Món ăn cúng ông Công ông Táo đặc trưng hai miền Bắc - Nam

Thứ năm, ngày 08/02/2018 07:11 AM (GMT+7)
Mâm cúng miền Bắc thường có các món chè kho hoặc chè bà cốt còn người Nam không quên một đĩa kẹo 'thèo lèo'.
Bình luận 0

Ngày 23 tháng Chạp hay còn gọi là ngày tiễn ông Công ông Táo về trời là một trong những ngày lễ quan trọng nhất đối với người Việt từ xa xưa. Người ta quan niệm rằng, mỗi căn bếp của các gia đình đều được ba vị Táo quân cai quản.

Ông táo (Táo quân hay Thổ Công) là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ, ông là vị thần quyết định sự may rủi, phúc họa của cả gia chủ, bên cạnh đó ông còn ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình.

img

Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc nhưng được người Việt chuyển hóa sự tích hai ông một bà và lưu truyền qua nhiều đời. Theo đó, xa xưa có hai vợ chồng tên là Trọng Cao và Thị Nhi sống với nhau đã lâu mà không có con, sinh ra buồn phiền, hay cãi cọ. Một hôm, hai vợ chồng xảy ra xô xát, người vợ bỏ đi và gặp người chồng mới tên là Phạm Lang. Khi Trọng Cao hết giận và cảm thấy mình có lỗi, đi tìm Thị Nhi thì tiên bạc tiêu tán, phải đi ăn xin và tìm đến đúng gia đình của người vợ.

Hai người nhận ra nhau, người vợ ân hận vì đã trót lấy Phạm Lạng làm chồng. Sợ chồng mới bắt gặp chồng cũ khó giải thích, Thị Nhi nói Trọng Cao nấp trong đống rơm ngoài vườn. Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm để lấy tro bón ruộng và không may thiêu chết Trọng Cao. Quá đau khổ, Thị Nhi nhảy vào đống lửa chết cùng chồng cũ. Phạm Lang bất ngờ cũng nhảy vào đống rơm đang cháy để chết cùng vợ. Câu chuyện cảm động của ba người cảm động trời xanh nên được Ngọc Hoàng sắc phong làm Táo quân: Phạm Lang làm thổ công, trông coi việc bếp, Trọng Cao làm thổ địa, trông coi việc nhà cửa, Thị Nhi làm thổ kỳ, trông coi việc chợ búa.

Ngày 23 tháng Chạp là thời điểm ông Công ông Táo về trời, tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Ba vị này sẽ sử dụng phương tiện là cá chép nên sau khi cúng lễ, các gia đình đều đem cá chép thả ra sông hồ ao suối. Mâm cỗ cúng ông Táo thể hiện tấm lòng thành kính của con cháu đối với các vị Táo quân. Ngày nay, dù đã có sự giao thoa, tuy nhiên, mâm cỗ cúng ông Táo ở hai miền Bắc - Nam vẫn có những món ăn khác nhau cơ bản.

Miền Bắc

img

Người miền Bắc thường cúng ông Công ông Táo khá sớm và thời gian muộn nhất là 12 trưa 23 tháng Chạp Âm lịch bởi người ta quan niệm rằng sau giờ đó ba vị Táo quân đã về trời. Về cơ bản, mâm cúng ngày 23 tháng Chạp của người miền Bắc không khác nhiều so với các ngày cúng Giao thừa hay Hóa vàng với các món truyền thống đặc trưng như gà luộc, bánh chưng, xôi vò, xôi gấc, canh măng, canh bóng, đĩa xào thập cẩm, giò, mâm ngũ quả, nem (chả giò), cá kho, hành muối...

Với những gia đình truyền thống, ưa sự cầu kỳ chỉn chu trong việc làm mâm cỗ cúng thì không thể thiếu các món đặc trưng miền Bắc như xôi chè, chè bà cốt, chè kho, chè xôi nén hoặc chè con ong. Đây đều là những loại chè thường chỉ có miền Bắc. Tuy tên gọi là chè nhưng đa phần chúng được nấu như xôi, vị ngọt sắc. Khi nấu chè cúng, người ta cố ý để chè vương lên ông đầu rau, thậm chí chủ động bôi chè lên đầu rau để Táo Quân lên Trời tâu bày cho ngọt giọng.

Trong đó, chè kho là món được nhiều người yêu thích và dường như chỉ Tết mới được ăn. Món chè được làm từ đỗ xanh, đường trắng, dầu mè, lá nếp, cốt dừa. Bạn đồ đỗ xanh với lá nếp như bình thường, sau đó cho vào xay rồi sên hỗn hợp với đường trên lửa cho tới khi cạn. Đĩa xôi chè có màu vàng rực rỡ, vị ngọt sắc, thêm chút vừng phía trên làm tăng thêm mùi vị. Xôi chè ngon nhất là nhấp cùng ngụm trà nhài nóng dịp đầu xuân.

Miền Nam

img

Có nhiều điểm tương đồng nên mâm cỗ của người miền Nam cũng có hầu hết các món ăn chủ đạo của như miền Bắc tuy nhiên có thêm một đĩa kẹo vừng đen và đậu phộng. Hẳn nhiều người ở các vùng miền khác thấy món ăn này đôi chút xa lạ.

Ngay cả người dân địa phương cũng không biết từ bao giờ đĩa kẹo thập cẩm này xuất hiện trên mâm cúng ngày 23 tháng Chạp và cũng không biết do đâu nó lại có tên gọi là "thèo lèo phân chuột".

Một số người giải thích rằng, khu vực này xưa kia có nhiều người Hoa sinh sống nên ảnh hưởng ít nhiều văn hóa Trung Quốc. "Thèo lèo" được lý giải là đọc chệch của chữ "trà liệu" trong tiếng Trung, nghĩa là vật dụng để ăn khi uống trà. Người Trung Hoa rất ưa chuộng sử dụng lạc và vừng khi nấu ăn, không chỉ đơn giản là vì mùi vị mà còn do quan niệm chúng sẽ mang lại may mắn và sung túc cho năm mới. Trên thực tế, nhâm nhi tách trà nóng với đĩa kẹo dân dã thập cẩm này cũng rất hợp vị. Cái ngọt của đường, beo béo của vừng dường như được trung hòa thông qua vị đắng chát của trà.

PV (Ngôi sao)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem