Mong manh cuộc chiến bảo vệ rừng

Thứ ba, ngày 13/07/2010 20:08 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, Đăk Lăk là một trong 5 tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với khoảng hơn 608.000ha. Song những năm qua, tài nguyên rừng ở đây bị xâm hại nghiêm trọng.
Bình luận 0
 img
Rừng bị tàn phá ở tiểu khu 193.

Thực trạng đau lòng

Lâm trường Buôn Gia Wầm nằm trên địa bàn xã Eakiết, huyện CưMnga có diện tích 9.100ha rừng tự nhiên, với nhiều loại gỗ quý như căm xe, bằng lăng, táu. Tuy nhiên do địa hình chủ yếu là núi đồi, giao thông đi lại khó khăn, dân cư rất phức tạp, nên đã tạo điều kiện thuân lợi cho bọn lâm tặc khai thác gỗ trái phép, gây không ít khó khăn cho các lực lượng quản lý và bảo vệ rừng. Khi bị phát hiện, chúng sẵn sàng đánh trả quyết liệt để cướp lại gỗ.

Điển hình vào ngày 27 - 10 – 2009, trong lúc áp giải 4 tên lâm tặc từ trong rừng sâu về lâm trường, 3 cán bộ trong tổ tuần tra bảo vệ rừng đã bị chúng tấn công rồi tháo chạy làm 1 cán bộ chết tại chỗ, 2 cán bộ khác bị thương tật 18% và 10%. Trước đó 4 tháng cũng tại lâm trường này, trong lúc đang khống chế một số tên lâm tặc chở gỗ trái phép anh Nguyễn Kim Mưu đã bị tên Lê Văn Thuật dùng súng tự chế bắn thẳng vào phần bụng làm bị thương nặng phải đi cấp cứu.

Nằm ngay bên cạnh Lâm trường Buôn Gia Wầm là Công ty Lâm nghiệp Chư Ma Lanh, quản lý 15.000ha rừng tự nhiên, trong đó có cả rừng phòng hộ. Cách đây 5 năm, nơi đây vẫn còn bạt ngàn các loại gỗ quý, cổ thụ. Nhưng chỉ 2 năm trở lại đây, rừng Chư Ma Lanh bị tàn phá kiệt quệ. Vô số cây cổ thụ bị đốn hạ, thậm chí có vùng rừng bị khai thác trắng. Được biết đây là một trong những tiểu khu có nhiều loại gỗ quý hiếm từ nhóm 1 tới nhóm 5.

Vào trong chừng vài cây số là các tiểu khu 272, 273, 274 tình trạng cũng tương tự. Hầu như không còn gỗ to mà chỉ còn loại rừng khộp, rừng nghèo không còn sức sống. Cửa rừng mở, xe cộ đi lại rầm rập cả ngày lẫn đêm, tiếng cưa máy nổ đinh tai, nhức óc.

Xẻ thịt rừng quốc gia

Theo ý kiến của lãnh đạo Vườn quốc gia Yook Đôn thì có dấu hiệu tiếp tay của kiểm lâm với lâm tặc. Thậm chí số gỗ sau khi bắt được di lý về trạm cũng bị kiểm lâm tẩu tán một phần.

Tình trạng phá rừng không chỉ xảy ra ở các công ty lâm nghiệp nhỏ lẻ mà thời gian này còn lấn sâu sang cả Vườn quốc gia Yook Đôn với diện tích 155.545ha (lớn nhất cả nước). Đáng lo ngại hơn là lâm tặc ở đây rất hung hãn, chúng ngang nhiên “tiến quân” rậm rộ vào xẻ thịt các khu rừng cấm như vào chốn không người, khi bị bắt thì dùng đủ mọi cách để đánh trả hòng tháo chạy.

Mới đây, tại tiểu khu 508 thuộc địa bàn quản lý của Trạm kiểm lâm số 5 thuộc Vườn quốc gia Yook Đôn, chúng tôi đếm được 17 cây cẩm lai và hàng chục cây giáng hương bị đốn hạ, phần lớn số lượng gỗ đã bị chuyển đi. Điều lạ là số gỗ bị chặt phá nằm ngay cạnh Trạm kiểm lâm số 5.

Khai thác gỗ lậu đã đem lại lợi nhuận “kếch sù”, nên dù bị pháp luật nghiêm cấm, bọn lâm tặc vẫn lén lút khai thác, bắt tay với một số kiểm lâm tha hóa phẩm chất. Nếu tình trạng này kéo dài thêm vài năm nữa, thì chắc chắn những khu rừng đặc dụng, rừng quốc gia với hệ thống động thực vật phong phú, quý hiếm của Tây Nguyên sẽ kiệt quệ, người dân sẽ đối mặt với những hệ lụy khôn lường từ thiên nhiên. Dư luận đang trông chờ các cơ quan chức năng của tỉnh Đăk Lăk khẩn trương vào cuộc nhằm cứu vãn tình hình, trả lại màu xanh cho đại ngàn Tây Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem