Cái tinh thần cốt lõi của sự kiện em Nam hy sinh thân mình cứu 5 bạn nhỏ đã được khẳng định bởi lương tri con người thông thường, có thể nắm chắc là sẽ không có ý kiến bình luận trái chiều với hai đức tính nổi bật là dũng cảm và hy sinh. Nhưng dù sao người ra đề thi năm nay đã có một thay đổi đáng trân trọng so với các năm trước. Đề đã bám được vào cuộc sống chứ không là những đánh đố gửi xuống từ trên trời hoặc sa vào sự nhàm chán có thể dễ dàng giết chết mọi cảm hứng hoặc suy nghĩ độc lập của thí sinh kiểu "bài văn mẫu".
Những năm trước, các em "làm văn" bằng cách nhắc lại một cách trung thành những gì được học, kiểu vẹt trả bài. Năm nay, các em chỉ sử dụng "kỹ năng viết bình luận" đã được học trong chương trình và được viết lên những suy nghĩ từ lương tri trong bài thi. Một cánh cửa đã mở ra tuy còn rụt rè nhưng đó là điểm son cho đề thi văn năm nay. Theo nhà sư phạm lỗi lạc Macarenko, trẻ em biết suy nghĩ độc lập từ một tuổi rưỡi, nếu muốn uốn nắn thì phải làm từ tuổi ấy. Dạy trẻ từ lúc còn thơ mà! Nhưng đây là bài thi viết của các cô tú, cậu tú, những người ở các thời kỳ khác trong lịch sử dân tộc đã có thể là nhà cách mạng hay nhà văn nhà thơ xuất sắc. Bắt họ làm theo "bài văn mẫu" như mấy năm trước là "phản văn", dẫn tới hậu quả môn văn chết ngay trong nhà trường!
Đáp án Bộ GDĐT đưa ra không có gì để bàn nếu như không có một câu thòng: "Không cho điểm những suy nghĩ lệch lạc, tiêu cực". Nếu đúng là "lệch lạc, tiêu cực" thì không cho điểm là đúng vì thí sinh có vấn đề nhân cách. Nhưng cái chết người luôn vẫn là sự mơ hồ: Thế nào là lệch lạc, là tiêu cực? Biên giới giữa có và không thật khó xác định. Đề thi gọi là mở nhưng đã bị đóng cái sầm bởi một khái niệm cứng nhắc, gây khó, nếu không muốn nói là bó tay cả người chấm bài lẫn thí sinh!
Nhưng dù sao vẫn là một đề thi hay và hiếm làm rơi không ít nước mắt thí sinh!
Nguyễn Quang Thân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.