Thiếu tướng Võ Sở - nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Binh đoàn Trường Sơn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh đường Trường Sơn nhớ lại thời hào sảng và đau đáu về việc truyền lại sức mạnh tinh thần của con đường xưa với tuổi trẻ hôm nay.
Những chiếc xe ô tô đầu tiên cơ động chở hàng hóa trên đường Trường Sơn
Con đường này đã đi vào lịch sử bởi tầm vóc của nó, thể hiện sự ác liệt của chiến tranh, sự ra đời của nó ban đầu có thể hiện được tầm vóc ấy không, thưa Thiếu tướng?- Sau khi Hiệp định Geneve thất bại, năm 1959 T.Ư Đảng nhận định đấu tranh chính trị không được, phải đánh bằng quân sự. Muốn giải phóng miền Nam thì phải có sự chi viện, phải đưa người vào, đưa vũ khí, lương thực thực phẩm vào để sát cánh cùng miền Nam đánh Mỹ. Năm 1959, đường Trường Sơn được mở với ý nghĩa như vậy và đã thể hiện tầm vóc lịch sử đó.
Ban đầu quy mô con đường nhỏ, sau này chiến tranh lan rộng thì con đường phải mở rộng hơn, phải có đường cho xe cơ giới đi. Tính từ năm 1961, chúng ta đã mượn đường của 4 tỉnh Lào, 3 tỉnh của Campuchia (đồng thời giúp nước bạn giải phóng các tỉnh đó) và có 2 đường Đông và Tây Trường Sơn.
Nói về sự ác liệt thì lịch sử đã viết rất nhiều. Tôi chỉ tóm gọn lại, đây là địa bàn địch đánh phá ác liệt nhất (và cao điểm là từ 1966-1973) với số lượng bom đạn nhiều nhất: 4 triệu tấn. Các loại máy bay và chất độc hóa học hiện đại nhất cũng sử dụng ở đây, đặc biệt là ở Quảng Bình, Quảng Trị, A Sầu- A Lưới (Thừa Thiên- Huế); Kon Tum. Bất chấp ác liệt, con đường vẫn vươn mình lớn mạnh, trục dọc chạy thẳng vào TP.HCM và nhiều trục ngang chạy ngang các tỉnh chi viện cho nhiều chiến trường.
Thiếu tướng đánh giá con đường này thế nào ở khả năng chi viện?- Suốt mười mấy năm, trên con đường này đã vận chuyển nhiều đạn dược, thực phẩm… nhưng lực lượng chi viện mà tôi muốn nhấn mạnh tới là nhân lực. Miền Bắc đã bổ sung cho miền Nam hàng triệu lượt thanh niên (là quân bổ sung, chưa tính quân chủ lực đi theo các trung đoàn biên chế chính thức).
Khi tôi về quê (Đức Phổ, Quảng Ngãi), nhiều anh em kể lực lượng bổ sung quân số này vào thậm chí còn vào làm du kích xã ở các tỉnh miền Nam. Học sinh lớp 9,10, đang học dở đại học những năm 1973 đi vào chiến đấu đông vô kể. Mỗi đợt bổ sung đi hàng ngàn người.
Trong đợt tấn công Mậu Thân (năm 1968), địch đã rất sửng sốt khi thấy pháo binh và quân chủ lực của chúng ta ào xuống từ những cánh rừng. Thực tế vận chuyển ở đường Trường Sơn cho hoạt động này thế nào, thưa Thiếu tướng? - Đúng, và đó là sức mạnh đến từ những cánh rừng. Đó là điều người ta ít nói tới. Lần đầu tiên, năm 1968 ta sử dụng xe tăng để đánh Làng Vây (Quảng Trị) chính là đi theo đường Trường Sơn đến Khe Bôn. Bộ đội Trường Sơn dùng phà bí mật chở xe tăng trên sông Sê Pôn (đối diện Lao Bảo của ta) đánh vào Quảng Trị. Đi kèm với xe tăng, chúng ta phải đưa 1 binh trạm, 1 trung đoàn cao xạ để đảm bảo giải phóng Khe Sanh. Việc đưa xe tăng vào chiến trường này bí mật đến độ khi ta dùng xe tăng đánh, địch vô cùng bất ngờ.
16 năm vận hành đường, lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn TNXP và dân công hỏa tuyến, kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường. “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”. Bộ đội Công binh Trường Sơn đã làm lên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17.000km đường xe cơ giới.
|
Tuy nhiên, điều đáng tiếc nhất ở đợt tấn công năm 1968 là tháng đầu tiên ta đánh cấp tập sau đó đánh kéo dài, địch phản công lại, chúng ta tổn thất nhiều.
Là người đã trải qua cả thời tuổi trẻ trên con đường đó, điều để lại dấu ấn đặc biệt với Thiếu tướng là gì?-Những năm tháng đó, điều làm chúng tôi trăn trở nhất là làm thế nào để giảm tổn thất xương máu. Năm 1968, tôi lúc đó là Chính ủy Binh trạm 31, đóng quân ở Lào. Thời điểm này, vấn đề khó khăn nhất là mở đường. Bom Mỹ đánh phá ác liệt, công binh với pháo binh cao xạ hy sinh nhiều lắm. Chúng tôi và anh em trong binh trạm đi nghiên cứu mở đường tránh để giảm thương vong.
Một điểm mà tôi vẫn luôn nhớ tới, đó là tinh thần quật cường của lính Trường Sơn. Những năm 1971-1972, bộ đội đói lắm. 1 ngày chỉ được ăn có 3 lạng gạo (lái xe được 6 lạng gạo), còn lại phải hái rau ăn trừ bữa mà phải làm liên tục. Thế nhưng, khi vận chuyển lương thực, hàng nào là hàng nội bộ cho đơn vị thì dùng, còn hàng cho chiến trường (gạo, thực phẩm) chuyển vào miền Nam thì không ai đụng đến dù chỉ 1 hạt gạo. Người lính chiến đấu ở Trường Sơn đã giữ vững quyết tâm này. Anh em chuyển hàng, giữ hàng trong bối cảnh đói và sốt rét kinh khủng. Có binh trạm sốt rét chết đến hơn 100 người vì không có đủ thuốc men.
Trải qua 55 năm thành lập con đường, Thiếu tướng nhận định thế nào về việc ghi nhận ý nghĩa và vấn đề bảo tồn con đường lịch sử này? - Con đường có ý nghĩa rất lớn, góp phần quyết định cho thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh, con đường mang tên Bác Hồ, thực hiện quyết tâm của Bác Hồ: “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn, ta quyết thắng giặc Mỹ xâm lược”, mang thắng lợi cho cả 3 nước Lào, Việt Nam, Campuchia và cũng là con đường của tương lai: Đường xuyên Việt. Tôi đánh giá đây là con đường phát huy sức mạnh của cả nước với rất nhiều lực lượng tham gia.
Thực hiện Nghị quyết 15 của Đảng, ngày 19.5.1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam. Biên chế ban đầu của Đoàn là 500 cán bộ, chiến sĩ, lấy phiên hiệu là Đoàn 559 do thượng tá Võ Bẩm là Đoàn trưởng. Đoàn 559 tổ chức Tiểu đoàn vận tải bộ mang tên 301, tổ chức thành 11 đội (9 đội làm nhiệm vụ vận tải, 1 đội trinh sát bảo vệ, 1 đội làm nhiệm vụ xây dựng hậu cứ, xây dựng kho, bao gói hàng hóa, sửa chữa vũ khí, chế biến thực phẩm...). Đầu tháng 6.1959, Đoàn 559 tổ chức đội khảo sát mở tuyến vào Nam bắt đầu từ Khe Hó. Nguồn: Tài liệu của Hội Cựu chiến binh đường Trường Sơn
|
Về vấn đề ghi nhận và bảo tồn, theo tôi, Chính phủ đã làm được hơn thế. Ngày 9.12.2013 vừa qua, Chính phủ ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cho đường Hồ Chí Minh. Không có quần thể di tích nào rộng lớn hơn đường Hồ Chí Minh có phạm vi bao trùm 11 tỉnh Đông Trường Sơn, từ Nghệ An tới Bình Phước, trong đó có 37 di tích nhỏ, các tỉnh tự xây dựng và quản lý.
Nhiều người cho rằng với cách dạy sử như hôm nay, học sinh, sinh viên không mấy ai còn quan tâm tới sự hy sinh của lớp cha anh khi xây dựng con đường cũng như ý nghĩa của nó. Theo Thiếu tướng, làm thế nào để tinh thần yêu nước, ý chí bất khuất từng thể hiện trên con đường “thấm” vào giới trẻ?- Tôi đã đọc sách giáo khoa lịch sử và nhận thấy thông tin về con đường được đưa một cách chính thống nhưng chưa đầy đủ. Một điểm nữa tôi thấy sách giáo khoa chưa nói được, đó là sự vĩ đại của con đường. Lần đầu tiên trên con đường này, Việt Nam tổ chức được cả sư đoàn xe với hơn 1.000 xe, dùng cơ động xe để vận chuyển quân đoàn chủ lực; rút ngắn thời gian chuyển quân xuống còn 12 ngày đêm (từ Quảng Bình vào miền Nam). Có những đoàn công binh trong 20 ngày làm được 20km đường…
Về tư liệu lịch sử, tôi thấy Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đã có sơ đồ, đồ họa thể hiện hệ thống đường Hồ Chí minh, các giáo viên dạy sử có thể tham khảo ở đó xây dựng bài giảng hấp dẫn hơn, hoặc tạo điều kiện cho học sinh tham quan học tập để tìm hiểu sự vĩ đại của con đường
Xin cảm ơn Thiếu tướng
Huyền Thanh (thực hiện) (Huyền Thanh (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.