Đầu tiên là cảm giác thật lạ khi ngồi vào ghế của các con, nhìn lên bảng, sống lại cái hồi hộp về thời cắp sách đã rất xa, lâu nay bị phủ lấp bởi cuộc mưu sinh nhiều vướng bận. Đó là một lớp 8 bình thường, không thuộc diện lớp chuyên hay lớp chọn, mà vì lý do tế nhị, muốn bảo vệ các em trước các hiệu ứng truyền thông mà tôi xin không gọi ra tên lớp cũng như thay đổi tên họ của những em học sinh được nhắc tới trong bài viết này.
|
Một buổi dã ngoại của học sinh PTCS Marie Curie |
Cô giáo chủ nhiệm bước vào lớp, các ông bố bà mẹ không ai bảo ai cùng đứng dậy chào. Sau một thoáng bỡ ngỡ, cô giáo trẻ mỉm cười, thong thả nói về chuyện trường, chuyện lớp, chuyện học, chuyện chơi của những cô cậu học sinh bắt đầu bước vào cái tuổi giở ông giở thằng.
Một vị phụ huynh rơm rớm nước mắt giơ tay xin phát biểu. Chị nói: “Trong số các vị đến đây, có lẽ tôi là người mong cuộc họp này nhất. Bởi bây giờ tôi mới có cơ hội nói lời cảm ơn tới các vị, vì các vị đã sinh ra những đứa con làm tôi hết sức ngưỡng mộ. Đó là những người bạn tuyệt vời của con trai tôi, đã giúp con trai tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời của cháu.”
Chị là mẹ của cháu Cường. Cường vốn là một học sinh ham học và học giỏi. Nhưng bước vào năm học mới, em trải qua một cuộc đại phẫu, phải nằm bất động điều trị dài ngày ở nhà. Bố mẹ Cường đã nghĩ tới khả năng cho con học lui lại một năm vì lý do sức khỏe.
Thế nhưng sau mỗi buổi học, các bạn cùng lớp đã tự động thay phiên nhau mang vở ghi bài giảng đến cho Cường. Mặc dù cô giáo cho phép em không phải chép lại bài, có thể dùng bản photocopy nhưng Cường kiên quyết từ chối sự ưu tiên ấy. Em gắng gượng chép từng bài một, lúc nào mệt quá thì em nhờ bố mẹ chép hộ.
Khi có thể di chuyển bằng xe lăn, Cường nằng nặc đòi đi học. Mẹ Cường kể tiếp: “Đưa con vào lớp rồi mà tôi lo thắt ruột. Cả ngày hôm ấy, chẳng làm được việc gì ra hồn, chỉ mong hết giờ đến đón con. Và khi nhìn thấy ánh mắt hân hoan sáng bừng trên gương mặt xanh xao của cháu, tôi òa khóc vì biết mọi chuyện đã tốt đẹp.”
Trong suốt thời gian ở lớp, các bạn đã phân công nhau giúp đỡ Cường từ cái bút, quyển vở đến cốc nước, bát cơm. Giờ ra chơi, một học sinh thuộc loại hiếu động nhất lớp tự nguyện đứng chắn trước mặt Cường để đề phòng các bạn khác đùa nghịch có thể va phải làm Cường đau.
Và điều đáng nói là tổng kết học kỳ I vừa qua, tuy không thể tham gia thi tất cả các môn vì lý do sức khỏe, nhưng Cường vẫn đạt học sinh giỏi mức G1, đứng đầu lớp với điểm trung bình 9,6. Em còn là thành viên đội tuyển thi văn giỏi của khối.
Cô giáo chủ nhiệm kể lại: “Nét đáng yêu đặc biệt của các em học sinh lớp chúng ta là tinh thần đồng đội. Thường khi có học sinh nào bị điểm kém vì lý do kỷ luật hay nề nếp, các thầy sẽ giao thêm bài mới, để các con có cơ hội gỡ điểm. Ở cái tuổi còn ganh đua, tôi đã gặp không ít trường hợp các em đố kỵ, dằn hắt, thậm chí kiện cáo vì bạn được điểm cao. Thế nhưng trong lớp này, mỗi khi có bạn nào gỡ được điểm, cả lớp đồng loạt vỗ tay hoan hô.”
Tôi lắng nghe và tự hỏi, không lẽ nét đặc biệt đáng yêu này tự dưng mà có? Nhưng khi nghe cô giáo nói về trường hợp của bạn Lan, thì tôi đã hiểu.
“Lan là một bé gái khỏe mạnh, sôi nổi, thể hình tốt, nhưng còn vô kỷ luật, hay chành chọe với bạn. Khi lớp thành lập đội bóng rổ, Lan thích lắm, xin tham gia. Sau khi suy nghĩ, tôi đã từ chối. Tôi bảo em: “Cô biết con có thể chơi tốt, nhưng con chưa ngoan. Hơn nữa, đây lại là một trò chơi đồng đội.” Lan buồn lắm.
Hôm sau em và một số bạn trong đội bóng lên gặp tôi, hứa sẽ sửa chữa khuyết điểm, miễn là được cô cho vào đội. Đến lúc ấy tôi mới đồng ý. Kết quả, đội bóng nữ của lớp đã đoạt giải nhất toàn trường kỳ thi vừa rồi. Lan thi đấu xuất sắc.
Buổi liên hoan đội bóng, Lan chỉ hỏi đi hỏi lại tôi một câu: “Cô ơi, con đã ngoan hơn chưa cô?” Tôi ôm chặt lấy em, muốn ứa nước mắt.”
Đến lượt một phụ huynh nam xin phát biểu: “Vừa rồi mẹ cháu Cường đã nói lời cảm ơn tới các vị. Còn tôi lại muốn nói lời xin lỗi các vị. Cháu Thắng nhà tôi tính hay nghịch, có thể cháu đã làm tổn thương đến các bạn, đến con của các vị…”
Lập tức mọi người ồn lên động viên vị phụ huynh này. “Trẻ con ấy mà!” “Thắng chính là cậu bé đứng chắn trước mặt cháu Cường nhà tôi để bảo vệ bạn đấy!”…
Kết thúc buổi họp, Ban phụ huynh học sinh xin phép cô giáo cho được họp riêng về tài chính. Cô giáo chủ nhiệm nói: “Tuy buổi họp chính thức đã xong, nhưng tôi xin được cùng tham dự có được không ạ? Bởi vì các vị bàn về việc của học sinh ngay trong lớp của các con nên cô giáo chủ nhiệm không thể không biết. ” Điều cô giáo muốn lưu ý chúng tôi là chấp hành nghiêm chỉ thị của Bộ GD&ĐT về sử dụng Quỹ phụ huynh học sinh đúng mục đích, tránh những hiểu lầm, dư luận không hay…
Lâu nay, nghe, đọc khá nhiều chuyện tiêu cực trong ngành giáo dục, từ đó nhìn việc, nhìn người không khỏi có phần xét nét. Nhưng có nhiều việc, chỉ khi mình là người trong cuộc, mới khách quan, công bằng hơn để hiểu cái gian nan, cái bất cập, cả cái sự tận tụy, hết lòng với việc vô cùng khó là trồng người.
Buổi họp phụ huynh này khiến tôi nhớ đến những lần trao đổi với nhà văn Nguyên Ngọc. Khi tôi hỏi ông về nguồn cơn những hiện tượng đáng buồn trong giới trẻ hôm nay như sự vô cảm, thiếu ý chí, lười biếng, bạo lực, thậm chí tội ác; ông đã im lặng rất lâu rồi trả lời ngắn gọn: Giáo dục. Đó cũng là lý do vì sao bây giờ ông dành phần lớn thời gian và tâm huyết cho công việc này.
Giai đoạn phổ thông cơ sở là thời gian đặc biệt khó khăn trong cuộc đời của mỗi con người khi một đứa trẻ chuẩn bị thành người lớn, điều này đã được các chuyên gia lý giải khá thuyết phục trong cuốn sách nổi tiếng Hoa hồng giấu trong cặp sách.
Nhìn từ một buổi họp phụ huynh cuối năm có thể chưa đầy đủ, nhưng đã thêm một lần nhận thức: Rất cần sự phối hợp, sẻ chia, thấu hiểu giữa gia đình và nhà trường, cộng với những phương pháp giáo dục phù hợp với lứa tuổi, giới và thời đại, một môi trường nhân ái, lành mạnh để giúp các cây con lớn lên an toàn và tỏa bóng mát.
Hữu Việt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.