Một đêm ngủ lại thung lũng bản Thái

Bùi Việt Phương Thứ sáu, ngày 24/06/2016 13:00 PM (GMT+7)
Đêm đầu tiên ở bản Thái, Mai Châu, chúng tôi dùng cơm là những chú châu chấu đồng, thịt gà đồi, ốc núi… Nhưng độc đáo nhất phải là những lát măng muối ớt có vị thơm lạ lùng.
Bình luận 0

Đã có thời thung lũng tươi đẹp này ghép với Đà Bắc thành châu Mai Đà. Thật lạ, một đằng mải miết lên với núi cao đèo dốc, một đằng men theo sông thế mà lại gặp nhau ở nơi cuối núi, cùng sông.

Lại cũng nghe nói có thời Mai Châu cùng với những Châu Mộc, Châu Yên, Châu Mai Sơn, Châu Thuận, Châu Quỳnh Nhai… mà hợp thành Sơn La. Cũng chẳng hề gì, Mai Châu vừa cất lên khúc dạo đầu của miền Tây Bắc, vừa ngân nga vĩ thanh của một vùng trung du, tựa như trước những tiếng sáo vùng thấp, tiếng khèn vùng cao giục giã, níu kéo; người sơn nữ vẫn kín đáo lặng lẽ và điềm tĩnh cảm nhận cả hai lời tỏ tình để hiểu mình hơn.

img

Du khách trong trang phục dân tộc Thái.

Đêm đầu tiên ở Mai Châu, chúng tôi dùng cơm là những chú châu chấu đồng, thịt gà đồi, ốc núi… Nhưng độc đáo nhất phải là những lát măng muối ớt có vị thơm lạ lùng. Mùi thơm của tỏi, măng tre đã lên men và ớt tươi. Nhúm chút măng ăn với cơm có khi chẳng còn thiết đến thứ gì khác nữa. Lạ nữa là trong bữa cơm có những quả lặc lày rừng chấm với củ kiệu giã nhỏ.

Chủ nhà bảo đó là món chấm dùng để chấm cả ốc núi nữa. Mâm cơm được dọn ra trên chiếc bàn tre đặt dưới gầm sàn ngay bên cánh đồng, chị chủ nhà chỉ đĩa châu chấu chiên giòn bảo cứ đêm đến đeo đèn ló ra soi là bắt được đầy cả một chai nhựa. Chị kể ruộng ở đây chỉ lấy thóc ăn nên không phun loại thuốc trừ sâu bệnh nào, lúa sạch và rất yên tâm.

Đêm đến, thấy chúng tôi đi dạo, anh chủ nhà dặn trong bản thể nào cũng có biểu diễn các tiết mục của đội múa, nhưng không rõ là nhà nào. Muốn biết thì cứ nghe tiếng trống mà leo lên sàn để xem. Đêm ở bản, điện sáng trưng mọi ngả đường, nhưng các ngôi nhà sàn vẫn thâm nghiêm; lên tới sàn nhà, đã thấy đắm say với điệu múa, tiếng khèn, câu hát… Thú vị  ở chỗ họ vẫn mãi là những diễn viên quần chúng dù sự đam mê, tài năng và nhiệt huyết làm say lòng du khách.

Tôi từng nghe nhiều bạn sinh viên của mình kể rằng, đi xa nhà lại nhớ, lại thèm được múa. Điệu múa như dòng suối mát lành mời gọi người của bản đi xa trở về đắm mình vào cho thỏa những khát khao.

Sớm thức dậy, bản không có tiếng gà gáy sáng mà thay và đó là những bước chân của du khách. Từng tốp dăm ba người khách nước ngoài, những cô sinh viên mỹ thuật cầm hộp màu, bảng vẽ, những người dạo quanh bản bằng tiếng chuông xe đạp leng keng… gợi nên không gian bình yên, thanh tao của núi rừng.

Nghe nói, bản Lác đã có tuổi đời khá lâu, những thế kỷ đi qua, vẫn cánh đồng lúa xanh yên ả, những người dân có khuôn mặt hiền hậu ngồi thêu thùa dưới bóng nhà sàn, những nhành phong lan núi ấp ủ nắng mưa mà bung nở những màu hoa đẹp hút hồn du khách. Và từng ngày, là những cô gái từ mọi miền về đây, được khoác lên mình trang phục của thiếu nữ người Thái, người H’Mông để cảm nhận không khí của bản làng. Nhưng có thể, với không ít người, đó cũng là một ước mơ, là tâm sự tìm về một ký ức làng quê, về nghề nông trồng lúa của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem