PGS Trần Lâm Biền: Thả cá thả cả rác là ác chứ không phải thiện

Thành An Thứ năm, ngày 08/02/2018 17:39 PM (GMT+7)
PGS Trần Lâm Biền cho rằng, việc phóng sinh các loài cũng cần cân nhắc bởi sinh vật nào cũng có môi trường sống riêng, nếu như thả không đúng môi trường của nó, suy cho cùng sẽ tạo nên mâu thuẫn giữa các loài, tiêu diệt giữa các loài với nhau. 
Bình luận 0

img

Những hình ảnh phóng sinh phản cảm gây nguy hại đến môi trường. (Ảnh: T.A)

Ngày 8.2, trong khi người dân thả cá chép tiễn ông Táo về chầu trời thì dọc các khúc sông, ven hồ Tây, hồ Hoàng Cầu, hồ Thiền Quang nhiều người lại thả thêm cả cá trê, ba ba, rùa tai đỏ, thậm chí đổ cả xô... ốc phóng sinh.

Theo người dân, việc phóng sinh ba ba, ốc hay cá đã trở thành thói quen mỗi dịp Tết đến xuân về, các ngày lễ, ngày ông Công ông Táo… Người phóng sinh làm việc này để tu nhân tích đức và cầu mong những điều tốt đẹp.

Trao đổi với PV, PGS Trần Lâm Biền - tác giả của nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, tín ngưỡng tôn giáo cho biết, việc phóng sinh là thể hiện cái tốt, điều thiện trong tâm mỗi người khi thả những sinh vật này, là biểu hiện của ý thức thương xót cho muôn loài bởi tất cả đều có chung một bản thể, một cốt lõi. Nó biểu hiện lòng thương, tính từ bi của con người.

img

PGS Trần Lâm Biền. (Ảnh: I.T)

Thông thường người ta phóng sinh nhiều thứ trong đó căn bản là phóng sinh những loài trên trời, dưới nước như chim, cá về với tự nhiên, với không gian sống... Điều này thể hiện sự thanh thoát và thiêng liêng.

Mặc dù vậy, PGS Trần Lâm Biền cho hay, hiện nay nhiều người phóng sinh vô lối, không hiểu biết nên gây nguy hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh, gây bức xúc trong cộng đồng. 

Ví như việc thả cá xuống nước. Nước chứa đựng sự thiêng liêng của nó nhưng nhiều người phóng sinh xong "tiện tay" quăng, thả, vứt luôn cả rác kèm theo... như vậy chẳng khác nào ném những thứ ô uế vào nước thiêng, chẳng khác nào hành động bôi nhọ sự từ bi, xóa bỏ ý tốt của chính mình với muôn loài. "Thả cá mà vứt rác gây ô nhiễm, đó là tội chứ không phải là công” - PGS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

PGS Trần Lâm Biền cũng cho rằng, việc phóng sinh các loài cũng cần cân nhắc bởi sinh vật nào cũng có môi trường sống riêng, nếu như thả không đúng môi trường của nó, suy cho cùng sẽ tạo nên mâu thuẫn giữa các loài, tiêu diệt giữa các loài với nhau. 

Bên cạnh đó, PGS Biền nhấn mạnh, tình trạng phóng sinh vô lối, hình thức đã tạo ra nhiều hệ lụy khác. Có những người trong nhà nuôi chim trong lồng, như vậy chẳng khác nào đang giam cầm, gây mất tự do khiến con chim phải chịu đau khổ. Nhưng chính họ lại đi mua những con chim khác để thả phóng sinh. Đó là hành động tàn ác chứ không phải điều tốt, bởi họ gây gây họa cho người khác và cho môi trường.

"Muốn có chim, cá để phóng sinh, người ta phải đi bắt chim, bắt cá. Điều này khiến những con chim trên trời, cá dưới nước đang tự do lại sống kiếp tù đầy. Đó là điều tàn ác gấp đôi" - PGS Trần Lâm Biền nhấn mạnh.

“Tôi cũng như nhiều người cảm thấy buồn khi nhiều người chưa hiểu đúng về tục lệ phóng sinh ngày ông Táo chầu trời. Đâu đó người dân vẫn mang cả bao tải tro đi rải quanh hồ với hy vọng năm mới được mát mẻ, bình an. Theo phong tục, thả cá là phóng sinh bởi vậy mọi người phải giữ được môi trường không ô nhiễm để cá được sống khỏe. Tôi mong muốn mọi người hãy thả cá bằng ý thức và sự hiểu biết. Hãy chấm dứt tình trạng thả tro hay những đồ lễ cúng khác vì như vậy nó sẽ chẳng còn ý nghĩa của phóng sinh nữa” - Sư thầy Thích Tịnh Giác (chùa Kim Sơn, Gia Lâm, Hà Nội).
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem