Tương xứng với lợi thế của tỉnh
Lâm Đồng được xem là tỉnh có tốc độ phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhanh nhất cả nước với khoảng 5.000ha nhà kính. Tuy nhiên, thực tế chỉ có khoảng 10% nhà kính đạt tiêu chuẩn, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất của người dân. Mới đây, Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt đã cho ra mắt sản phẩm nhà kính thông minh do chính thầy trò của trường nghiên cứu và xây dựng.
Thầy Nguyễn Mạnh Cường, cài đặt các thông số trong mô hình nhà kính thông minh. Ảnh: V.L
"Đây là công nghệ điều khiển trên nền tảng Internet kết nối vạn vật nên chủ nhân các nhà kính dù ở bất cứ đâu vẫn có thể theo dõi, lập trình, chăm sóc vườn của mình bình thường, miễn là điện thoại có kết nối mạng 4G hay wifi…”.
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng khoa Điện-Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt
|
Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt chia sẻ: “Mô hình được nghiên cứu xây dựng với mong muốn làm ra những ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh Lâm Đồng và các sản phẩm có giá thành thấp, tiết kiệm để người dân dễ dàng tiếp cận, nâng cao chất lượng sản phẩm. Không những thế, nếu đưa vào sản xuất, mô hình sẽ giúp người dân giảm thời gian, công sức canh tác”.
Vừa điều khiển mô hình của mình, thầy Nguyễn Mạnh Cường vừa nói: “Mô hình này đưa vào sản xuất sẽ tự động hoàn toàn từ khi xuống giống cây trồng. Chẳng hạn, khi đưa vào nhà kính trồng một loại cây nào đó, hệ thống đã sắp đặt trước các yêu cầu kỹ thuật khi canh tác loại cây đó. Ví dụ, cây 1 tuần tuổi, 1 tháng tuổi, khi ra hoa… cần chế độ dinh dưỡng, độ ẩm, ánh sáng như thế nào, hệ thống đã cài đặt sẵn và tự động hoàn toàn”.
Để công trình đi vào hoạt động, ban đầu, thầy trò trong trường phải thực hiện nuôi trồng thử nghiệm nhằm có các thông số cụ thể cho từng loại cây, từ đó viết chương trình điều khiển tự động cho các cây trồng khác nhau. “Kể từ khi nhận công trình của nông dân, chúng tôi mất khoảng 2 tuần để viết xong chương trình và tiến hành lắp ráp hệ thống cho họ. Bên cạnh đó, chúng tôi còn liên kết với khoa Nông nghiệp trong trường để lấy thông tin đã có của một số loại cây” - thầy Cường chia sẻ.
Hiện nay, mô hình đã xây dựng được hệ thống thông tin của các loại rau, dâu và hoa lan. Sắp tới, thầy Cường và học trò sẽ tiếp tục xử lý để hoàn thiện và bổ sung thêm cho các loại cây trồng khác nhằm đáp ứng nhu cầu cho nhiều hộ gia đình.
Sản xuất đại trà
Chính vì làm chủ được công nghệ, sản xuất nên khi đưa vào thực tiễn, thầy Cường cùng với các học trò của mình muốn “sản xuất đại trà”.
“Toàn bộ hệ thống của tôi và các học trò thiết kế khá giống với nhà kính thông thường. Tuy nhiên, với những hộ gia đình đã có nhà kính muốn lắp đặt, chúng tôi phải thiết kế lại một chút để phù hợp với các phương tiện máy móc như trung tâm điều khiển, các van điện, máy bơm và dàn ống tưới” - thầy Nguyễn Mạnh Cường vừa thao tác trên mô hình vừa chia sẻ.
Hiện tại, một người học trò đã ra trường của thầy Cường đang tiến hành xây dựng 1.000m2 nhà kính tại huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) để lắp đặt hệ thống điều khiển tự động này. Đây được xem là bước đệm, sự khởi đầu để thầy Cường áp dụng mô hình vào thực tế, cũng như tìm ra những khuyết điểm của mô hình nhằm hoàn thiện khi tiến hành xây dựng cho người dân.
Thầy Cường cho biết, năm 2006, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt hợp tác đào tạo với Pháp nên được tặng một mô hình nhà kính thông minh. Tuy nhiên, nhận thấy việc hoạt động của mô hình này còn nhiều điểm yếu, đơn điệu và khả năng áp dụng vào thực tế khó nên thầy đã cùng với các sinh viên và đồng nghiệp nghiên cứu để xây dựng nên mô hình như hiện tại, khắc phục được các lỗi từ mô hình cũ. Làm sao khi đưa vào thực tiễn, mô hình đảm bảo cho việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.