà còn gây ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng hơn.

img

Rác thải sinh hoạt là vấn đề nhức nhối ở nhiều vùng nông thôn. Ảnh: I.T

Ô nhiễm môi trường cũng được thể hiện rõ ràng trong trồng trọt, theo TS Trần Bình Đà – Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Nông dân Việt Nam có mức sử dụng phân bón hóa học và thuốc hóa học bảo vệ thực vật (BVTV) rất cao so với khu vực (phân hóa học là 361kg/ha và hóa chất BVTV là 8,3kg/ha – so với ASEAN là 2,1kg/ha.

Kết quả tổng điều tra năm 2016 cho thấy, số xã có điểm thu gom riêng bao bì hóa chất BVTV trên toàn quốc có tỷ lệ trung bình chung còn khiêm tốn 18,7%. Trong đó tỷ lệ cao nhất là khu vực Đông Nam bộ (26,88%) và tỷ lệ thấp nhất là khu vực trung du và miền núi phía Bắc chỉ đạt 11,39%.

Đặc biệt, nước thải từ các làng nghề cũng tồn tại nhiều vấn đề khó giải quyết, có những làng nghề đã phát triển hàng trăm năm, đến nay do quy mô sản xuất gia tăng nhưng hạ tầng về xử lý chất thải vẫn cơ bản như hàng mấy chục năm trước với sức chứa còn hạn chế.

Tại hội thảo Lý luận và thực tiễn trong xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, chuyên đề “Xây dựng và giữ gìn cảnh quan, môi trường nông thôn”, GS.TS Trần Đức Viên cho rằng, gần 10 năm qua công tác xây dựng NTM tập trung quá nhiều vào việc phát triển cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm mà còn coi nhẹ vấn đề cảnh quan, môi trường – yếu tố cốt lõi về chất lượng cuộc sống.

Do vậy,  xây dựng NTM trong giai đoạn tiếp theo cần phải lấy “cảnh quan, môi trường” làm nền tảng với thông điệp “Bảo vệ cảnh quan, môi trường và tài nguyên tự nhiên để xây dựng NTM” – GS.TS Viên nhấn mạnh.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi – Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, để cảnh quan và môi trường nông thôn được đảm bảo một cách bền vững thì cần xác định rõ vai trò của hệ sinh thái nông nghiệp và nông thôn trong giai đoạn trước mắt và lâu dài, từ đó có những tính toán khoa học, hợp lý, định hình một chiến lược quản lý khu vực nông thôn mang tính tổng hợp, toàn diện.

Nhận định của nhiều chuyên gia cho thấy, vấn đề môi trường mặc dù là một trong những tiêu chí khó giải quyết nhưng không phải là không thực hiện được.

Để minh chứng cho điều này, bà Trương Thị Ngân – Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KHCN tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ kinh nghiệm mà địa phương thực hiện thành công: Ngoài việc xây dựng các nhà máy xử lý chất thải, thì Hà Tĩnh đã rất thành công trong việc tập huấn, tuyên truyền, huy động người dân trồng xây xanh, thảm hoa xung quanh nhà, đường làng, ngõ xóm, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu.

img

Đường ngõ xóm kiểu mẫu ở Hà Tĩnh. Ảnh: I.T

Về vấn đề rác thải sinh hoạt thì bên cạnh xây dựng các lò đốt rác tập trung, Hà Tĩnh tập trung tuyên truyền, khuyến khích người dân phân loại rác thải ngay từ đầu, đồng thời ban hành các chính sách, nghị quyết về môi trường và hỗ trợ người dân các chế phẩm sinh học để ứng dụng vào xử lý môi trường. Tăng cường công tác tập huấn, kết giữa các ban ngành của địa phương vào cuộc. Đặc biệt là Hà Tĩnh đang thí điểm hương ước làng xã về vấn đề môi trường.

Nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng cảnh quan, môi trường nông thôn được bền vững, cần quan tâm hơn nữa đến việc trồng cây xanh tạo bóng mát, kiên cố hóa đường giao thông, kênh mương nhưng không phải là bê tông hóa toàn bộ; Phân khu chức năng của các khu vực đảm bảo tính tiện ích và hiện đại, giữ gìn được bản sắc văn hóa truyền thống; Xác định giải pháp trọng tâm và hiệu quả để xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở nông thôn; Bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế phải gắn với phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chất thải, tái chế và tái sử dụng chất thải; và công tác truyền thông, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem