Một giờ trên sông Matxcơva

Thứ ba, ngày 01/02/2011 08:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cữ tháng Năm, khi băng vừa tan hết, những rừng cây trong thành phố và ngoại vi Matxcơva tràn trề lộc biếc, các tour du lịch bắt đầu khởi động những chuyến đi nghỉ mùa hè.
Bình luận 0

Theo dọc sườn tàu, phía tả ngạn là Tu viện Novodevitri, được Hầu tước Vaxili xây dựng năm 1524, nhân kỷ niệm 10 năm quân đội chiếm đóng Xmolen, là nơi quan sát và kiểm soát các lối đi vào Matxcơva, đặc biệt là đường sông.

img
Tàu du lịch trên sông. Ảnh: Huy Hoàng

Bên cạnh Tu viện là Nghĩa trang danh nhân được bao quanh bằng bức tường gạch đỏ cao hơn 4m. Nơi đây, yên nghỉ đời đời những nhà văn, những danh hoạ, nhạc sỹ và những nhà hoạt động xã hội, những chính khách như Gogol, Trekhov, Bulgakov, Maiakovxki, Khrutsov, Tupolev, Elxin…

Đi qua Nghĩa trang danh nhân chừng 2km là Sân vận động Lujnhiki, (trước đây là sân vận động Lenin), được xây dựng, đón chào Olimpich Matxcơva năm 1980 và là một kỳ quan thời Xô viết…

Phía hữu ngạn, đối diện sân vận động là Trường Đại học Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonoxov trên đồi Chim sẻ, trước đây là đồi Lenin. Ngôi nhà sừng sững như một trái núi được xây dựng chỉ trong vòng hơn ba năm (1949-1953), ngay sau khi Liên Xô vừa thoát khỏi ách phát xít. Nó là một trong bảy toà nhà có kiến trúc đỉnh tháp nhọn đặc trưng của Matxcơva.

Vào thời hưng thịnh của tình hữu nghị hồi 80, 90, nơi đây từng có tới 600 sinh viên và cán bộ Việt Nam theo học mỗi năm. Những cán bộ, sinh viên được đào tạo tại Lâu đài khoa học này, hầu hết đều trở thành những nhà khoa học lớn trong nhiều lĩnh vực…

Sóng dội ì oạp vào bờ đá hoa cương, nơi hai bên thảm cỏ xanh, những nam thanh, nữ tú thả mình phơi nắng. Qua chiếc cầu Krưm huyền thoại, phía trước đã hiện lên "nóc củ hành" rực rỡ, đường bệ của nhà thờ Chúa Cứu thế.

Sau chiến thắng Napoleon năm 1812, Hoàng đế Alecxandr đệ Nhất quyết định xây dựng nhà thờ để tạ ơn Thượng đế đã giúp nhân dân Nga đánh đuổi quân xâm lược. Nhà thờ được xây dựng ròng rã 40 năm. Đến ngày 5-12-1931, sau 48 năm tồn tại, Xtalin đã ra lệnh phá huỷ nhà thờ và định xây trên nền đất này Cung Xô viết cao nhất thế giới. Nhưng chiến tranh đã ngăn cản kế hoạch kỳ vĩ này.

Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga Elxin, nhà thờ Chúa Cứu thế được xây dựng lại trung thành với thiết kết gần hai trăm năm trước với toàn bộ số tiền do dân đóng góp. Chỉ trong vòng năm năm 1995-2000, nhà thờ lớn nhất nước Nga được hoàn thành với chiều cao 103,5m, có sức chứa 10.000 người, Thi hài của Tổng thống Elxin và Giáo hoàng Alecxei đệ nhị đã được quàn tại đây trước khi đưa về nơi yên nghỉ.

img
Nhà thờ Chúa cứu thế. Ảnh: Huy Hoàng

Chặng cuối của cuộc hành trình trên sông nước là quang cảnh Quảng trường Đỏ và điện Kremli. Ở đây, mỗi hòn đá lát đều vang vọng dư âm của năm tháng. Bảo tàng cách mạng giờ đây được đổi tên là Bảo tàng Lịch sử.

Phía trước là bức tượng của Nguyên soái Giukov được khánh thành nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng phát xít. Một khu thương mại ngầm 3 tầng nối từ metro Okhodnui Riad đến tận Trung tâm triển lãm nguy nga và lộng lẫy như muốn phô ra sức mạnh của cơ chế thị trường Nga.

Qua Kremli, dòng sông trở nên rộng hơn, con tàu xuôi giữa những khu nhà cổ kính. Từ đây, nhìn ra xa, những nhà hiện đại cao tầng cạnh nhà ga Paveletxki lấp loá trong ráng chiều. Con tàu hạ dần tốc độ, ép mạn vào bến, chia tay với hành khách sau một giờ thoả thuê ngắm trời mây, sông nước giữa đôi bờ sông Matxcơva.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem