Em và anh ấy cùng 24 tuổi, đã yêu nhau được 2 năm. Chúng em dự định đến mùa thu năm nay sẽ làm đám cưới. Tuy nhiên, chúng em thường xuyên cãi vã rồi lại làm lành. Mà toàn cãi nhau, gây gổ với nhau vì những điều lặt vặt. Em đi sinh nhật bạn, mặc váy quá đầu gối, anh ấy bèn chê bai em chân to còn không biết đường che đậy. Vậy là em nổi giận. Có khi em đến chơi nhà anh ấy, khi uống nước vô ý không mời mẹ anh ấy, anh ấy mắng em “không có mắt”. Anh ấy có thói quen rung đùi tít mù, ngồi uống café mà ghế rung lạch cạch khiến em xấu hổ, anh ấy hút thuốc em chê hôi…. Mỗi lần như vậy lại cãi nhau. Cãi chán lại làm lành.
Ngoài những lần cãi vã thì anh ấy vẫn quan tâm, chăm sóc em. Khi xa nhau cũng rất nhớ nhung. Có lúc anh ấy đùa “yêu nhau lắm cắn nhau đau”. Nhưng bạn em bảo mới yêu nhau mà anh ấy không nhường nhịn như vậy thì lấy về còn tệ hơn. Em thật sự lo lắng, vì nhiều khi em rất nhớ anh ấy nhưng nghĩ đến lúc gặp gây gổ, tranh luận lại thấy mệt mỏi. Liệu cưới nhau thì mâu thuẫn có dung hoà được không. Liệu cứ cãi nhau mà vẫn hạnh phúc không?
Ánh Nguyệt (Bắc Ninh)
Ảnh minh họa
Tơ Hồng gỡ rối!
Thi thoảng cãi vã, giận nhau rồi làm lành cũng có thể làm gia vị cho tình yêu thêm hương sắc. Giận hờn sẽ như mưa bóng mây, sau mưa lại thấy cầu vồng. Nhưng nếu bất cứ chuyện gì cũng dẫn đến mâu thuẫn thì e rằng các em sẽ mệt mỏi, tình cảm rạn nứt. Hôn nhân càng không làm triệt tiêu mâu thuẫn, cũng không khiến cãi nhau trở thành “hạnh phúc” như em mong muốn được. Thậm chí, những mối lo toan, bận rộn khi con cái ra đời, chăm lo cho bố mẹ hai bên... còn khiến mâu thuẫn nhiều hơn.
Dù vợ - chồng vẫn là hai cá thể có tính cách, sở thích khác nhau nhưng gia đình phải được xây dựng bằng sự hoà hợp, tương thích, nhường nhịn. Sẽ không thể có sự vui vẻ, êm ấm nếu cả hai thường xuyên bất đồng ý kiến, không ai chịu ai. Nếu mỗi người tự làm theo ý thích, bài xích, chê bai người kia, ông đánh xuôi bà thổi ngược thì gia đình sẽ lộn xộn, hôn nhân sẽ rối bời như canh hẹ và chẳng mấy chốc dẫn đến mệt mỏi, chán ngán.
Hai em hay cãi nhau có lẽ vì tính cách đều khá ương bướng, có cái tôi lớn nên dễ tự ái. Khi bị đối phương chỉ trích lại tỏ thái độ bất cần, thách thức. Chính vì vậy, chuyện bé lại xé ra to. Nguyên nhân hai em cãi nhau không phải vì mấy chuyện lặt vặt mà vì luôn bực bội khi thấy người mình yêu không tôn trọng, yêu thương mình. Sự buồn bực này về lâu dài sẽ phá huỷ tình yêu.
Vì thế, trước khi tính đến hôn nhân, hai em nên trò chuyện để xem mâu thuẫn của hai người là do đâu, do tính cách trái ngược hay chỉ vì sự ngang bướng không ai chịu ai? Điều gì có thể điều chỉnh được thì nên điều chỉnh để phù hợp với nhau hơn. Các em cũng cần “trưởng thành” hơn trong cách ứng xử. Dù chưa thực hài lòng với những thói quen, sở thích của người yêu nhưng cần lựa lời để góp ý, không nên nói thẳng, nói thô khiến đối phương tự ái, buồn bực. Nếu hai em đều đặt cảm xúc, tình cảm của đối phương lên trên thì sẽ biết cách giảm bớt cái Tôi của mình, biết lựa lời chia sẻ hơn. Nếu em tỏ thái độ tôn trọng, bao dung trong hành xử thì người yêu cũng sẽ cảm động và điều chỉnh cảm xúc, lời nói của mình. Hy vọng các em biết lắng nghe và để ý đến cảm xúc của nhau nhiều hơn.
Nếu bạn có phương án giải quyết những rắc rối tâm, sinh lý trong cuộc sống hay đơn giản chỉ cần nơi bày tỏ những nỗi niềm khó giải tỏa, hãy gửi mail cho Hộp thầm kín ở địa chỉ hopthamkin@danviet.vn, bạn sẽ nhận sự chia sẻ của các chuyên gia cũng như những lời khuyên chân thành nhất.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.