Môn Lịch sử được các quốc gia trên thế giới dạy thế nào?

Tào Nga Thứ ba, ngày 24/05/2022 08:45 AM (GMT+7)
Môn Lịch sử đang là chủ đề "nóng" được dư luận quan tâm và bày tỏ quan điểm trái chiều. Ở, các quốc gia khác trên thế giới, môn học này được giảng dạy thế nào?
Bình luận 0

Trước tranh cãi môn Lịch sử là môn học lựa chọn hay bắt buộc trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, TS Đoàn Nguyệt Linh, Trưởng bộ môn Lịch sử và PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trưởng Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết đã nghiên cứu, tìm hiểu chương trình môn Lịch sử ở các quốc gia khác như sau:

Vương quốc Anh

Hệ thống giáo dục quốc gia ở Vương quốc Anh được tổ chức thành 4 giai đoạn chính, mỗi giai đoạn tương ứng với một trình độ giáo dục riêng biệt. Giai đoạn chính 1 và Giai đoạn 2 tương ứng với các lớp tiểu học 1 - 6. Giai đoạn 3 liên quan đến các trường THCS (lớp 7 - 9), trong khi Giai đoạn 4 thuộc về các trường trung học (lớp 10 - 11). Theo chương trình giảng dạy của Vương quốc Anh, môn Lịch sử bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9, tức là ở Giai đoạn 1, Giai đoạn 2 và Giai đoạn 3. Lịch sử được dạy tách biệt với Địa lý mặc dù cả hai đều thuộc Khoa học Xã hội. 

Như vậy, ở tuổi 14, khi bước vào chương trình GCSE (General Certificate of Secondary Education) - chương trình 2 năm cuối phổ thông thì các em sẽ học 8-9 môn học bao gồm cả bắt buộc lẫn tự chọn để dễ dàng tiếp tục ở các bậc học sau. Các môn bắt buộc gồm Toán, Tiếng Anh, Khoa học, Giáo dục tín ngưỡng (Religious Education) và Giáo dục thể chất. Như vậy, lịch sử là môn tự chọn.

Đa số học sinh phổ thông tại Anh chọn Lịch sử và họ cần học 3 giờ mỗi tuần. Sau khi hoàn tất chương trình phổ thông, nếu em nào chọn học chương trình A-level (cho phép học sinh tích lũy kiến thức để vào các trường đại học) có môn Lịch sử thì họ phải học môn này 5 - 6 giờ mỗi tuần.

Chương trình giảng dạy tại các trường học Anh rất linh hoạt. Việc học từ 14 đến 18 tuổi mới chú trọng đến các kỳ thi còn trước tuổi đó thì không. Mặc dù có chương trình khung quốc gia nhưng nó không chi tiết, cứng nhắc như nhiều nước khác.

Như vậy Vương quốc Anh vẫn duy trì Lịch sử như là môn độc lập bắt buộc cho đến hết stage 3 (lớp 9 - khoảng 14 tuổi), sau đấy vẫn coi là môn độc lập (không tích hợp với môn nào cả), nhưng cho lựa chọn, theo định hướng nghề nghiệp.

Môn Lịch sử được các quốc gia trên thế giới dạy thế nào? - Ảnh 1.

Môn Lịch sử đang là chủ đề gây tranh cãi trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: Tào Nga

Hoa Kỳ

Đặc điểm lớn nhất của hệ thống giáo dục quốc gia ở Mỹ là mỗi bang có chương trình giảng dạy và giáo dục riêng. Mặc dù mỗi bang xây dựng khung chương trình giảng dạy riêng, nhưng chúng vẫn phải đáp ứng các tiêu chuẩn chung của nền giáo dục liên bang. Nhìn chung, hệ thống giáo dục quốc gia ở Mỹ được chia thành 3 cấp học: tiểu học từ lớp 1 (Mẫu giáo) đến lớp 5, THCS từ lớp 6 đến lớp 8, và trung học từ lớp 9 đến lớp 12. 

Các môn học được giảng dạy một cách độc lập chứ không phải tích hợp trong một lĩnh vực được gọi là Khoa học xã hội. Đây là môn học bắt buộc trong chương trình giáo dục của Mỹ từ Mẫu giáo đến Mười hai (K-12). Khoa học xã hội bao gồm Công dân, Kinh tế, Địa lý, Lịch sử Hoa Kỳ và Lịch sử Thế giới. Môn Địa lý được dạy xuyên suốt từ K đến 12. Môn Lịch sử được chia thành 2 môn nhỏ: Lịch sử Hoa Kỳ và Lịch sử Thế giới. Lịch sử Hoa Kỳ dạy từ lớp K - 4 với nội dung được chia theo các lĩnh vực như Lịch sử Tiểu bang, Lịch sử Văn hóa và Xã hội Nhân loại. Và môn Lịch sử Hoa Kỳ dạy cho lớp 5 - 12 được chia thành các thời đại. Cuối cùng, môn Lịch sử thế giới sẽ được dạy bắt đầu từ ngày 5 đến 12.

Châu Úc

Hệ thống giáo dục quốc gia của Úc bao gồm ba cấp học. Cấp tiểu học được dạy từ 7 đến 8 năm, bắt đầu từ lớp Dự bị đến lớp 6 hoặc lớp 7. THCS học 4 năm, từ lớp 7 hoặc lớp 8 đến lớp 10. Cấp THPT kéo dài 2 năm từ lớp 11 đến lớp 12. Mặc dù chúng thuộc cùng một tổ hợp Khoa học Xã hội và Nhân văn, các môn học được giảng dạy riêng biệt với nhau. 

Khu phức hợp được chia thành các môn học khác nhau và được giảng dạy ở tất cả các cấp. Từ lớp Dự bị đến lớp 10, học sinh học các môn Khoa học xã hội và Nhân văn bao gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Quốc tịch, Kinh tế và Kinh doanh. Đối với lớp 11 đến lớp 12, tổ hợp Khoa học xã hội và nhân văn được chia thành các phần gồm Lịch sử cổ đại, Địa lý và Lịch sử hiện đại. Các môn học này đều bắt buộc từ năm F đến năm 12.

Nhật Bản

Hệ thống giáo dục của Nhật Bản cũng chia làm 3 cấp: tiểu học được học trong vòng 6 năm từ lớp 1 đến lớp 6, THCS được thực hiện trong vòng 3 năm từ lớp 7 đến lớp 9 và THPT từ lớp 10 đến lớp 12 trong vòng 3 năm. Giáo dục Nhật bản bắt buộc với tất cả các học sinh từ lớp 1 đến lớp 9. Ở Nhật, bộ môn Khoa học xã hội sẽ được giảng dạy bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 6, tức là ở cấp tiểu học. Ở cấp THCSTHPT, Khoa học xã hội vẫn là môn bắt buộc, đó là một tổ hợp gồm các môn Lịch sử (Lịch sử Nhật Bản và Lịch sử thế giới), Địa lý, Xã hội học, Chính trị học, Kinh tế và Giáo dục công dân. Tuy nhiên, ở cấp THPT, Lịch sử và Địa lý được giảng dạy như 1 học phần. Ngoài ra, học sinh ở Nhật còn được lựa chọn 1 số môn học tự chọn như Khoa học Máy tính, Mỹ thuật hoặc Âm nhạc.

Ở đây có sự tồn tại song song của cả các môn tích hợp và môn độc lập. Đối với giáo dục lịch sử, môn tích hợp mà cụ thể ở đây là môn Khoa học xã hội (Nghiên cứu xã hội) sẽ chú trọng học tập giải quyết vấn đề, nhắm vào giáo dục phẩm chất công dân trong khi môn Lịch sử với tư cách là môn độc lập nhắm vào giáo dục tư duy và phương pháp sử học.

Ở châu Á, Nhật Bản là nước tích hợp Lịch sử vào môn Tìm hiểu xã hội từ rất sớm và hiện nay trong chương trình THPT Nhật Bản, Lịch sử Nhật Bản là một môn lựa chọn (nên 40% học sinh THPT Nhật Bản không học), còn môn Lịch sử thế giới thì một phân môn bắt buộc của môn "Địa lý và Lịch sử" (được tách khỏi môn Tìm hiểu xã hội cũ, cùng với môn Giáo dục công dân từ những năm 1990). Việc một nước Nhật Bản có hàng nghìn năm lịch sử mà có đến 40% học sinh THPT Nhật Bản không đăng ký học môn Lịch sử (như là môn tự chọn) là một điều mà đa số người dân Nhật không chấp nhận, buộc chính phủ phải xem xét thay đổi.

Vì vậy gần đây, dưới áp lực của xã hội, chính phủ và Hội đồng giáo dục quốc gia Nhật Bản xem xét sửa đổi chương trình để từ năm 2019, môn Lịch sử sẽ trở thành môn bắt buộc trong chương trình THPT. 

Pháp

Hệ thống giáo dục của Pháp được chia thành hai loại giáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Giáo dục phổ thông bao gồm: nhà trẻ (la garderie, nhận trẻ từ 2 đến 6 tuổi), trường tiểu học (l’école primaire), trường THCS (le collège) và trường THPT (le lycée). Sau cải cách của Jean Berthoin năm 1959, Cộng hòa Pháp thực hiện chính sách giáo dục bắt buộc và miễn phí cho lứa tuổi từ 6 đến 16 thông qua hệ thống các trường học do Bộ Giáo dục quốc gia quản lý.

Sách giáo khoa Lịch sử ở Pháp được biên soạn bởi những nhóm giáo viên do tổ chức IPR thanh tra giáo dục đề cử (IPR viết tắt của Inspecteurs Pédagogiques Régionnaux, là Thanh tra Sư phạm Khu vực/Vùng phụ trách đánh giá các giáo viên trung học). Tại từng trường, các giáo viên bỏ phiếu chọn một trong số những sách giáo khoa được in ở các nhà xuất bản khác nhau (ví dụ năm 2016 có 8 nhà xuất bản như thế). 

Ở Pháp, do thực hiện chế độ giáo dục bắt buộc cho tới 16 tuổi, học sinh từ lớp 6 tới lớp 9 phải học xong những giai đoạn lớn của Lịch sử kể từ thời Cổ đại tới thế giới đương đại. Nền giáo dục Pháp thực thi chính sách đa dạng hóa người viết sách giáo khoa cũng như các nhà xuất bản phát hành phù hợp với khung chương trình do Bộ giáo dục quốc gia thẩm định và cho phép sử dụng rộng rãi trong nhà trường ở tất cả các cấp, lớp. 

Sách giáo khoa lịch sử của Pháp được biên soạn theo hai cách. Bên cạnh các sách giáo khoa viết theo tiến trình thời gian, niên đại lịch sử lần lượt từ cổ đại đến hiện đại, còn có các sách giáo khoa biên soạn theo chủ đề lịch sử. 

Trong hệ thống giáo dục Pháp không có khái niệm “môn chính, môn phụ”, tất cả các môn học đều góp phần hình thành kiến thức, định hướng tư tưởng và phát triển kỹ năng cho học sinh, đặc biệt là kỹ năng sống và kỹ năng thực hành. 

Qua chương trình giảng dạy môn Lịch sử ở các quốc gia trên, TS Linh cho hay: "Môn Lịch sử ở các nước được giảng dạy theo 2 luồng: Một là bắt buộc, hai là định hướng nghề. Ở Việt Nam, môn Lịch sử không còn là môn học thuần túy trong nhà trường mà lịch sử là nguồn gốc, nguồn cội, là lòng tự hào, truyền thống dân tộc".

Mới đây, Ủy ban Văn hoá Giáo dục cho biết, môn Lịch sử có vị trí đặc biệt, có ý nghĩa rất quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Vì vậy cần tiếp thu ý kiến đông đảo của cử tri, các tầng lớp nhân dân theo hướng quy định môn Lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp; thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem