Hộ nghèo giảm, hộ cận nghèo tăng
Bản Túm (xã Trung Hà, huyện Chiêm Hóa) là một trong 2 thôn bản của tỉnh Tuyên Quang được triển khai thí điểm Đề án “Nâng cao đời sống, phát triển kinh tế-xã hội cho vùng đồng bào dân tộc Mông” đã 3 năm nay. Theo ông Hà Phúc Lâm - Trưởng phòng Dân tộc huyện Chiêm Hóa, tới nay Bản Túm đã được bố trí hơn 9,2 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng lưới điện, hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo ở Bản Túm từ mức 71% năm 2011 đã giảm còn 56,9% năm 2013.
Nhưng điều làm ông Lâm trăn trở là kết quả giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc Mông ở Bản Túm nói riêng, của huyện Chiêm Hóa nói chung, chưa thực sự bền vững. Ông dẫn chứng: Bản Túm có tất cả 80 hộ, trong đó có 15 hộ dân tộc Mông. Đến hết năm 2013, trong 15 hộ đó có 6 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo. “Dẫu hộ nghèo có giảm thì số hộ cận nghèo lại tăng. Mà cận nghèo và nghèo ở vùng khó cũng không chênh nhau là mấy, cũng đều nghèo và đói giáp hạt cả” - ông Lâm nói.
Ở huyện Na Hang, theo ông Bàn Đức Minh - Trưởng phòng Dân tộc huyện: Năm 2011, toàn huyện có 4.980 hộ nghèo và 937 hộ cận nghèo. Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (2011-2013), số hộ nghèo giảm xuống còn 3.328, nhưng số hộ cận nghèo lại tăng lên 2.185. “Nghĩa là trong 3 năm, số hộ cận nghèo ở Chiêm Hóa tăng thêm 1.248, trong đó có 86 hộ dân tộc Mông. Từ cận nghèo chuyển sang nghèo là rất dễ xảy ra” - ông Minh giải thích.
Khó giảm nghèo nếu chưa ổn định
Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 3.382 hộ người Mông sinh sống rải rác tại 209 thôn bản, tổ dân phố. Dân số ít, lại không cư trú tập trung nên dù đồng bào dân tộc Mông có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất (chiếm 61,12% tổng số hộ dân tộc Mông toàn tỉnh) trong 22 dân tộc đang sinh sống trên địa bàn, nhưng để xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ đặc thù là rất khó. Hiện nay vẫn còn có 474 hộ đồng bào dân tộc Mông thuộc diện hộ nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất; nhiều hộ sinh sống trong rừng đặc dụng, trong vùng thiên tai; nhiều hộ vẫn định cư tự do...
Năm 2013, Tuyên Quang được bố trí gần 3,4 tỷ đồng để thực hiện ĐCĐC cho đồng bào dân tộc Mông. Nhưng công tác ĐCĐC cũng gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ở huyện Chiêm Hóa, theo ông Hà Phúc Lâm, hiện có 2 điểm đồng bào Mông đang sinh sống, sản xuất thuộc rừng đặc dụng cần thiết phải di dời gồm điểm thôn Hiệp (xã Hà Lan) có 6 hộ; điểm thôn Lung Moong (xã Linh Phú) có 20 hộ. Do mức hỗ trợ thấp, trong khi các hộ này đều nghèo nên không thể di dời. Hơn nữa, quỹ đất của huyện rất hạn hẹp, không biết bố trí vào đâu, huyện đang chờ cơ chế của tỉnh.
Trong khi đó, ông Phạm Trung Cương - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, cho biết: “Hiện tỉnh vẫn chưa cơ chế hỗ trợ đặc thù cho vùng đồng bào dân tộc Mông. Do đồng bào sống không tập trung nên việc xây dựng chính sách đầu tư, hỗ trợ rất khó”. Cùng với thôn Bản Túm, tỉnh Tuyên Quang đang thí điểm triển khai Đề án “Nâng cao đời sống, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông” tại thôn Nà Vơ (xã Kiến Thiết, huyện Yên Sơn), làm cơ sở để xây dựng chính sách hỗ trợ đặc thù phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào Mông trong toàn tỉnh.
Tính đến hết năm 2013, toàn tỉnh Tuyên Quang có 3.382 hộ người Mông thì có 2.067 hộ thuộc diện nghèo; còn lại đa số thuộc hộ cận nghèo. (Nguồn: Ban Dân tộc Tuyên Quang).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.